Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Ngoài việc chốt phương án vào lớp 10 với 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và môn thứ 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định cách tính điểm xét tuyển cụ thể.
Trong đó, căn cứ vào khoản 6, Điều 13 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông: “Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 (mười) với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi”.
Khuyến khích học sinh không coi nhẹ bất kỳ môn học nào
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Nam Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nhận định, quy định điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn thi, bài thi không chỉ giúp quá trình tuyển sinh công bằng hơn mà còn hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện.
Theo thầy Thái, những năm trước đây, nhiều tỉnh, thành phố thường sử dụng cách tính điểm xét tuyển nhân hệ số 2 đối với môn Toán và môn Ngữ văn. Do đó, đối với các bạn học giỏi trội về môn Toán hoặc môn Ngữ văn sẽ chiếm lợi thế hơn so với các bạn có thế mạnh về các môn khác. Tuy nhiên, với quy định mới của Thông tư 30, học sinh trên cả nước sẽ được bình đẳng trong thi cử và nhà trường sẽ đánh giá toàn diện năng lực của mỗi em. Quy định mới kỳ vọng hướng đến cho mỗi học sinh nhận thức từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục cơ bản, tầm quan trọng của các môn học là như nhau, giúp cho các em học đồng đều hơn, tránh tình trạng học lệch ở giai đoạn này.
“Theo tôi, quy chế mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cụ thể, do đó nhà trường sẽ bám sát vào từng nội dung để thực hiện sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó, nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về các điều chỉnh trong kỳ thi tuyển sinh để học sinh và phụ huynh nắm rõ, từ đó có lộ trình ôn luyện phù hợp đối với các em học cuối cấp”, thầy Thái bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nông Thế Huân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nhận định, quy định điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm các môn thi tính theo thang điểm 10 mà không nhân hệ số sẽ góp phần xóa bỏ sự phân biệt giữa các môn học. Đây là một thay đổi tích cực, khuyến khích học sinh không coi nhẹ bất kỳ môn học nào. Đồng thời, quy định này giúp giảm áp lực tâm lý cho học sinh so với trước đây khi phải đầu tư quá nhiều vào các môn được nhân hệ số 2.
“Tuy nhiên, khác với học sinh vùng thuận lợi, đối với học sinh ở miền núi, việc áp dụng quy định này có thể gặp một số khó khăn nhất định. Học sinh vùng cao vốn đã hạn chế về điều kiện học tập, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên và điều kiện kinh tế. Do đó, các em khó đạt kết quả cao ở những môn được coi là cơ bản.
Trước đây, khi áp dụng nhân hệ số 2 cho môn Toán và Ngữ văn, mặc dù cách tính điểm xét tuyển có thể gây bất công với học sinh giỏi môn học khác, nhưng lại khuyến khích học sinh vùng khó khăn đầu tư vào 2 môn trọng tâm này để đạt điểm cao hơn. Vì vậy, khi hệ số các môn thi bằng nhau, đồng nghĩa với việc các em cần nỗ lực đồng đều ở cả 3 môn”, thầy Huân nêu quan điểm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng lộ trình học tập cho học sinh
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), quy chế mới mang lại nhiều tác động tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để đảm kết quả tốt nhất cho học sinh, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên. Đồng thời, trong các buổi họp phụ huynh của học sinh lớp 9, nhà trường đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi vào lớp 10.
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, định hướng các em trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo mục tiêu công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh”, thầy Thái bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, thầy Huân cho biết, về lâu dài, quy định mới của Thông tư 30 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung. Bởi, khi các môn học có hệ số bằng nhau, học sinh sẽ không phân biệt môn chính, môn phụ. Từ đó, các em sẽ tự xây dựng tư duy học tập toàn diện, tránh tình trạng tập trung quá mức vào một số môn, dẫn đến bỏ qua những môn khác.
“Theo tôi, Thông tư 30 là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách giáo dục, hướng tới sự công bằng và bình đẳng giữa các môn học.
Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy hiệu quả, tôi cũng đề xuất cần có các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho học sinh ở vùng khó khăn. Đơn cử, việc bổ sung giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và tổ chức các lớp ôn tập phù hợp là vô cùng cần thiết để đảm bảo học sinh ở vùng cao không bị thiệt thòi. Đồng thời, các trường trung học cơ sở cần được tập huấn để thực hiện tốt quy định mới này.
Về phía các trường trung học phổ thông, nhà trường chủ yếu là tiếp nhận học sinh sau kỳ thi tuyển sinh và không trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức ôn tập. Tuy nhiên, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các trường trung học cơ sở để đảm bảo học sinh có tâm lý ổn định, tự tin bước vào kỳ thi”, thầy Huân nêu quan điểm.
Còn theo quan điểm của ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh một số nội dung trong quy chế tuyển sinh vào lớp 10, nhằm đánh giá công bằng năng lực của học sinh.
Trước đây, việc nhân hệ số 2 cho một số môn học chính như Toán và Ngữ văn đã tạo ra sự thiên lệch trong việc học tập của học sinh. Nhiều em tập trung vào các môn được ưu tiên, xem nhẹ các môn khác như Tiếng anh, dẫn đến sự mất cân đối trong quá trình học tập và đánh giá. Theo cách tính điểm xét tuyển mới, mỗi môn thi đều có giá trị hệ số tương đương, góp phần xóa bỏ khái niệm môn chính, môn phụ. Quy định này đảm bảo học sinh phải đầu tư thời gian và nỗ lực học đều tất cả các môn, thay vì chỉ tập trung vào những môn nhân đôi điểm.
“Theo tôi, các địa phương sẽ không gặp quá nhiều trở ngại, bởi mọi hoạt động đều tuân theo văn bản chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, các bước chuẩn bị bao gồm việc tập huấn cho giáo viên, thông tin đến phụ huynh và học sinh cũng như điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với quy chế mới. Thay vì chỉ chú trọng đào tạo học sinh giỏi một số môn chính, giáo viên cần hướng dẫn học sinh học tập cân đối giữa các môn. Theo đó, quy định mới không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giảm áp lực cho học sinh khi không còn phải gồng mình tập trung vào một vài môn trọng điểm.
Tóm lại, việc triển khai Thông tư 30 là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách tuyển sinh vào lớp 10, hướng tới đánh giá công bằng và toàn diện năng lực học sinh. Mặc dù còn một số thách thức trong quá trình triển khai, nhưng với sự chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng sự đồng lòng của các địa phương, quy chế mới này được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực”, ông Tùng bày tỏ.