Theo tôi, Bộ GD cần xem xét lại việc đặc cách HSG của Hà Tĩnh

23/12/2022 06:34
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng trường THPT cho rằng bài kiểm tra IELTS không thể "sánh" ngang được với kỳ thi học sinh giỏi.

Vừa qua, Tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định đặc cách công nhận học sinh giỏi tiếng Anh đối với 91 học sinh đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên. Cụ thể, có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS (tương đương giải nhất kỳ thi HSG môn tiếng Anh); 37 em đạt 7.5 điểm IELTS (tương đương giải nhì) và 48 em đạt 7.0 điểm IELTS (tương đương với giải ba).

Việc làm này có ý kiến băn khoăn rằng liệu đặc cách như vậy thì có đảm bảo công bằng với các học sinh khác cũng như có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho ngành giáo dục trong hiện tại và tương lai hay không?

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng đây là một việc làm không đúng đắn.

Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Theo ông Việt Anh, nhìn nhận ở góc độ chuyên môn thì việc đặc cách học sinh giỏi cho các em đạt điểm IELTS cao từ 7.0 trở lên như vậy là không thỏa đáng, bởi đây là kỳ thi được sát hạch bởi các tổ chức nên có quy chế khác hoàn toàn với kỳ thi học sinh giỏi.

Bên cạnh đó, kỳ thi IELTS chỉ đánh giá được khả năng sử dụng ngôn ngữ chứ không đánh giá được người học có dùng ngôn ngữ hiệu quả hay không. Ngay cả những bạn đạt số điểm gần như tuyệt đối bài thi IELTS nhưng giao tiếp cũng có thể chưa tốt.

Hơn nữa, việc đặc cách như vậy sẽ vô tình tạo ra một làn sóng bệnh thành tích mới và mở ra một cuộc đua mang tính lợi ích nhóm cho các trung tâm ngoại ngữ dạy IELTS. Từ đó, sinh ra tư tưởng trong học sinh là không cần quá coi trọng các môn học khác mà chỉ cần học mỗi IELTS là xong, bởi có chứng chỉ IELTS cao đã là học sinh giỏi cấp Sở rồi.

“Theo tôi, ngành giáo dục cần phải xem xét lại việc đặc cách này bởi nó sẽ là một việc làm nguy hiểm cho giáo dục nước nhà trong cả hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, kỳ thi học sinh giỏi có những tiêu chí đánh giá mà một bài thi IELTS không thể đánh giá được", ông Việt Anh nói.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh, không thể nói việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh cho các bạn có điểm IELTS cao là để khuyến khích phong trào học tiếng Anh cho các em. Ngành giáo dục có rất nhiều cách thức để tạo thêm động lực học tập ngoại ngữ cho học sinh như khen thưởng bằng tiền mặt hoặc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào trường đại học, như vậy kể cả cộng khoảng từ 0,5 - 1 điểm cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các em.

Chuyên gia giáo dục Bùi Phương Việt Anh cho rằng, hiện nay cũng có một số trường đại học đang xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh vào trường. Do đó, nếu ngành giáo dục cho phép các trường đại học xét tuyển thẳng học sinh giỏi mà tỉnh Hà Tĩnh đặc cách như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ không công bằng trong việc xét tuyển của các trường đại học cũng như sẽ phá vỡ cấu trúc đào tạo hiện nay của nhà nước.

Bởi, nếu chỉ cần IELTS là được tuyển thẳng vào đại học thì việc tổ chức kỳ thi xét tuyển đại học thông thường phải chăng đang “làm khổ” các em học sinh và gia đình và việc tồn tại kỳ thi học sinh giỏi hay thi tuyển vào đại học sẽ trở nên vô nghĩa.

Cũng bàn về vấn đề trên, thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) lại cho rằng, không thể nói việc đặc cách học sinh giỏi cho các học sinh được 7.0 IELTS trở lên là không công bằng bởi đây là cách vận dụng của từng địa phương.

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Chương, hiện nay chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ IELTS cũng rất phổ biến nên việc làm này sẽ một sự động viên, khuyến khích học sinh tăng cường trau dồi thêm kiến thức về tiếng Anh hơn và sẽ có tác dụng hoàn toàn tích cực.

Bởi lẽ, IELTS là một hệ thống bài kiểm tra quốc tế về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, được sáng lập bởi 3 tổ chức ESOL thuộc Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP (Úc) vào năm 1989.

Theo thống kê, IELTS đã có mặt ở 140 quốc gia với hơn 1.200 trung tâm tổ chức thi. Và, 10.000 trường đại học, cao đẳng, cơ quan, các tổ chức khác sử dụng điểm số IELTS để đánh giá năng lực tiếng Anh chính thức trong đó có Úc, Anh, Canada và New Zealand…

Do đó, thầy Chương cho rằng, nếu học sinh đạt được điểm cao của bài kiểm tra này thì chắc chắn trình độ của các em cũng được nâng lên cũng như giúp các em có nhiều lợi thế hơn trong việc học tập cũng như công việc sau này.

Tuy nhiên, theo thầy Chương, nếu để đánh giá tương đương hay thay thế kỳ thi học sinh giỏi thì bài kiểm tra IELTS không thể làm được bởi kỳ thi học sinh giỏi đòi hỏi lượng kiến thức rộng và toàn diện hơn nhiều, để có được giải, thí sinh cũng cần phải nhiều yếu tố khác nữa.

Mặt khác, nhìn nhận từ thực tế, nếu chỉ lựa chọn các em được điểm cao IELTS thì chưa chắc khi đi thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các bạn sẽ đạt được giải cao bởi đây là hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), việc một số trường đại học xét tuyển thẳng những học sinh giỏi cấp tỉnh trong đó có học sinh giỏi mà tỉnh Hà Tĩnh đã đặc cách cũng không gây mất công bằng với các địa phương khác.

Bởi thầy Chương cho rằng, các trường đại học hiện nay đang có nhiều phương thức xét tuyển, do đó, các em học sinh không dùng được cách thức xét tuyển này vẫn có thể dùng nhiều cách khác để vào trường.

Trà My