Bài viết “Học 4 năm đại học không bằng 3 tháng bồi dưỡng, sao vô lý thế?” của tác giả Nguyễn Nhật Minh đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/8/2022 đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều giáo viên trên cả nước.
Bài viết "Học 4 năm đại học không bằng 3 tháng bồi dưỡng, sao vô lý thế" được nhiều thầy cô chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Lê Mai |
Điều mà dư luận thắc mắc đó là để dạy 1 môn, giáo viên phải học 4 năm, vậy mà để dạy thêm 2 đơn môn trong môn tích hợp, giáo viên chỉ cần bồi dưỡng 3 tháng.
Sinh viên sư phạm phải học bao nhiêu tín chỉ để có thể dạy 1 môn?
Theo Luật Giáo dục 2019, để đạt chuẩn đào tạo ở trung học cơ sở giáo viên phải có bằng cử nhân.
Với chương trình 2018, ở trung học cơ sở có 2 môn tích hợp, Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn: Lý, Hóa, Sinh), Lịch sử và Địa lý (tích hợp hai môn: Lịch sử, Địa lý).
Môn tích hợp hiện nay là phép cộng những kiến thức, kỹ năng của các đơn môn. Môn Khoa học tự nhiên là kiến thức, kỹ năng của ba môn: Lý, Hóa, Sinh của chương trình cũ. Theo đánh giá của người viets là có phần nặng hơn, cao hơn ít có cắt giảm kiến thức.
Môn Lịch sử và Địa lý đang được đánh giá là phép cộng kiến thức, kỹ năng hai môn Lịch sử, Địa lý vào một cuốn sách để gọi là môn Lịch sử và Địa lý.
Vì vậy, đúng ra để “đạt chuẩn” dạy kiến thức các đơn môn trong môn tích hợp, giáo viên phải có bằng cử nhân của các đơn môn.
Ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Điều 7 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Khối lượng học tập
1. Khối lượng học tập của chương trình đào tạo, của mỗi thành phần hoặc của mỗi học phần trong chương trình đào tạo được xác định bằng số tín chỉ.
a) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá;
b) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.
2. Khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;
b) Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;
c) Chương trình đào tạo thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;
d) Chương trình đào tạo tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Như vậy, sinh viên sư phạm phải học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành.
Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.
Theo đó, để dạy môn tích hợp, giáo viên chỉ cần học 20-36 tín chỉ trong thời gian 3 tháng.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian ngắn như vậy, giáo viên được bồi dưỡng có thể đảm bảo trình độ, kiến thức để dạy tương đương với trình độ của một giáo viên được đào tạo đơn môn ở bậc đại học hay không?
Chứng chỉ dạy môn tích hợp giống như “giấy phép con”?
Các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp đã một thời hành hạ giáo viên, từng được dư luận xã hội coi như một loại “giấy phép con”.
Nhiều giáo viên cho rằng, các chứng chỉ này ít có tác dụng tích cực với giáo dục, không thực sự giúp nâng cao chất lượng giảng dạy.
Vậy giáo viên có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng dạy môn tích hợp có thể dạy tốt môn tích hợp không?
Thực tế, có những giáo viên đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng dạy môn tích hợp nhưng không tự tin dạy tốt môn không được đào tạo đại học trong môn tích hợp.
Nhưng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:
“Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.
Thực tế, ngay tại địa phương người viết, hiện nay, có giáo viên không có chứng chỉ bồi dưỡng dạy môn tích hợp vẫn dạy các đơn môn trong môn tích hợp và kể cả môn tích hợp.
Chất lượng thực sự của việc bồi dưỡng môn tích hợp chưa có đánh giá nào chi tiết ngoài tờ chứng chỉ, chứng nhận nhưng kinh phí phải chi thì lại là con số rất rõ ràng.
Trường Đại học Đồng Tháp có Thông báo số 921/TB-ĐHĐT về việc tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở, học phí mỗi tín chỉ là 200.000 đồng.
Như vậy, chi phí để hoàn thành chương trình bồi dưỡng là từ 4.000.000 đồng đến 7.200.000 đồng/chứng chỉ, chưa kể các khoản chi phí khác.
Thông báo 921/TB-ĐHĐT của Trường Đại học Đồng Tháp. |
Theo Quyết định số 2454 và số 2455/QĐ-BGDĐT, 100% giáo viên đơn môn (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) ở trung học cơ sở phải đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp.
Theo người viết, chất lượng giáo viên có thực sự đảm bảo không chưa rõ nhưng đã rõ những người hưởng lợi từ chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp, không ai khác ngoài các trường sư phạm và các đơn vị, cơ sở hợp tác mở lớp.
Có lẽ, trong lúc chờ lứa sinh viên được đào tạo dạng liên môn thực sự đáp ứng dạy các môn tích hợp một cách chuẩn hóa ngay khi còn trên giảng đường đại học, Bộ cần có giải pháp phù hợp hơn để giải quyết vấn đề giáo viên dạy môn tích hợp.
Theo người viết, trước mắt, nhà trường, giáo viên phải nhận khó về mình, phân công giáo viên đơn môn dạy theo tiến trình sách giáo khoa, chấp nhận 3 thầy cùng dạy một cuốn sách, nhưng đảm bảo chất lượng giờ dạy, ưu tiên cho học sinh được học đúng nghĩa với thầy cô.
Về lâu dài, người viết đề nghị Bộ nên sửa đổi Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT và có giải pháp phù hợp về bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp để phù hợp với thực tế.
Sinh viên sư phạm được miễn học phí, giáo viên đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp càng phải được miễn học phí hơn, vì thế thầy cô tuyệt đối không vội vàng nghe theo đồn thổi, bỏ tiền túi đi học chứng chỉ dạy môn tích hợp.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT, Luật Giáo dục 2019, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT
[1] https://nbtv.vn/ca-nuoc-thua-10-178-giao-vien-thieu-94-714-giao-vien-34678.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.