Ngày 24/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nghe Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (22 cơ sở công lập, 7 cơ sở ngoài công lập).
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã khẳng định được vai trò trong việc đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trong tỉnh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình báo cáo đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với lãnh đạo tỉnh (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở phân bố không đều, quy mô đào tạo nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều cơ sở chưa bảo đảm cho việc dạy và học…
Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025.
Theo mục tiêu cụ thể, từ năm 2018-2025 sẽ thực hiện sáp nhập một số trường trung cấp vào Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, sáp nhập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình;
Đồng thời mở rộng đầu tư cũng như bảo đảm cơ chế tự chi của một số trường; đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố….
Tại cuộc làm việc, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần sắp xếp về bố cục, nội dung khoa học, rõ ràng;
Trong đó cần xác định được các ngành nghề trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
Đồng thời bổ sung nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước và có những giải pháp cụ thể để triển khai đề án một cách hiệu quả.