Sự đồng thuận, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng tăng lên

19/08/2024 09:50
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Ngành giáo dục hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận của toàn XH.

Sáng nay 19/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Hội nghị cũng có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Trước khi bắt đầu hội nghị, toàn thể đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản tận tụy, kiên trung, nhà lãnh đạo lỗi lạc trọn đời vì nước vì dân.

NTH_1395.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi điều hành hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, hàng năm, tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch năm tài chính là việc quan trọng của tất cả các Bộ, ngành. Với ngành giáo dục, do đặc thù công việc triển khai các hoạt động trong năm học, đến trước thềm năm học mới ngành thường tổ chức hội nghị lớn toàn thành. Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính lan tỏa sâu rộng.

Năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với cả nước, ngành giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Trung ương Đảng đổi mới giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cùng các nhiệm vụ quan trọng khác.

DSC_2050.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

“Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng là “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, cùng với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của phụ huynh học sinh.

Đặc biệt với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội”, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Quá trình triển khai trong 12 tháng qua đã đạt được hầu hết các mục tiêu kế hoạch, là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng và tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

DSC_1984.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Tư lệnh ngành giáo dục bày tỏ, hội nghị tổng kết hôm nay là cơ sở để toàn ngành đánh giá toàn diện về việc triển khai nhiệm vụ của năm học vừa qua, đánh giá sâu các kết quả đạt được, những điểm còn hạn chế, những bài học kinh nghiệm và những giải pháp khắc phục, những vấn đề còn bất cập và các giải pháp cần đưa ra.

“Chúng ta cùng nhau xác định, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, là thời điểm toàn ngành tích cực và phấn đấu triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 với nhiều giải pháp, nhiệm vụ lớn; là năm kết thúc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn hội nghị sẽ nhận được ý kiến của đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được ở các địa phương, từ đó tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025, và các nhiệm vụ trọng trách của ngành giáo dục được Đảng và Nhà nước giao phó.

Doãn Nhàn