So sánh mức học phí ngành Kế toán năm 2024 tại một số trường ĐH top ở Hà Nội

24/04/2024 06:16
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Học phí ngành Kế toán có sự chênh lệch đáng kể giữa các trường đại học, có nơi đến 180 triệu đồng cho 3 năm học của chương trình liên kết đào tạo.

Tại một số trường đại học khu vực phía Bắc, học phí ngành Kế toán cũng có sự khác biệt. Trong mỗi cơ sở đào tạo, tương ứng với các chương trình khác nhau thì học phí ngành Kế toán cũng khác nhau.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương, nhà trường áp dụng mức học phí chung cho trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như phân hiệu ở Quảng Ninh.

Theo đó, ngành Kế toán thuộc chương trình đào tạo chuẩn, mức học phí trong khoảng 22 - 25 triệu đồng/năm học.

Cụ thể học phí của trường tương ứng với các chương trình đào tạo như sau:

0ab5ca833e42901cc953 (1).jpg
Ảnh: Chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Ngoại thương

Năm nay, trường dự kiến tuyển sinh 32 chỉ tiêu cho ngành Kế toán tại trụ sở chính Hà Nội, 20 chỉ tiêu cho cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh và 45 chỉ tiêu tại phân hiệu Quảng Ninh, xét theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Kế toán cao nhất tại cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh với 27,8 điểm cho tổ hợp A00 và 27,3 điểm cho các tổ hợp A01; D01; D07.

Tại cơ sở Hà Nội, điểm chuẩn đầu vào cho tổ hợp A00 là 27,5 và 26,95 áp dụng cho các tổ hợp còn lại.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 240 chỉ tiêu cho ngành Kế toán, xét tuyển theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Theo đó, mức học phí cho chương trình chuẩn là 16 -22 triệu đồng/năm và có lộ trình tăng qua các năm tối đa 10%.

Là một trường đại học top đầu đào tạo khối ngành kinh tế, năm 2021 điểm đầu vào ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở ngưỡng cao với 27,65 điểm, xét theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thang điểm 30.

Năm 2022, mức điểm chuẩn là 27,40 với phương thức xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và 20 điểm với phương thức xét tuyển dựa theo kết quả đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa tổ chức.

Năm 2023, điểm chuẩn tiếp tục giảm còn 27,05 theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Dự kiến trong năm 2024, tổng quỹ học bổng của trường lên đến 23 tỷ đồng, trong đó bao gồm: 19 tỷ đồng cho Học bổng khuyến khích học tập và 4 tỷ đồng là Học bổng của các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ.

Ngoài ra, trường tiếp tục triển khai các chương trình trao đổi sinh viên với các đại học đối tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Hoa Kỳ, Canada…theo thời gian ngắn hạn 1 năm học, 1 kỳ học, 1 tháng học, 3 tuần. Đây là cơ hội cho sinh viên, học viên có những trải nghiệm học tập, tìm hiểu văn hoá đời sống và giao lưu với sinh viên các nước trong thế giới.

gdvn_hocphi.jpg

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Tài chính, tổng chỉ tiêu dự kiến là 4500 cho các ngành/nhóm ngành, các chương trình đào tạo. Trong đó, chỉ tiêu của chương trình chuẩn là 3100 và chương trình đào tạo định hướng chứng chỉ quốc tế là 1280; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân - DDP là 120 chỉ tiêu.

Với ngành Kế toán, dự kiến tuyển sinh 840 (giảm 490 chỉ tiêu so với năm 2023), xét theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Theo đó mức học phí năm 2024 - 2025 là 25 triệu đồng/năm đối với chương trình chuẩn (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước).

Với các ngành trong chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế, mức học phí là 50 triệu đồng/năm học.

Với diện tuyển sinh theo đặt hàng, học phí cho 1 năm học là 43 triệu đồng.

Đề án nêu rõ, từ những năm sau học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước.

Đối với lưu học sinh diện tự túc kinh phí, mức học phí mỗi năm sẽ theo quy định của Học viện đối với sinh viên nước ngoài diện tự túc chi phí.

Mức học phí cho chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) không thay đổi trong suốt 4 năm học. Cụ thể, với khóa học 4 năm trong nước, mức học phí sẽ là 70 triệu đồng/năm, tương đương 280 triệu đồng/khóa học.

Với khóa học 3 năm trong nước và 1 năm tại Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) sẽ là 70 triệu đồng/năm học (cho 3 năm học trong nước) và 490 triệu đồng/năm học (cho 1 năm học tại Trường Đại học Greenwich). Tổng cộng cho khóa học 4 năm này là 700 triệu đồng/khóa.

Mức học phí của chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon, cấp bằng học trong 3 năm áp dụng với các chuyên ngành Bảo hiểm, Ngân hàng, Tài chính là 171 triệu đồng (mức học phí bình quân là 57 triệu đồng/năm học); Với chuyên ngành Kế toán, Kiểm soát, Kiểm toán, học phí là 180 triệu đồng/khóa. Trong đó, 2 năm đầu mức học phí là 57 triệu đồng/năm, riêng năm cuối là 66 triệu đồng/năm học.

Trong 3 năm trở lại đây, ngành Kế toán tại trường được đào tạo với 2 chương trình: chương trình chuẩn và chương trình tiên tiến (chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp).

Theo đó, năm 2021, điểm đầu vào chương trình chuẩn là 26,95 với tổ hợp A00 và 26,55 với tổ hợp A01; D01; D07 (xét theo thang điểm 30).

Với chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, điểm chuẩn là 35,13 xét các tổ hợp A01; D01; D07 (xét theo thang điểm 40).

Năm 2022, điểm có dấu hiệu giảm với cả 2 chương trình. Theo đó, điểm đầu vào chương trình chuẩn là 26,20, tiếp tục giảm trong năm 2023 ở mức 26,15 điểm, áp dụng với tất cả các tổ hợp.

Với chương trình tiên tiến, điểm chuẩn năm 2022 là 32,95 và tăng nhẹ trong năm 2023 với 34,01 điểm.

Tại Trường Đại học Thương mại, ngành Kế toán gồm 2 chuyên ngành: Kế toán công và Kế toán doanh nghiệp cùng các chương trình đào tạo thay đổi theo mỗi năm.

Từ năm 2023, trường đào tạo thêm chương trình Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế ICAEW - CFAB (chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế IPOP).

Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp là 150; Kế toán công là 80 chỉ tiêu và chương trình Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế ICAEW - CFAB là 100 chỉ tiêu.

Về mức học học phí cho từng ngành, chương trình đào tạo, trường quy định rõ mức học phí tăng không quá 12,5% so với năm trước liền kề.

Với chương trình đào tạo chuẩn, mức học phí từ 2,4 triệu - 2,6 triệu đồng/ tháng, tương đương 24 - 26 triệu đồng/năm, xét theo từng chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế IPOP, mức học phí cao hơn là 3,5 triệu đồng/tháng, khoảng 35 triệu đồng/năm.

Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp được quy định là 2,6 triệu đồng/tháng, khoảng 26 triệu/năm.

Trong 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành Kế toán tại Trường Đại học Thương mại có sự chuyển biến qua mỗi năm, cụ thể với từng chuyên ngành.

Xét theo thang điểm 30, năm 2021 điểm chuẩn chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp chương trình chuẩn là 26,6 điểm và 26,1 cho chương trình chất lượng cao; điểm chuẩn của chuyên ngành Kế toán công là 26,2 điểm, tất cả xét theo 4 tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Năm 2022, trường loại bỏ hình thức đào tạo chất lượng cao. Theo đó, điểm chuẩn chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp là 26,2 điểm và điểm chuẩn chuyên ngành Kế toán công là 25,8 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn giữa 2 chuyên ngành có sự chênh lệch không đáng kể, cao nhất là Kế toán doanh nghiệp với 25,9 điểm và Kế toán công là 25,8.

Theo thông báo tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Kế toán tuyển 310 chỉ tiêu, xét tuyển theo các tổ hợp A01; D01; D09; D10.

Năm nay, trường xét tuyển theo 7 phương thức bao gồm: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực học sinh bậc Trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo; Xét tuyển thẳng theo quy định Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển dự bị đại học; Xét tuyển lưu học sinh; Xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao (có thông báo tuyển sinh riêng).

Theo đó, ngành Kế toán xét tuyển theo các phương thức: Xét tuyển phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 (125 chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực học sinh bậc Trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (80 chỉ tiêu); Xét tuyển chứng chỉ quốc tế (101 chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (01 chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng theo Quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển dự bị đại học (2 chỉ tiêu); Xét tuyển lưu học sinh( 01 chỉ tiêu).

Mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2024 - 2025 đối với chương trình đại học chính quy là 4,4 triệu đồng/ tháng (tương đương 44 triệu đồng/năm) và sẽ tăng 2 triệu đồng qua các năm.

Cụ thể, năm học 2025 - 2026 mức học phí là 46 triệu đồng/năm, năm học 2026 - 2027 là 48 triệu đồng/năm, năm 2027 - 2028 là 50 triệu đồng/năm.

Trong 3 năm gần đây, điểm chuẩn ngành Kế toán có nhiều biến động. Năm 2021, mức điểm ở ngưỡng cao với 35,55 điểm cho tất cả các tổ hợp, xét theo thang điểm 40 và giảm trong năm 2022 còn 33,07 điểm. Năm 2023, điểm tăng trở lại ở mức 34,1.

Đào Hiền