Được thành lập theo Quyết định số 30/1998/QĐ-TTg ngày 09/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng là cơ sở tổ chức đào tạo và Nghiên cứu khoa học của Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng.
Hiện Học viện do Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Quế làm Phó Giám đốc Phụ trách Ban Giám đốc Học viện; Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh là 2 Phó Giám đốc Học viện.
Tầm nhìn đến năm 2030, Học viện hướng tới là một trường đại học uy tín, đào tạo đa ngành, liên ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và trở thành đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại gắn liền với chuyển đổi số trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động cộng đồng. Đặc biệt, Học viện có mục tiêu trở thành đại học thông minh vào năm 2045.
Tỉ trọng nguồn thu từ học phí có xu hướng giảm qua các năm
Thống kê dữ liệu từ báo cáo công khai thông tin tài chính của cơ sở giáo dục đại học của 3 năm học 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022 cho thấy, nguồn thu của Học viện Ngân hàng trong 3 năm học gần đây có nhiều biến động.
Nguồn thu của Học viện Ngân hàng trong 3 năm 2019, 2020, 2021. |
Từ số liệu trên, có thể thấy, tổng thu năm của trường có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2021, trường có tổng thu năm là 380,395 tỷ đồng (tăng 39,711 tỷ đồng so với năm 2019). Đặc biệt, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác của Học viện tăng 41,854 tỷ đồng sau 2 năm, từ 67,253 tỷ đồng (năm 2019) lên 109,108 tỷ đồng (năm 2021).
Còn, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lại giảm từ 4,26 tỷ đồng (năm 2019) xuống 0,725 tỷ đồng (năm 2020), đến năm 2021, nguồn thu này lại tăng lên mức 1,3 tỷ đồng.
Mặt khác, từ bảng số liệu trên cũng cho thấy, qua các năm, mặc dù tỉ trọng của nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng thu của Học viện với 55,5% (năm 2019), 50,8% (năm 2020), 49,9% (năm 2021).
Tuy nhiên, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác của nhà trường đang dần chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong tổng thu của nhà trường, vượt qua tỉ trọng nguồn từ ngân sách.
Năm 2019, nguồn từ ngân sách của Học viện chiếm 23,5% tổng thu, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 19,7%; đến năm 2020, nguồn từ ngân sách của cơ sở chiếm 25,6%, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 23,3%.
Thế nhưng, đến năm 2021, nguồn từ ngân sách của Học viện chỉ còn chiếm 21,1%, trong khi nguồn thu từ các nguồn hợp pháp khác lại đạt đến 28,7%.
Khối ngành VII đã 3 năm học liên tiếp không có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc
Bên cạnh đó, theo báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học qua 3 năm học gần đây nhất được đăng trên website Học viện ngân hàng (năm học 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022) cho thấy quy mô sinh viên tại các hệ đào tạo có nhiều biến động.
Theo đó, số người học nghiên cứu sinh của Học viện tăng nhẹ từ 69 người (năm học 2019-2020) lên 73 nghiên cứu sinh (năm học 2020-2021) nhưng đến năm học 2021-2022 lại giảm xuống còn 65 người.
Tương tự, số người học trình độ đào tạo hệ Thạc sĩ cũng có biến động khi tăng từ 806 người (năm học 2019-2020) lên 979 người (năm học 2020-2021) nhưng đến năm học 2021-2022 lại giảm còn 935 người.
Đối với hệ đào tạo đại học chính quy lại có số người học giảm dần qua các năm, từ 16.556 sinh viên (năm học 2019-2020) xuống 14.813 sinh viên (năm học 2020-2021) và tiếp tục giảm còn 14.750 sinh viên vào năm học 2021-2022.
Ngoài ra, đối với quy mô sinh viên của hệ đào tạo đại học vừa làm vừa học, năm học 2019-2020, Học viện có 28 sinh viên, năm học 2020-2021 có 33 sinh viên nhưng đến năm học 2021-2022 thì không có người học nào của hệ đào tạo này.
Hơn nữa, báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học qua 3 năm học gần đây cũng cho thấy thông tin cụ thể về số sinh viên theo phân loại loại tốt nghiệp của từng khối ngành.
Số sinh viên theo phân loại loại tốt nghiệp của từng khối ngành của Học viện Ngân hàng qua các năm (%) |
Qua dữ liệu trên, có thể thấy rằng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá trong tổng số sinh viên tốt nghiệp của Khối ngành III có xu hướng giảm từ 56,22% (năm học 2019-2020) xuống 55,95% (năm học 2020-2021) và tiếp tục giảm còn 52,73% (năm học 2021-2022).
Trong khi đó, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của Khối ngành này lại có nhiều biến động.
Năm học 2019-2020, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chiếm 23,62% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp của Khối ngành III, đến năm học 2020-2021 lại tăng lên, với 26,28%. Tuy nhiên đến năm học 2021-2022 chỉ còn chiếm chưa được 20% với 19.88%.
Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của khối ngành này tăng từ 4,57% (năm học 2019-2020) lên 6,92% (năm học 2020-2021) nhưng lại giảm vào năm học 2021-2022 với 4,28%.
Đáng chú ý, trong 3 năm học liên tiếp, Khối ngành VII của Học viện không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng chỉ chiếm phần nhỏ với 4,55% vào năm học 2019-2020, 19,75% vào năm học 2020-2021 và 10,86% của năm học 2021-2022.
Khối ngành III của Học viện Ngân hàng hiện đang đào tạo các ngành: Tài chính, Công nghệ tài chính, Ngân hàng, Ngân hàng số, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Hệ thống thông tin quản lý, Luật kinh tế.
Khối ngành VII của Học viện đào tạo các ngành: Kinh tế, Ngôn ngữ Anh
Mặt khác, so sánh Đề án tuyển sinh trong 3 năm 2021, 2022, 2023 của Học viện Ngân hàng cho thấy một số thay đổi trong phương thức xét tuyển đại học.
Năm 2021, Học viện dành 5% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng nhưng đến năm 2022, cơ sở chỉ dành 2% tổng chỉ tiêu cho phương thức này, đặc biệt, đến năm 2023, không có phần trăm chỉ tiêu nào cho phương thức xét tuyển thẳng.
Một số phương thức xét tuyển của Học viện Ngân hàng cho năm 2023 có phần trăm chỉ tiêu tương tự năm 2022 với 25% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông; 15% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế (tăng 5% so với năm 2021); 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (Năm 2021 Học viện không xét tuyển phương thức này).
Riêng đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông, năm 2023, Học viện dành 50% chỉ tiêu cho phương thức này, tăng 2% so với năm 2022 và giảm 10% so với năm 2021.