Trong khi không ít người trong số họ mong muốn được đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc tuổi già thì hiện nay, một số lao động trẻ lại đi rút bảo hiểm xã hội một lần, tự mình đánh mất “của để dành” quý giá để sống an vui trong tương lai.
Người lao động nuối tiếc khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Bao năm nay, ngày nào cũng vậy, trong khi mọi người còn đang say giấc nồng thì cô Hoàng Thị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải dậy để kịp đồ xôi mang ra chợ bán. Ở tuổi 60, không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu, cô đều trông chờ hết vào nghề bán xôi này. Trước đây, cô từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền mấy chục triệu cô nhận về khi đấy chỉ đủ để mua bộ bàn ghế và một chiếc xe đạp cho gia đình.
Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi rút BHXH một lần. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Kể về cảnh chật vật mưu sinh, cô Lan tiếc nuối cho quãng thời gian đã từng đóng bảo hiểm xã hội trước đây của mình. “Giờ tuổi cao, đáng lẽ được nghỉ hưu an nhàn thì ngày ngày mình vẫn phải lo làm kiếm sống. Rồi lúc khoẻ đã vậy, chỉ sợ lúc ốm đau, lại không có đồng ra đồng vào. Nhìn sang bà hàng xóm lĩnh lương hưu hằng tháng mà mình lại thèm muốn, giá như hồi đó suy nghĩ sâu xa, không lựa chọn rút trợ cấp một lần… “, cô Lan thở dài.
Chung nỗi niềm với cô Lan, chị Bùi Thị Hạt (tỉnh Nam Định) từng làm cho một công ty may trong miền Nam được 9 năm 7 tháng. Năm 2021, khi dịch Covid 19 bùng phát, chị Hạt phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc sau đó. Hai vợ chồng trở về quê làm công việc tự do. Đến giữa năm ngoái, chị Hạt làm thủ tục xin rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống. Chị Hạt giãi bày: “Khoản tiền đó qua mấy tháng dịch bệnh thì cũng hết. Giờ thấy bố mẹ già vẫn phải bươn chải nhiều nghề, không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, chị mới cảm thấy hối tiếc, muốn đóng lại khoản tiền bảo hiểm xã hội đã rút mà không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật. Vợ chồng chị dự định, tháng tới, sẽ nộp đơn xin tuyển dụng vào làm công nhân ở công ty gần nhà, để lại được tham gia bảo hiểm xã hội”.
Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động tự tước quyền an sinh cơ bản của bản thân
Mất việc sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn khiến một số người lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời một bộ phận nhỏ người lao động vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có được một khoản “tiền tươi”. Với nhiều người, số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.
Cụ thể, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, đơn cử như sau:
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).
Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Thứ năm, khi không rút bảo hiểm xã hội một lần, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là “của để dành” quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần
Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mọi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau).
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như bảo hiểm xã hội một lần.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động để mọi người lao động có thêm cơ hội để được hưởng lương hưu.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn với các quyền lợi hưởng như: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc 05 lần mức lương tối thiểu vùng;
Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi không may ốm đau; Được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); Được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Qua đợt khó khăn, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này. Nếu vẫn chưa thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu./.