Quan niệm Rằm tháng Giêng của người Việt và cách chuẩn bị

10/02/2017 15:39
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Đối với người Việt ngày Rằm tháng Giêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh.

Quan niệm dân gian thường nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, hay “Đi chùa cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng ” để thấy rằng, đối với người Việt ngày Rằm tháng Giêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh.

Theo sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Giáo sư Trần Ngọc Thêm thì Rằm tháng Giêng là phong tục cổ, được gọi với nhiều cái tên Tết Thượng Nguyên, Tết Trạng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu, Tết Hoa Đăng…

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới.

“ Nguyên” nghĩa là ban đầu, sơ khai, đầu tiên. “Tiêu” là đêm.

Đây là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (Rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10) với ý nghĩa tương ứng Tết hướng thiên cầu phúc - địa quan xá tội - thủy quan giải ách.

Quan niệm Rằm tháng Giêng của người Hoa Hạ…

Theo sách Trung Hoa, Tết Thượng Nguyên trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà Vua hội họp các ông Trạng để thiết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.

Tết cũng còn có một tên nữa là Tết Hoa Đăng, bắt đầu từ thời Tây Hán với lễ hội rước đèn lồng đỏ.

Nhân Tết này, ban đêm tại kinh thành và các nơi đô hội có chăng đèn kết hoa. Ở các nơi gần sông như Giang Châu, Tô Châu…gần sông nước có cuộc bơi thuyền.

Thuyền được trang hoàng muôn màu sắc, thắp sáng, hoa treo rực rỡ. Tại các nơi trung tâm có nhiều trò chơi như: Đánh gươm, cưỡi ngựa, nhảy múa…

Các văn nhân trong đêm Nguyên Tiêu thường họp nhau uống rượu thưởng xuân, vịnh ngâm thơ phú.

Quan niệm Rằm tháng Giêng của người Việt

Ngày Rằm tháng Giêng dù có nguồn gốc từ Trung Hoa và ảnh hưởng đến Việt Nam từ xa xưa, song nó ngày càng xa dần điển tích nguyên thủy và sinh hoạt của Trung Hoa mà hòa nhập vào đời sống tinh thần của người Việt.

Đối với người Việt coi lễ Rằm tháng Giêng là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đau yếu, gia đình có tang ma…được ăn Tết bù.

Ngoài ra, theo nông lịch, Rằm tháng Giêng cũng là khởi đầu cho vụ gieo trồng mới với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”.

Vào ngày này bà con ra ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ, chuẩn bị nông cụ cho việc đồng áng.  

Với người Việt, Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) là ngày cúng lễ vô cùng thiêng liêng dịp đầu năm mới. Ảnh: Thùy Linh.
Với người Việt, Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) là ngày cúng lễ vô cùng thiêng liêng dịp đầu năm mới. Ảnh: Thùy Linh.

Giáo sư Trầm Ngọc Thêm cho biết “Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới, còn gọi là Tết Thượng Nguyên với ý nghĩa hướng thiên cầu phúc”.

Theo các nhà thuật số, ngày rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên quan. Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm.

Cúng lễ dâng sao, người ta lập Đàng tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa cũng các vị sao thủ mạng, ở dưới cúng bố thí chúng sinh. Mỗi năm mỗi người có một vị sao thủ mạng.

Người Việt coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày vía đức Phật A Di Đà - người đứng đầu cõi Phương Tây cực lạc; gắn với tương lai tốt đẹp, huy hoàng, không có khổ đau.

Vào ngày này, đức Phật thông báo giáo Pháp, 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi vây quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo.

Vậy nên ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là ngày Pháp Bảo cùng với ngày Phật Bảo và ngày Tăng Bảo.

Bởi vậy, những người theo đạo Phật coi ngày này là lễ Cúng dường đức Phật đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Mặc dù ngày Rằm tháng Giêng không phải là ngày lễ quan trọng của Phật Giáo (lễ Phật Đản, lễ Vu Lan), nhưng trùng hợp với Tết Thượng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu, hòa chung trong không khí vui xuân, là thời điểm thích hợp để cầu nguyện cho gia đình, cộng đồng, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sinh an lạc…trong năm mới; cho nên giới Phật tử cũng như dân chúng đi chùa lễ Phật rất đông đảo.

Do tính chất hòa nhập, lan tỏa như vậy nên đã từ rất lâu trong dân gian hình thành câu thành ngữ quen thuộc “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”.

Như vậy, có thể nói rằng quan niệm “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” là hệ quả xuất phát từ quan niệm coi trọng những cái đầu tiên của người Việt.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài…

Tuy nhiên, trong ngày Rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Tài liệu tham khảo

1.http://www.baogiaothong.vn/ly-giai-quan-niem-cung-ca-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-d138704.html

2. http://kienthuc.net.vn/giai-ma/tai-sao-cung-ca-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-638788.html

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN