Chiều 29/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tổ chức Chuyên đề “Giáo dục STEM – Hướng nghiệp tương lai” với chủ đề “Kĩ thuật bao bì” tại trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và Bí thư Quận ủy Hồng Bàng tặng hoa cho giáo viên tham gia tiết dạy chuyên đề STEM (Ảnh: Phương Linh) |
Tới tham dự chuyên đề có ông Lê Ngọc Trữ - Bí thư Quận ủy Hồng Bàng; ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Vũ Văn Trà – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng Hiệu trưởng các trường tiểu học thuộc quận Hồng Bàng.
Chuyên đề đầu tiên về giáo dục STEM theo chủ đề
Phát biểu khai mạc chuyên đề, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho rằng: “Trong những năm gần đây, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, nhiều môn học, chương trình, hoạt động giáo dục được đưa vào chương trình giáo dục nhà trường trong đó có giáo dục STEM.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn.
Ở cấp tiểu học, các kiến thức về STEM thuộc các môn “Tự nhiên và xã hội” lớp 1, 2, 3; “Khoa học” lớp 4, 5, “Tin học và công nghệ” lớp 3, 4, 5 và môn Toán.
Các kiến thức của các môn học này đều được ứng dụng phổ biến trong thực tiễn nên việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM thuận lợi và mang lại hiệu quả trong việc hình thành và phát triển năng lực của học sinh.
Cụ thể như các năng lực khoa học như năng lực tìm hiểu, khám phá tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm; năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức khoa học để giải quyết vấn đề trong cuộc sống; năng lực thiết kế; năng lực sáng tạo và một số năng lực chung.
Với ý nghĩa, vai trò của giáo dục STEM, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng đã chỉ đạo các trường chú trọng tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.
Qua đó, giúp học sinh từng bước làm quen, hiểu được STEM.
Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để giáo viên, học sinh tiếp cận sớm với giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0.
Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, Giáo dục Hồng Bàng đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường về nội dung Giáo dục Stem trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, giáo dục STEM trong các trường đã được triển khai dưới dạng các chủ đề STEM, Bài học STEM trong các tiết hoạt động trải nghiệm.
Chuyên đề hôm nay là chuyên đề đầu tiên về giáo dục STEM theo chủ đề do cụm 3 trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Bạch Đằng phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở tiết học và nội dung trải nghiệm hôm nay, chúng ta cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất các phương pháp, hình thức triển khai hiệu quả nội dung giáo dục STEM trong các trường học thuộc quận”.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Phương Linh) |
Chuyên đề “Giáo dục STEM – Hướng nghiệp tương lai” với chủ đề “Kỹ thuật bao bì” do cô giáo Hà Thị Thùy Giang và học sinh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiên và học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cô giáo Trần Thị Tuyết Trang và học sinh trường Tiểu học Bạch Đằng cùng phối hợp thực hiện.
Chủ đề trên được tổ chức dạy trong 3 buổi với 8 tiết học (câu chuyện truyền cảm hứng, tập làm kỹ sư bao bì, thử thách kỹ thuật).
Các tiêu chí của tiết học được đặt ra gồm: chuẩn sản phẩm đầu ra, phương pháp, địa điểm tổ chức và quan tâm xác định phát triển năng lực lãnh đạo bản thân của học sinh.
Ba trường tiểu học thuộc quận Hồng Bàng phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục STEM (Ảnh: Phương Linh) |
Trong sáu tiết học đầu, học sinh rất hào hứng, tự giác, chủ động sưu tập nhiều bao bì và nhận biết được chức năng bao bì qua câu chuyện truyền cảm hứng mà các em được xem.
Đặc biệt, học sinh được trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về công việc của kỹ sư bao bì, quy trình sản xuất tại Công ty Bao bì Hùng Vương (Hải Phòng).
Tiếp đó, học sinh đã lựa chọn các nhóm sản xuất bao bì dựa theo sở thích và tiến hành làm sản phẩm trong 1 tuần.
Tại tiết học chuyên đề, học sinh khối lớp 4 của ba trường sẽ trình bày về ý tưởng, nguyên liệu quy trình sản xuất, trang trí và công năng thành phẩm bao bì của nhóm.
Các nhóm đều lựa chọn nguyên liệu sản xuất gần gũi trong cuộc sống và thân thiện với môi trường như giấy, bìa, tre, sợi vải,…
Đặc biệt, các nhóm đều ưu tiên các sản phẩm có các bước hoàn thiện đơn giản, phù hợp với học sinh tiểu học và ứng dụng tốt trong cuộc sống thường ngày.
Trong đó, nhóm “Tập đoàn Bạch Đằng” lựa chọn làm hộp giấy, túi vải sợi để đựng quà sinh nhật, giáng sinh.
Học sinh lớp 4 trường Tiểu học Bạch Đằng giới thiệu sản phẩm (Ảnh: Phương Linh) |
Nhóm “Tập đoàn Nguyễn Trãi” chọn đan giỏ tre đựng trứng còn nhóm “Tập đoàn Nguyễn Tri Phương” mang đến sản phẩm khay bằng bìa cứng để đựng chả nem, bao bì hạt dẻ.
"Tập đoàn Nguyễn Trãi mang đến sản phẩm với thông điệp "Bảo vệ môi trường" (Ảnh: Phương Linh) |
Học sinh thể hiện sự tự tin và kỹ năng thuyết trình tốt trong tiết học (Ảnh: Phương Linh) |
Các "doanh nghiệp nhí" bắt tay chúc mừng phần thuyết trình sản phẩm thành công (Ảnh: Phương Linh) |
Dù mới ở lứa tuổi tiểu học nhưng thành viên trong các nhóm tham dự chuyên đề đều thể hiện sự tự tin khi thuyết trình giới thiệu sản phẩm và đưa ra nhiều ý kiến hay về sản phẩm của nhóm bạn.
Học sinh cần được trải nghiệm để tăng tính thực hành, vận dụng
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Trà – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết: “Trong chương trình mới, phần trải nghiệm nằm suốt từ lớp 1 đến lớp 12 giúp học sinh tìm hiểu thực tế.
Hình thức dạy học đa dạng hơn theo tinh thần giảm tính hàn lâm, lý thuyết và tăng tính thực hành, vận dụng.
Trong đó, giáo dục STEM đáp ứng được tính thực hành trong giáo dục.
Giáo dục STEM có 3 hình thức, thứ nhất là dạy tích hợp liên môn ví dụ như một cô giáo có thể dạy Lịch sử và Địa Lý, Toán và Vật Lý,…dùng kiến thức của nhiều môn và dạy tích hợp.
Hình thức thứ hai là trải nghiệm như việc đưa học sinh đến công ty sản xuất bao bì và hôm nay giáo viên thực hiện hình thức thứ ba là dạy học theo đề án, dự án.
Cho học sinh nghiên cứu và thực hiện sản xuất. Đây là hướng mà cá nhân tôi rất tâm đắc!
Thực chất muốn ngành giáo dục của chúng ta đổi mới thực sự thì phải tăng cường giáo dục STEM.
Khi chuyển sang hình thức dạy học này, các cô giáo sẽ vất vả hơn khi phải có những tìm hiểu, chuẩn bị.
Trong giai đoạn chưa có phòng chuyên môn, giáo viên có thể bàn với phụ huynh để có những hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi.
Khoảng cách phù hợp và lựa chọn nội dung. Trong một năm học, ít nhất cho các em đi được từ 1 đến 2 lần trải nghiệm”.
Ông Vũ Văn Trà – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng giáo dục STEM (Ảnh: Phương Linh) |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu lãnh đạo quận về việc đầu tư cơ sở vật chất.
Phấn đấu mỗi trường học trong quận có một phòng chức năng STEM, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tổ chức hoạt động dạy học.
Cũng tại hội nghị, đại diện các trường tiểu học trên địa bàn quận Hồng bàng đã đưa ra những nhận xét, đánh giá về tiết dạy minh họa.
Đa số ý kiến cho rằng tiết học của ba trường phối hợp mang lại nhiều ý tưởng về tổ chức hoạt động dạy học.
Từ đó, giúp học sinh sáng tạo, chủ động vận dụng và kết hợp tốt kiến thức của nhiều môn học khác nhau khi hoàn thành sản phẩm theo nhóm.
Điểm cầu tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Hồng Bàng đưa ra nhận xét về chuyên đề (Ảnh: Phương Linh) |
Đại diện trường Tiểu học Nguyễn Huệ nhận xét: “Ý tưởng hoạt động của sản phẩm học sinh rất tốt, gần gũi, thiết thực với tất cả chúng ta.
Nguyên liệu mà các em chọn rất thân thiện với môi trường, thao tác dễ làm.
Qua buổi giao lưu như này, học sinh có ý tưởng để tiếp cận với nền kinh tế hiện nay như các con biết tạo logo, làm ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân”.
“Chuyên đề hôm nay chúng tôi học tập được rất nhiều điều hay, đặc biệt là phương pháp tổ chức dạy học của giáo viên và phương pháp học tập học sinh được tham gia.
Trong chuyên đề, các môn học STEM được liên kết rất hợp lý, sản phẩm thiết thực và được áp dụng vào thực tế.
Kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng cộng tác của học sinh rất tốt. Trong đó, tư duy phản biện của học sinh rất nhanh nhạy” đại diện trường Tiểu học Ngô Gia Tự đưa ra nhận xét.