Ngày 13/3/2018, Viettel có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lô hàng thiết bị viễn thông của tập đoàn bị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xử lý vi phạm, tịch thu vì tại thời điểm kiểm tra không có hoá đơn, chứng từ liên quan.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Công an Ninh Bình xác minh, làm rõ nguồn gốc lô hàng thiết bị viễn thông của Viettel.
Nếu lô hàng có nguồn gốc hợp pháp thì báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng trước 1/5/2018.
Trước đó, vào khoảng 1h30 ngày 7/6/2017, trong quá trình tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra xe ô tô 29KT-007.05 do Nguyễn Danh Cường, Sinh năm 1985 (trú tại Ba Vì, Hà Nội) điều khiển lưu thông theo hướng Hà Nội – Thanh Hóa.
Tổ công tác phát hiện trên xe có chở lô hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài gồm: 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter; 200 chiếc điện thoại di động Viettel V6216; 120 chiếc USB Wifi 4G-D6606 và 10 thiết bị phát Wifi TP Link- W8151N.
Hai trong số nhiều sản phẩm cùng loại của Viettel bị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh bình thu giữ (Ảnh chụp màn hình trang bán hàng của Viettel). |
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ lô hàng trên đều không có phiếu xuất kho và các hóa đơn chứng từ kèm theo. Lái xe Cường khai nhận toàn bộ số hàng trên là chở cho Tổng Công ty Viễn thông Viettel từ Hà Nội vào các tỉnh miền Trung để giao hàng.
Đến tháng 8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định 415/QĐ-UBND xử phạt Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) - doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Viettel vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Phía Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng cho biết sẽ tịch thu toàn bộ lô hàng nói trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt nam, đại diện Viettel cho biết, Tổng Công ty Viễn thông Viettel khẳng định không nhập lậu và đã cung cấp đầy đủ giấy tờ của lô hàng cho cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì tại thời điểm kiểm tra, đơn vị vận chuyển đã chưa cung cấp phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 8/5/2015.
Ông lớn như Viettel sẽ ra sao khi bị phạt “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”? |
Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 64 tự quy định “không cung cấp hoá đơn, chứng từ đúng thời hạn cũng được coi là hàng hoá nhập lậu” là không phù hợp với Nghị định 185 và vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chiều ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc cơ quan nào định giá lô hàng của Viettel, Vũ Công Hoan - Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Việc định giá lô hàng có giá trị bao nhiêu là do cơ quan Công an tỉnh Ninh Bình định giá. Cơ quan này tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra quyết định xử phạt”.