Philippines gửi công hàm phản đối TQ về cái gọi là "thành phố Tam Sa"

06/07/2012 07:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Một bức công hàm đã được gửi tận tay Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh hôm 28/6 để phản đối động thái trên của Trung Quốc.
Philippines ngày 5/7 cho hay chính phủ nước này vừa gửi công hàm phải đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao trùm gần như toàn bộ biển Đông và phần lớn thềm lục địa, lãnh hải của Philippines (cũng như các quốc gia quanh biển Đông, trong đó có Việt Nam – PV).

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh trong buổi trình quốc thư nhậm chức
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh trong buổi trình quốc thư nhậm chức

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho hay, một bức công hàm đã được gửi tận tay Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh hôm 28/6 để phản đối động thái trên của Trung Quốc.

Cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc tuyên bố (phi lý, phi pháp và vô hiệu – PV) đòi quản lý cả biển Đông rộng lớn bao gồm cả bãi đá Scarborough đang gây căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc từ ngày 10/4 vừa qua trở lại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cũng khẳng định, tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “thành lập thành phố Tam Sa” đi ngược lại tinh thần quy tắc Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết.

Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines
Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines

Cũng trong ngày thứ Năm Tổng thống Philippines Aquino đã họp cùng hội đồng cố vấn và các quan chức chính phủ nước này nhằm tìm ra các giải pháp xử lý các vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Ông kêu gọi Bắc Kinh nên có những phát biểu thích hợp với những gì đang diễn ra trong thực tế và Philippines chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố khiêu khích chống lại Trung Quốc.

“Rõ ràng tôi và các quan chức Philippines không có những tuyên bố khiêu khích (Trung Quốc), nhưng chúng ta đều biết rằng nhiều người phía bên kia (Trung Quốc) khiêu khích (Philippines)”, Tổng thống Aquino cho hay, “Vì vậy có lẽ phải đọc những gì tôi viết ra với tất cả sự tôn trọng, tôi nói với bạn sự thật”.

Đó là những phản ứng của người đứng đầu nhà nước Philippines khi được hỏi về việc tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc hàng ngày luôn có bài cáo buộc Philippines làm căng thẳng tình hình biển Đông với luận điệu vu cáo khá gay gắt.

Tổng thống Aquino khẳng định, ông và các quan chức Philippines không có tuyên bố nào khiêu khích Trung Quốc như giới truyền thông nước này cáo buộc
Tổng thống Aquino khẳng định, ông và các quan chức Philippines không có tuyên bố nào khiêu khích Trung Quốc như giới truyền thông nước này cáo buộc

Chính Tổng thống Aquino ra lệnh rút 2 tàu công vụ của Philippines thường trực tại Scarborough do thời tiết xấu, Trung Quốc cũng bắt đầu rút tàu khỏi khu vực này sau đó 2 ngày, nhưng họ đã nhanh chóng phái tàu quay trở lại.

Về việc có phái 2 tàu công vụ quay trở lại Scarborough hay không, Tổng thống Aquino cho hay điều này sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và ông sẽ thảo luận thêm với các quan chức, cố vấn.

Tổng thống Aquino cho biết thêm, đến thời điểm này Cảnh sát biển và Hải quân Philippines đang tiến hành giám sát liên tục xung quanh khu vực Scarborough bằng máy bay và các thiết bị khác của Philippines.

Philippines đang nỗ lực tìm giải pháp đối phó với âm mưu của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông và đe dọa chủ quyền lãnh hải, thềm lục địa của các quốc gia ven biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc phát triển mạnh thực lực quân sự, tăng cường truyền thông và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất nhằm tranh thủ vơ vét tài nguyên (dầu khí, thủy hải sản…) trên biển Đông và ngày càng trở nên hung hãn, trắng trợn hơn, những nỗ lực từ Philippines vừa qua ít nhiều đã phát huy hiệu quả.

Việc Trung Quốc triển khai các tàu Hải giám hoạt động (trái phép) trên biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực
Việc Trung Quốc triển khai các tàu Hải giám hoạt động (trái phép) trên biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực

Tuy nhiên, đóng tầu lớn, sắm dàn khoan “khủng”, phát triển các thiết bị hiện đại (tàu lặn Giao long) đi cùng với việc tăng cường thực lực quân sự, củng cố các căn cứ cho hạm đội Nam Hải không phải việc một sớm một chiều, nó đã được chuẩn bị từ lâu và Bắc Kinh đã bắt đầu khởi động triển khai thực hiện.

Giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay thông qua đối thoại hòa bình, đa phương và dựa trên cơ sở luật Công ước biển Liên Hợp Quốc sẽ là lựa chọn tốt nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông và đưa hoạt động xử lý tranh chấp đi vào quỹ đạo.

Để làm được điều này, làm tốt công tác truyền thông nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ trong nước cũng như quốc tế, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các quốc gia có liên quan, đặc biệt là các nước có tiếng nói lớn trên diễn đàn khu vực và quốc tế sẽ giúp các bên liên quan ngăn chặn hiệu quả chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy