LTS: Sau khi bài viết “Phản biện Giáo sư Ngô Bảo Châu về phẫn nộ tạo động lực phát triển xã hội” được đăng tải, độc giả Nguyễn Thành Trung (một kỹ sư ở Ninh Bình) tiếp tục có phản biện về cách nhìn nhận sự phẫn nộ của tác giả Phúc Lai.
Bài viết bày tỏ quan điểm cho rằng “phẫn nộ” chắc chắn tạo ra sự thay đổi nhưng nếu hành động thiếu lý trí, tâm và tầm thì sẽ tạo ra bạo lực và thù hận.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Tôi có đọc bài viết của tác giả Phúc Lai trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam “Phản biện Giáo sư Ngô Bảo Châu về phẫn nộ tạo động lực phát triển xã hội”, ông có viết:
“Trên bình diện toàn xã hội, một xã hội phẫn nộ, đầy sân hận thì chỉ có làm cho tình trạng bạo lực càng lên cao đến mức bùng phát không kiểm soát được, thì tai họa sẽ đến.
“Phẫn nộ” vì thế không làm cho xã hội tốt đẹp hơn, mà làm cho toàn xã hội càng nhiều nhiễu nhương, bạo lực hơn, hận thù hơn và xấu xí hơn”.
Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm! |
Theo tôi, loại phẫn nộ đưa đến bạo lực, hận thù mà tác giả nói đến, là của kẻ vũ phu, võ biền, những người không có văn hóa, như ngôn ngữ bây giờ là “tay nhanh hơn não”.
Phẫn nộ: bắt đầu từ cảm xúc của con người, khi thấy sự bất công, bất thường, bất bình đẳng. Sự bất bình thường có thể là trái với chuẩn mực của bản thân hoặc với trái với chuẩn mực của xã hội. Phẫn nộ sẽ dẫn đến sự tương tác giữa người “phẫn nộ” và cái gây ra phẫn nộ đó.
Các hành động tiếp phía sau, có thể là bằng tay chân, chửi bới, đưa lên báo, kiện tụng, vận động thay đổi... nó thể hiện văn hóa của người đó.
Có câu “nóng giận mất khôn”, đó chính là phẫn nộ sinh bạo lực, hận thù.
Chuyện hai anh thanh niên hành hung Thiếu tá công an ở Quảng Ninh vì cho rằng ông không cho vượt là một minh chứng cụ thể.
Hay một ví dụ khác, khi một Phó Giáo sư, Tiến sĩ đề nghị dạy chữ Hán (chữ Nho) để giữ gìn sự trong sáng cho Tiếng Việt, có rất nhiều người chưa cần đọc hết lý lẽ của ông, đã lao vào bình luận xỉ vả, công kích, coi ông là hán gian, hán nô.
Phản biện Giáo sư Ngô Bảo Châu về “phẫn nộ tạo động lực phát triển xã hội” |
Ông Phúc Lai có dẫn câu của Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.
Vậy khi nào điều này xảy ra?
Phẫn nộ chắc chắn đem lại sự thay đổi. Nó làm cho bản thân người đó tốt lên hay xấu đi? Điều này còn tùy thuộc vào trình độ văn hóa, trí tuệ của người đó.
Tô Tuân, năm hai bảy tuổi, phẫn nộ vì sự dốt nát của mình mà đốt hết mấy trăm bài văn do mình làm, rồi đóng cửa quyết tâm học hành từ đầu. Sau ông là một trong tám nhà văn lớn thời Đường – Tống trong lịch sử văn hóa Trung Quốc; đó là cơn giận của kẻ sĩ, trí thức.
Phẫn nộ làm cho xã hội thêm bạo lực, hận thù hay tốt đẹp lên? Điều này tùy thuộc và mục đích, phương pháp hành động của người phẫn nộ hay người ta còn gọi là cái tâm và cái tầm của người đó.
Tác giả bài phản biện (Ảnh tác giả cung cấp). |
Ngoài ra, sự hưởng ứng cái tốt và phê phán cái xấu của xã hội một yếu tố rất quan trọng.
Bà Trưng, chỉ vì “giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên” mà đứng lên tập hợp nhân dân đánh đuổi quân Hán, giành độc lập cho nước nhà. Đó là cơn giận của người trăn trở việc nước, cũng là của dân tộc ta khi đó.
Kailash Satyarthi, trong ví dụ của Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trường hợp khá hay về sự phẫn nộ. Phẫn nộ về tình trạng lao động trẻ em đã làm ông thay đổi, ông từ bỏ giai cấp của mình, quyết tâm chấm dứt tình trạng nô lệ trẻ em.
Thời gian đầu, hành động của ông chỉ đem lại sự thù ghét của các chủ nô và bạo lực đến từ cảnh sát (do ông lập ra các tổ đội đột nhập giải cứu các em).
Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!" |
Sau này, ông thay đổi phương pháp hành động, vận động mọi người, làm cho xã hội để ý và cùng quan tâm, giản quyết vấn đề. Cách thức ôn hòa hơn nhiều nhưng đã thành công.
Phẫn nộ mới chỉ là tiền đề, nó nhận ra sự bất công, bất thường, bất bình đẳng và mong muốn thay đổi điều đó. Nó làm cho con người vượt qua nút thắt suy nghĩ và hành động của bản thân, tạo động lực và sự quyết tâm để thay đổi cái điều đưa tới sự phẫn nộ đó.
Phẫn nộ mà không hành động thì là nói khoác, “chém gió” hoặc đập bàn, đập ghế, chửi thề. Hành động mà không có lý trí thì đưa đến bạo lực, thù hận.
Người hành động cần có cái tâm, trí, mục đích và phương pháp đúng đắn thì mới có thể làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.