PGS.TS Đỗ Văn Mạnh: NCKH thường không có kết quả ngay lập tức, cần sự kiên nhẫn

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh: NCKH thường không có kết quả ngay lập tức, cần sự kiên nhẫn

06/09/2024 06:48
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - PGS.TS Đỗ Văn Mạnh cho rằng, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, các cơ sở giáo dục có thể nuôi dưỡng đam mê NCKH của sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong 135 nhà khoa học vừa được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh, đây là một phần thưởng lớn và cũng là động lực để anh tiếp tục cống hiến cho khoa học nước nhà.

Được biết, trước khi nhận được sự vinh danh này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh đã có thời gian dài bền bỉ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Môi trường, có nhiều công bố trong các hội nghị khoa học, tạp chí trong và ngoài nước, xuất bản sách chuyên khảo và hướng dẫn nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ.

Những giai đoạn trở ngại trong hành trình nghiên cứu khoa học là điều bình thường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh cho biết, động lực đằng sau sự bền bỉ gắn bó với nghiên cứu khoa học của anh đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh, niềm đam mê khám phá và tìm hiểu những điều mới mẻ trong lĩnh vực Môi trường là một trong những yếu tố chính. Anh luôn cảm thấy hứng thú với việc nghiên cứu các vấn đề môi trường và tìm ra giải pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Hơn thế nữa, việc thấy kết quả từ những nỗ lực của bản thân, qua các công trình nghiên cứu, tài liệu công bố và tác động tích cực mà nó tạo ra cho cộng đồng, cũng là một động lực lớn để Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

"Những phản hồi từ đồng nghiệp, sinh viên và cộng đồng giúp tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và giá trị. Việc hướng dẫn và truyền đạt kiến thức cho các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của công việc làm khoa học. Qua đó, tôi có thể thấy được các thế hệ kế tiếp phát triển và đạt được thành công trong nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp tôi mở rộng kiến thức mà còn giúp tôi phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, điều này rất có lợi cho cả cuộc sống và công việc của tôi", Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường bộc bạch.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐỖ VĂN MẠNH (3).png

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh nhìn nhận, những giai đoạn trở ngại trong hành trình nghiên cứu khoa học là điều bình thường vì công việc nghiên cứu là phát huy những sáng tạo mới nhất hoặc chứng minh những lý thuyết đã có và kiểm chứng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, khối lượng công việc thường lớn và đôi khi kết quả không thể đạt được như nhà khoa học mong đợi. Mặc dù khó khăn nhưng anh luôn kiên định tìm cách vượt qua.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh chia sẻ: "Tôi thường dành thời gian để xem xét lại lý do tại sao tôi bắt đầu nghiên cứu, đồng thời nhớ lại những mục tiêu ban đầu và những giá trị mà mình muốn đóng góp để tìm kiếm lại động lực. Hơn thế, việc trao đổi với các đồng nghiệp hoặc bạn bè trong lĩnh vực nghiên cứu giúp tôi nhận được những ý tưởng mới và góc nhìn khác nhau.

Khi gặp trở ngại, tôi sẽ chia nhỏ công việc thành các mục tiêu dễ đạt được hơn. Việc hoàn thành từng phần nhỏ giúp tôi cảm thấy tự tin hơn và thúc đẩy tinh thần để tiếp tục. Tôi cũng thường tìm kiếm cảm hứng từ các tài liệu, hội thảo hoặc các bài nghiên cứu của các nhà khoa học khác. Điều này không chỉ giúp tôi cập nhật kiến thức mà còn kích thích ý tưởng cho những công việc của mình.

Đôi khi tôi chọn cách tạm dừng công việc trong một khoảng thời gian ngắn để lấy lại tinh thần. Tôi thường tham gia các hoạt động thư giãn như đọc sách, đi dạo hoặc tham gia các hoạt động thể thao để giải tỏa căng thẳng. Những giai đoạn khó khăn là thử thách nhưng cũng là cơ hội để tôi học hỏi và trưởng thành".

Trên hành trình nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Anh tâm niệm, nghiên cứu khoa học thường không có kết quả ngay lập tức, do đó, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng để vượt qua những trở ngại và thất bại. Hơn thế nữa, anh xem mỗi thất bại là một cơ hội học hỏi, việc phân tích nguyên nhân, đánh giá đa chiều về nó giúp bản thân nhà khoa học nhận ra điểm yếu và cải thiện trong các lần nghiên cứu tiếp theo.

Với mỗi nhà khoa học, linh hoạt trong tư duy là một trong những bài học đáng quý. Bởi đôi khi hướng đi ban đầu không mang lại kết quả. Sẵn sàng thay đổi phương pháp và ý tưởng sẽ giúp nhà khoa học tìm ra giải pháp mới.

PGSTS DO VAN MANH.png

"Việc hợp tác với đồng nghiệp không chỉ giúp chia sẻ kiến thức mà còn tạo ra môi trường hỗ trợ, giúp vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Lập kế hoạch rõ ràng và phân chia thời gian hợp lý giúp chúng ta nâng cao hiệu quả công việc và giảm bớt áp lực. Hơn hết, đam mê với lĩnh vực nghiên cứu sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp vượt qua những giai đoạn khó khăn và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Những bài học này không chỉ hữu ích trong nghiên cứu khoa học mà còn áp dụng được ở nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống", nhà khoa học về môi trường nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh cũng cho rằng, cân bằng thời gian giữa đam mê nghiên cứu khoa học và trách nhiệm điều hành cơ quan là một thách thức lớn, nhưng có thể thực hiện được thông qua một số phương pháp tổ chức và quản lý hiệu quả.

Theo đó, anh xây dựng một lịch trình chi tiết cho công việc hàng ngày, hàng tuần, đặt ra thời gian cụ thể cho các hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ điều hành. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đảm bảo phân bổ thời gian cho những công việc quan trọng nhất, bao gồm cả nghiên cứu và điều hành. Ngoài ra, trong các hoạt động điều hành, đôi khi anh sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc cấp dưới đ có thêm thời gian cho nghiên cứu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ quản lý thời gian và dự án giúp anh theo dõi tiến độ và tổ chức công việc hiệu quả hơn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh luôn duy trì sự linh hoạt trong nghiên cứu khoa học cũng như trách nhiệm điều hành. Anh đánh giá cao sự kết hợp hoạt động nghiên cứu với công việc điều hành, chẳng hạn, tổ chức các buổi họp để thảo luận về các dự án nghiên cứu trong cơ quan.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên là điều cần thiết

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh từng có thời gian tham gia giảng dạy đại học. Anh nhìn nhận, khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên đại học thường rất phong phú và đa dạng. Nhiều sinh viên thể hiện sự sáng tạo, năng lực tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề, nhưng đồng thời cũng cần có sự hướng dẫn và môi trường phù hợp để phát triển.

"Từ kinh nghiệm thực tế, tôi nhận thấy nhiều sinh viên có ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết cao trong nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thực hiện một nghiên cứu hoàn chỉnh do thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Do đó, các em cần được trang bị kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu, cách thức thu thập dữ liệu, phân tích và trình bày kết quả. Bên cạnh đó, một số sinh viên có sự chủ động trong việc tìm hiểu và nghiên cứu ngoài chương trình học, nhưng cần có sự hướng dẫn để định hướng đúng".

anh manh 1.png

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu một số gợi ý cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Thứ nhất, các trường có thể tích hợp nghiên cứu vào chương trình học, các khóa học có thể được thiết kế để bao gồm các dự án nghiên cứu thực tế, từ đó sinh viên có cơ hội thực hành và áp dụng kiến thức lý thuyết.

Thứ hai, tổ chức các hội thảo và cuộc thi nghiên cứu. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức các hội thảo chuyên đề, cuộc thi nghiên cứu để khuyến khích sinh viên tham gia và trình bày ý tưởng của mình.

Thứ ba, cơ sở giáo dục đại học cần cung cấp tài liệu, khóa học về phương pháp nghiên cứu, tài chính cho các dự án nghiên cứu hay cơ sở vật chất để sinh viên có thể thực hiện ý tưởng của mình. Đồng thời, đưa ra các thông tin về học bổng, chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước để sinh viên có thể tham gia.

Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của giảng viên. Giảng viên có thể đóng vai trò là người hướng dẫn cho sinh viên trong các dự án nghiên cứu, tạo ra môi trường trao đổi ý tưởng và hợp tác học thuật.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu đa ngành, khuyến khích sinh viên từ các ngành khác nhau hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu, giúp mở rộng quan điểm và tạo ra những giải pháp sáng tạo hơn. Các trường có thể tạo ra các không gian làm việc nhóm và các câu lạc bộ nghiên cứu để sinh viên tương tác và chia sẻ ý tưởng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những nhà nghiên cứu tương lai có khả năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự sáng tạo, các cơ sở giáo dục có thể nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu của sinh viên ngay từ những năm đầu đại học.

Nhìn lại hành trình nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh tâm sự: "Trong quá trình nghiên cứu khoa học, tôi đã may mắn nhận được một số giải thưởng và danh hiệu ghi nhận cho những nỗ lực trong lĩnh vực môi trường. Những giải thưởng này không chỉ là sự công nhận cho công việc của tôi mà còn của cả nhóm nghiên cứu và đó là những nguồn động viên lớn giúp tôi tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực này.

Trong số đó, giải nhất Cuộc thi sáng tạo Châu Á về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2020 khiến tôi ấn tượng nhất. Đây là giải thưởng nhằm công nhận những công trình nghiên cứu có đóng góp đáng kể cho cộng đồng và sự phát triển bền vững. Từ các kết quả sáng tạo trong việc xử lý chất thải để tạo ra năng lượng sạch, phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp và định hướng cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Công trình nghiên cứu này không chỉ mang lại kiến thức khoa học mà còn tạo ra tác động thực tiễn, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh cũng đưa ra một số lời khuyên để các nhà khoa học trẻ và sinh viên trong lĩnh vực môi trường kiên trì theo đuổi nghiên cứu và tạo ra những công trình có ích cho xã hội.

Anh nhắn nhủ: "Nhà khoa học cần xác định đam mê và mục tiêu dài hạn. Lòng yêu nghề sẽ giúp bạn vượt qua những thử thách trong quá trình nghiên cứu. Xác định rõ mục tiêu dài hạn, cả về cá nhân và đóng góp cho xã hội, sẽ giúp bạn luôn có động lực để tiến lên. Những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu, thử nghiệm và việc công trình không được chấp nhận có thể khiến bạn nản lòng. Hãy học cách chấp nhận những thất bại này như một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành.

Môi trường nghiên cứu không nên chỉ là một hành trình cá nhân. Hãy xây dựng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia, đồng nghiệp và cả những người từ các lĩnh vực liên quan. Sự hợp tác đa ngành có thể mở ra những hướng đi mới và giúp nghiên cứu của bạn có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Đặc biệt, những nghiên cứu có giá trị thường là những nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tế. Đặt câu hỏi về cách mà công trình của bạn có thể giúp giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể, từ ô nhiễm, biến đổi khí hậu đến bảo vệ đa dạng sinh học.

Đừng ngại chia sẻ nghiên cứu của mình với công chúng qua các bài viết, báo cáo hoặc tham gia vào các dự án cộng đồng. Việc chứng minh rằng công trình của bạn có thể giúp giải quyết các vấn đề môi trường thực tế sẽ giúp bạn có thêm động lực để tiếp tục cống hiến.Nhà khoa học cũng cần chủ động tìm kiếm các cơ hội tài trợ, học bổng và quỹ nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp bạn có điều kiện tốt hơn để thực hiện nghiên cứu mà còn mở rộng mạng lưới hợp tác".

anh manh.png

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh đánh giá, lĩnh vực môi trường đang không ngừng thay đổi do tác động của con người và công nghệ. Do đó, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cần không ngừng học hỏi từ các công trình nghiên cứu mới, các khóa học chuyên sâu và các hội thảo chuyên ngành. Việc duy trì kiến thức cập nhật giúp nhà khoa học có thêm những giải pháp sáng tạo và có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Hơn thế nữa, việc nghiên cứu có thể khiến nhà khoa học rơi vào trạng thái căng thẳng, vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì thói quen lành mạnh, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là cách để đảm bảo có đủ năng lượng và tinh thần sáng tạo trong dài hạn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh cho biết thêm, khi theo đuổi nghiên cứu môi trường, sự kiên trì và niềm đam mê với việc bảo vệ hành tinh là chìa khóa giúp nhà khoa học bền bỉ và tạo ra tác động lớn lao cho xã hội.

Thi Thi