Trong tác phẩm “Luận bàn về Giáo dục - Quản lý Giáo dục - Khoa học giáo dục”, Giáo sư Phạm Minh Hạc có kiến giải: “Giáo dục và văn hóa có quan hệ mật thiết nhất, mật thiết đến mức nhiều lúc đã đồng nghĩa hai thuật ngữ này: trong lí lịch khai trình độ văn hóa – thực ra là trình độ học vấn; nói bổ túc văn hóa – thực ra là Giáo dục Bổ túc, Giáo dục Thường xuyên. Nói cách khác, ta cứ xem định nghĩa về văn hóa thì thấy văn hóa bắt nguồn từ giáo dục – theo nghĩa rộng của từ này: văn hóa là gieo trồng, lĩnh hội và sáng tạo trong quá trình sinh sống và hoạt động xây dựng nên một chất lượng mới từ những học vấn kinh nghiệm sống… do từng người, từng cộng đồng, từng dân tộc và cả loài người tạo lập nên sự phong phú tinh thần của mình”.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) nói rằng, giáo dục và văn hóa là hai phạm trù vừa khu biệt nhau, vừa đồng nhất với nhau. Giáo dục là nền tảng của văn hóa, văn hóa là động lực cho giáo dục. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội đang hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại đặt ra những vấn đề đáng lo ngại, nền tảng văn hóa dân tộc đang bị trống vắng và đứt gãy, ngay cả những chính sách lớn cũng chưa làm cho hai lĩnh vực này quyện vào nhau.
Chấn hưng văn hóa, chấn hưng giáo dục trong bối cảnh mới
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, chấn hưng văn hóa, chấn hưng giáo dục trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, phải quán triệt theo tinh thần tam hóa. Cụ thể là hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng văn hóa/giáo dục của tiền nhân; Việt Nam hóa các giá trị văn hóa/giáo dục tiên tiến của thời đại; Lành mạnh hóa đời sống văn hóa/giáo dục thực tiễn đang diễn ra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). (Ảnh: Phạm Minh) |
Thứ nhất, về hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng văn hóa/giáo dục của tiền nhân. Cần nghiên cứu chu đáo tư tưởng văn hóa giáo dục của tiền nhân qua di sản của các Nhà Văn hóa lớn như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh.
Như nhà giáo Chu Văn An đã từng huấn đức người thầy: “Cùng lý - Chính Tâm - Trừ tà - Cự bế”, nghĩa là dù thầy dạy bài học gì cũng phải đi đến cái lý lẽ sâu xa của bài học đó, luôn luôn phải giữ lòng mình cho trong sạch, tránh xa muội tâm, tà tâm, chống lại những điều sai lạc nhảm nhí và có nghị lực vượt qua những gian nan bế tắc.
Hay những gửi gắm của Nguyễn Trãi dành cho người học: “Nên thợ nên thày vì có học/No ăn, no mặc bởi hay làm”. Bác Hồ cũng từng gửi gắm đến thầy trò và các nhà trường “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân” (Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân).
Các thông điệp này đã được trang trọng nhắc lại và truyền thông rộng rãi cho các nhà trường, để các nhà trường vận dụng trong bối cảnh đất nước tiến sâu vào hội nhập Quốc tế.
Thứ hai là Việt Nam hóa các giá trị văn hóa/giáo dục tiên tiến của thời đại, vận dụng các kinh nghiệm giáo dục hay của các nước trên thế giới mà dân tộc từng tiếp biến văn hóa như: Trung Quốc, Pháp, Xô Viết cũ, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga và đề xuất sự áp dụng cho đất nước trong hoàn cảnh hiện nay.
“Việt Nam hóa có hai chiều, là tiếp nhận vào và lan tỏa ra. Theo tiến trình lịch sử, dân tộc ta đã tiếp biến văn hóa Hán, văn hóa Pháp, văn hóa Xô Viết, và ngày nay là tiếp biến các nền văn hóa, văn minh trên thế giới. Bên cạnh tiếp thu vào, chúng ta cần lan tỏa văn hóa dân tộc ra toàn thế giới”, thầy Bảo khẳng định.
Thứ ba là lành mạnh hóa đời sống văn hóa/giáo dục thực tiễn đang diễn ra, khuyến nghị các nhà trường thực hiện yêu cầu tổ chức dạy học mà Nhà Chính trị Phạm Văn Đồng từng nêu: “Trường ra trường, lớp ra lớp/ Thày ra thày, trò ra trò/ Dạy ra dạy, học ra học”
“Tam hóa” ngày nay phải đồng thời tác động vào cả giáo dục, vào văn hóa, thúc đẩy đất nước thực hiện được khát vọng 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Đất nước hùng cường – Dân tộc hạnh phúc và xã hội có trạng thái xã hội học tập đích thực.
Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam
Giáo dục và văn hóa là hai lĩnh vực không thể tách rời, muốn xây dựng, phát triển nền giáo dục thì cần phải gắn với văn hóa.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo trăn trở: “Điều đáng lo ngại là tâm thức văn hóa dân tộc đang bị hẫng hụt trong một bộ phận gia đình Việt. Liệu có bao nhiêu em bé được lớn lên trong trong tiếng hát lời ru ầu ơ, có bao nhiêu trẻ thơ biết yêu những câu ca dao thấm đượm tình yêu quê hương đất nước?
Trong nhà trường, một số tác phẩm lớn của dân tộc chưa được dạy trọn vẹn, nhiều bạn trẻ ngày nay ít nhớ nổi một câu thơ Truyện Kiều. Liệu rồi trong tương lai, làm sao chúng ta có được những nhà thơ, nhà văn lớn như quá khứ từng có.
Nhịp sống của thời đại 4.0 đẩy con người ta vào một cuộc chạy đua, để rồi chúng ta quên mất rằng, chúng ta cũng đang cần được ‘tắm mình’ trong dòng sông văn hóa, tâm hồn chúng ta cần được ‘nuôi dưỡng’ bởi suối nguồn văn hóa dân tộc, tinh thần, cốt cách Việt Nam.
Dẫu chúng ta có say sưa với câu chuyện hội nhập quốc tế cũng không thể bỏ quên văn hóa dân tộc”.
Với quan điểm đó, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, rất cần xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam – Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam đã từng được Bác Hồ nhắc đến trong năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Muốn phát triển phải hội nhập và tiếp thu những tinh hoa của thời đại, nhưng quan trọng là làm thế nào để giữ được hồn cốt dân tộc.
Những năm qua, ngành giáo dục đã xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học thông minh”, “Trường học hạnh phúc”,… nhưng dù là mô hình trường học nào cũng cần phải giữ được tinh thần, hồn cốt dân tộc, văn hóa Việt Nam.
“Khi nói đến một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam là chúng ta phải có những ngôi trường mang tâm thức Việt Nam, dù có du nhập mô hình nào từ thế giới thì cũng cần được Việt Nam hóa để phù hợp với văn hóa, nếp sống con người Việt. Còn nếu áp dụng một cách máy móc, thô kệch, tư duy vội vàng, sống sượng thì sẽ dễ đi đến thất bại”, thầy Bảo phân tích.
Cũng theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam cần được xây dựng, hoàn thiện và phát triển theo 5 cấp độ, đi từ: Nền giáo dục; Hệ thống giáo dục quốc dân (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên); Nhà trường; Quá trình dạy học; Nhân cách/hệ giá trị.
Trong nhà trường, hay trong mỗi gia đình đều phải lấy một hệ giá trị nhất định làm nền tảng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay văn hóa, giáo dục nên quy tụ vào 4 giá trị căn cốt: “Lễ - nghĩa – liêm –sỉ”.
Lễ là văn hóa đạo đức. Nghĩa là tình nghĩa, như Bác Hồ đã từng dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”. Sau nghĩa là liêm, là liêm chính, trong sạch. Cuối cùng là sỉ - phải biết xấu hổ.
Văn hóa Việt Nam từ xưa cũng đã nói về sự học với bốn điều mà gia đình Việt truyền ngôn cho con em từ thế hệ này qua thế hệ khác: Học ăn (Học cách lĩnh hội); Học nói (Học cách diễn đạt); Học mở (Học cách khai triển); Học gói (Học cách kết thúc).
Có thể nói, trong đời sống văn hóa đã mang tinh thần giáo dục, và bản thân giáo dục cũng được soi đường bởi ánh sáng của văn hóa, hướng đến một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam là khi bước vào hội nhập quốc tế vẫn luôn phải giữ hồn cốt dân tộc, tâm thức Việt Nam.