LTS: Tiếp tục về chủ đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ câu chuyện của Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, người từng không tin vào trí tuệ nhân tạo cho đến cách đây vài năm.
Qua đó, tác giả phân tích những tác động thay đổi của công nghệ mang tính “thị trường”. Đặc biệt, những tác động đến ngành giáo dục như giáo dục đào tạo trực tuyến, mạng xã hội…
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Cách mạng công nghệ 4.0 được coi là chủ đề chính của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2017 vừa qua [1].
Hầu hết các lãnh đạo thế giới, các doanh nhân và nghiên cứu của WEF đều nhấn mạnh đến trào lưu phát triển và ứng dụng của công nghệ sản xuất tự động, thông tin nhân tạo, nano, in ấn 3D…
Tuy nhiên, không ít người đã có nhiều suy nghĩ khác, một trong số đó là đồng sáng lập của Google: Sergey Brin.
Sergey Brin: Không có AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo, cũng còn gọi là Trí tuệ thông minh)
Sergey Brin – Đồng sáng lập Google, Chủ Tịch Alphabet, được Forbes và Profit Confidentia. (Ảnh: REUTERS) |
Lý lịch của Sergey – Đồng sáng lập Google, Chủ tịch Alphabet, được Forbes và Profit Confidential [1] ghi nhận như sau:
Người Mỹ, gốc Nga, kỹ sư khoa học máy tính. Giá trị tài sản thuần: 35,2 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 13 trong Danh sách những người giàu nhất hành tinh. Cha Sergey là nhà toán học, và mẹ là nhà nghiên cứu khoa học ở NASA.
Hình ảnh của Sergey là hình ảnh của những thành công và đóng góp mà dân nhập cư trên toàn thế giới đã cống hiến cho Silicon Valley, cho nước Mỹ.
Tại Davos 2017, lần đầu tiên Sergey tham dự và có thời gian chia sẻ về công nghệ và tương lai của công nghệ thời 4.0.
Theo Sergey, mặc dù ông là người “sống” với công nghệ, ông đã từng không tin vào trí tuệ thông minh, cho đến mấy năm gần đây [3].
Mô hình về Học thuyết Đổ Vỡ Sáng tạo – Clayton Christensen. |
Vậy, thực tế của trí tuệ thông minh, giống như internet vào năm 1990, giống như điện thoại thông minh năm 2006, đã đến và gõ cửa, nhưng sức mạnh của nó đến đâu, nó giúp chúng ta giải quyết được những thách thức gì trong xã hội này, còn rất nhiều khoảng trống cần tìm hiểu.
Trong khi đó, những vấn nạn của tự động hóa cao với trí tuệ thông minh đã vừa giúp đỡ con người vừa gây ra “đổ vỡ” (Học thuyết phát triển kinh tế gây đổ vỡ [4] do Christensen – Đại học Harvard phát triển) trong hệ thống lao động và cấu trúc xã hội.
Chúng ta không còn xa lạ gì với những thông báo “cắt giảm” lao động trong nước cũng như nước ngoài!
Việc cắt giảm lao động hiện nay không chỉ với những ngành nghề lao động giản đơn, những nghề có kỹ thuật bậc trung bình, mà ngay cả với những lao động có tay nghề cao hoặc cần có tri thức cũng đang dần bị “thu hẹp” lại.
Lấy ví dụ đơn giản, trong ngân hàng, các hệ thống ATM và ngân hàng trực tuyến sẽ không cần đến số lượng lớn nhân viên thu kiểm hay tiếp khách.
Hay trong sản xuất, một nhà máy sản xuất sữa tự động có công suất khủng cũng không cần quá nhiều lao động, mà thay vào đó là robot.
Đây chính là lý do cơ bản của những người phản đối “toàn cầu hóa”, vì theo họ, toàn cầu hóa chính là cơ hội để tự động hóa, để ứng dụng các công nghệ thông minh vào thị trường lao động và đẩy những người không còn trẻ, không có cơ hội học và tái đào tạo kỹ năng lao động, ra khỏi công việc họ đang làm.
Ảnh chụp Trump trong chương trình "Tập sự" với câu nói nổi tiếng: "Bạn bị đuổi" |
Ở Việt Nam, tương lai gần về “dư thừa” các nhà giáo chúng ta có thể cũng tương tự vậy thôi!
Tại Davos 2017, câu chuyện về khoảng cách thu nhập, về những thành tựu lớn trong đầu tư hiện nay đều thuộc về những công ty công nghệ và những nhà sáng lập, chủ sở hữu công ty công nghệ.
Những bất bình đẳng trong thu nhập đã và sẽ là vấn đề gây nên khủng hoảng xã hội, từ Phương Tây sang Phương Đông.
Theo như GS. Klaus Schwab, CEO của WEF, nếu không tìm ra được sức mạnh về “năng lực lãnh đạo và hợp tác”, “sự cởi mở” và “chia sẻ” trong hệ thống quản trị xã hội chung, chúng ta sẽ không tìm được “con đường” cho tương lai, do bởi sức mạnh của công nghệ 4.0 có thể thay đổi toàn bộ nền tảng xã hội và cách chúng ta sống, giao tiếp, làm việc và hưởng thụ [5].
8 người có thu nhập bằng ½ tổng thu nhập cả thế giới. (Ảnh: CNN) |
Nói đến công nghệ, sẽ không chỉ là thuần túy công nghệ trong sản xuất, nó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực và ngành nghề.
Lấy ví dụ như trong giáo dục, MOOCs (giáo dục trực tuyến), chỉ từ năm 2008 đến nay, đã trở thành một thị trường hứa hẹn hàng chục tỷ đô la Mỹ, cho một thị trường mấy tỷ người trên thế giới [6].
Bất chấp sự đồng thuận hay không của các giáo sư tham gia giảng dạy, chất lượng của các chương trình MOOCs vẫn là một câu hỏi lớn vì chưa được nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, dù ở cấp quốc gia hay toàn cầu.
Tuy nhiên, do sự hấp dẫn quá lớn về thị trường, chỉ riêng ở Trung quốc, từ năm 2014 đến nay, số lượng người tham gia học trực tuyến đã tăng lên đến 10 triệu người [6a].
Thế là cuộc “chạy đua” về các chương trình học trực tuyến đang nổi lên như vũ bão, đi cùng với mở rộng các kênh mạng xã hội và tra cứu toàn cầu như Facebook, Linkedin, Twitter, Google, Instagram mà các quỹ đầu tư lớn, trong đó có Quỹ của Bills and Melinda cũng mở rộng đầu tư vào giáo dục trực tuyến ở toàn cầu, trong đó có Việt Nam [7].
Ngay gần đây thôi, Google đã gửi thư thông báo về chương trình học miễn phí khóa “Khoa học máy tính” cho tất cả các tài khoản Gmail.
Hay Facebook với cung cấp Miễn phí Internet gói cơ bản (Free Basis Internet) cho Ấn Độ (đã bị từ chối [8]) và các nước ở châu Phi, tìm và phát triển thị trường hơn 630 triệu tài khoản cho Facebook, cộng thêm vào 1,86 tỷ người dùng Facebook hiện nay [9].
Việc các công ty công nghệ, công ty truyền thông và các quỹ đầu tư bắt tay nhau cùng phát triển các dịch vụ về công nghệ thông minh, về tự động hóa là một bước tiến dài cho sự phát triển khoa học kỹ thuật của con người nói chung.
Nhưng, như GS. Schwab đặt ra, liệu những tiến bộ này sẽ để phục vụ cho con người, vì con người (7 tỷ người trên trái đất này) hay chỉ vì lợi ích của số ít?
Bằng chứng của quan ngại này rất dễ để tìm thấy, khi New York Times đặt câu hỏi tại sao Mark Zuckerberg, sáng lập viên của Facebook lại đưa ra gợi ý tự động cài chip chặn thông tin báo chí với Chủ Tịch Trung Quốc ở Hội nghị APEC – Peru năm rồi [10], có phải “thỏa hiệp đạo đức kinh doanh” vì thị trường 1,6 tỷ người?
Hay người ta cũng nghi ngờ về gói đề xuất miễn phí internet của Facebook cho các nước đang phát triển như ở Ấn Độ hay châu Phi, cũng như của các hãng công nghệ và truyền thông, các hãng giáo dục trực tuyến, khi họ đang chuyển dần từ miễn phí sang tính tiền khi học viên lấy chứng chỉ.
Tất cả những điều này chưa đáng suy nghĩ về việc liệu có hay không chính sách “Tây hóa” (Westernization) (hay đồng hóa dưới tên gọi quốc tế hóa giáo dục) về tư tưởng, tinh thần và văn hóa các khu vực khác nhau trên thế giới qua hệ thống giáo dục, mà một nghiên cứu của Úc đã từng cảnh báo [11].
Để dễ hình dung về sức mạnh của những công ty tra cứu và kết nối mạng xã hội toàn cầu, xin các bạn hãy nhìn bảng dưới đây:
Tần suất truy cập những trang mạng xã hội. (Ảnh: pewinternet.org) |
Ví dụ, với khoảng 1,86 tỷ người dùng Facebook, 70% số này dành thời gian hàng ngày với Facebook.
Trong trường hợp của Việt Nam, có ít nhất 35 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và internet hàng ngày, với khoảng 70% dành cho mục đích giải trí [12].
Chỉ riêng với Youtube Elsa mang nội dung phản giáo dục và được gắn mác “dành cho trẻ em”, chúng ta có 30 triệu lượt xem trong thời gian ngắn, và nó mang về nhiều tỷ tiền quảng cáo được tính trên lượt người xem [13].
Giấc mơ đại học toàn cầu và ba công khai |
Đây chính là mặt trái “vi phạm đạo đức” trong kinh doanh khi sử dụng công nghệ tiên tiến, nhưng được khai thác thuần túy vì mục tiêu kiếm tiền, bất chấp hậu quả, dù đó là chương trình giải trí cho con trẻ hay chương trình dạy học chưa được kiểm định và được nghiên cứu đánh giá.
Về vấn đề này, năm 2016, tổ chức NCES (Trung tâm Quốc Gia về Thống kê Giáo dục Mỹ) đã yêu cầu dừng chương trình dạy trực tuyến cho học sinh từ cấp 1 – cấp 3 sau khi có nghiên cứu sâu về năng lực và kết quả học tập của những học sinh tham gia học tập ở nhiều bang chứng minh rằng chương trình học trực tuyến không mang lại hiệu quả, và học sinh có kết quả thấp hơn nhiều so với học sinh học ở lớp học truyền thống [14].
Tuy nhiên, việc không dạy ở Mỹ không có nghĩa sẽ không dạy ở Việt Nam.
Chúng ta sẽ không thể dám cho người bệnh sử dụng thuốc chưa qua nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Nhưng nếu nhìn ra thị trường học trực tuyến của Việt Nam hiện nay, câu hỏi về chất lượng dạy và học, ai quản lý chương trình và chất lượng dạy, dựa trên khảo sát và nghiên cứu trên người học ra sao, không rõ ai sẽ trả lời được, mặc dù chào mời học trực tuyến các loại hình đang được mở như “nấm” ở Việt Nam, cho cả nhà cung cấp nước ngoài và nội địa!
Cách mạng công nghệ 4.0 thực sự là công nghệ mang tính “nhân bản”, phục vụ con người như GS. Schwab kêu gọi ở Davos 2017 hay chỉ là bước marketing thị trường công nghệ trên toàn cầu? Có lẽ cần thêm thời gian nữa.
Trong lúc này, vì lợi ích của những người học ở Việt Nam và thế giới, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) và các tổ chức dạy học trực tuyến hãy công bố công khai nghiên cứu về chất lượng dạy và học của mình cho toàn xã hội được biết.
Chúng ta cần minh bạch thông tin và sòng phẳng với người học!
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.profitconfidential.com/net-worth/sergey-brin-net-worth/
[2] http://www.siliconbeat.com/2017/01/30/google-co-founder-sergey-brin-sfo-protest-refugee/
[3] https://www.weforum.org/agenda/2017/01/google-sergey-brin-i-didn-t-see-ai-coming
[4] http://www.claytonchristensen.com/key-concepts/
[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bon-nguyen-ly-lanh-dao-cho-Cach-Mang-Cong-nghiep-40-post173490.gd
[6] Young, J. (November 5, 2016). Online education is now a global market. The Chronicle of Higher Education. Retrieved http://www.chronicle.com/article/Online-Education-Is-Now-a/237993?cid=at&utm_source=at&utm_medium=en&elqTrackId=831f568a401a4b17b602f438f40f34ed&elq=254e2aba273a40b7859281fed4841a43&elqaid=11000&elqat=1&elqCampaignId=4211
[6a] Smith, B. (November 30, 2016). Chinese MOOC learners to top 10 million by year end. The Pie News. Retrieved http://thepienews.com/news/chinese-mooc-learners-top-10-miilion-year-end/
[8] Whittington, G. (August 4th, 2016). Facebook looks Africa next free internet project. TriplePundit. Retrieved http://www.triplepundit.com/2016/08/facebook-looks-africa-next-free-internet-project/;
Shearlaw, M. (August 1st, 2016). Facebook lures Africa with free internet – but what is the hidden cost? The Guardian. Retrieved https://www.theguardian.com/world/2016/aug/01/facebook-free-basics-internet-africa-mark-zuckerberg
[9] https://www.statista.com/statistics/264810/number-of-monthly-active-facebook-users-worldwide/
[10] Wang, X. (November 24, 2016). Doing business the Chinese way: Facebook develops censorship tool. Forbes. Retrieved http://www.forbes.com/sites/xiangwang/2016/11/24/doing-business-the-chinese-way-facebook-develops-a-censorship-tool/#7e1108b2cafd; Isaac, M. (November 22, 2016). Facebook said to create censorship tool to get back into China. New York Times. Retrieved http://www.nytimes.com/2016/11/22/technology/facebook-censorship-tool-china.html?_r=0
[11] http://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/1028315312474897
[14] NCES. (2016). Fast Facts Distance Learning. National Center of Education Statistics. Retrieved https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=80