Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức cho biết, cũng như nhiều quốc gia khác, tiến sĩ là bậc học cao nhất trong hệ thống khoa bảng ở Đức.
"Mục tiêu của chương trình tiến sĩ là đào tạo ra những người có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Sau khi trở thành tiến sĩ, người đó có khả năng làm nghiên cứu độc lập, xuất bản và trao đổi thông tin khoa học đạt tiêu chuẩn cao và hiệu quả.
Hiện nay, công việc của các tiến sĩ không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu, giảng dạy. Họ có thể làm việc tại những cơ quan hành chính, nơi yêu cầu người phụ trách phải có chuyên môn cao từ trình độ tiến sĩ trở lên, ví dụ như các phòng phụ trách về nghiên cứu, khoa học công nghệ, phụ trách về y tế, sức khoẻ cộng đồng, thú y...", Tiến sĩ Lê Đức Dũng cho hay.
Tiến sĩ Lê Đức Dũng. (Ảnh: Thomas Obermeier) |
Theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, ở Đức có khá nhiều cách để ứng tuyển nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Thông thường giáo sư sẽ có nhóm nghiên cứu riêng. Thành viên trong nhóm gồm nhiều cấp bậc khác nhau, từ kỹ thuật viên, sinh viên đại học, sinh viên cao học, nghiên cứu sinh và cả các nghiên cứu viên sau tiến sĩ.
Để nhóm nghiên cứu hoạt động tốt, giáo sư phải liên tục viết các đề án nghiên cứu để xin kinh phí tài trợ. Nguồn kinh phí này có thể được hỗ trợ từ quỹ nghiên cứu quốc gia, quỹ nghiên cứu tư nhân, từ các doanh nghiệp...
Khi có kinh phí triển khai dự án, giáo sư sẽ đăng tuyển nghiên cứu sinh, sau đó phỏng vấn và lựa chọn người phù hợp nhất, đây cũng là cách tuyển sinh phổ biến nhất.
Đối với trường hợp trên, nghiên cứu sinh sẽ được ký hợp đồng làm việc toàn thời gian, được trả lương, bảo hiểm y tế, hưu trí và các quyền lợi khác như một người lao động bình thường.
Cách thứ hai, rất nhiều trường sau đại học ở Đức tuyển sinh chương trình đào tạo tiến sĩ. Hầu hết các chương trình đã có sẵn dự án của nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau, ứng viên có thể lựa chọn và nộp hồ sơ cho dự án mình mong muốn.
Một số trường sẽ tổ chức thi đầu vào, ứng viên phải tham gia kỳ thi viết, nếu đạt sẽ tiếp tục trải qua một vòng phỏng vấn.
Đối với chương trình này, hàng tháng, nghiên cứu sinh được trả một khoản tiền nhất định nhưng không được đóng bảo hiểm y tế và hưu trí.
Cách thứ ba, ở Đức thường có những chương trình nghiên cứu lớn kéo dài nhiều năm với sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu tạo thành các cụm nghiên cứu giữa nhiều khoa, trường đại học trong một vùng hoặc cả nước.
Trong các dự án nghiên cứu lớn sẽ có nhiều dự án nhỏ, các dự án nhỏ thường tuyển 1-2 nghiên cứu sinh.
Chương trình nghiên cứu này cũng có quỹ cho các hoạt động của nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh khi tham gia dự án có thể được ký hợp đồng lao động hoặc được trả học bổng tuỳ thuộc vào trường và chương trình.
Cách thứ tư, các nghiên cứu sinh có thể xin học bổng ở bất kỳ chương trình nào, ví dụ như học bổng của DAAD của Đức, cũng có thể là học bổng của các quốc gia khác như Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, hiện nay, ở Đức vẫn tồn tại hai chương trình đào tạo tiến sĩ, đó là chương trình cổ điển và chương trình đổi mới.
Với chương trình cổ điển, nghiên cứu sinh sau khi gia nhập nhóm nghiên cứu của người hướng dẫn sẽ đăng ký với trường tên đề tài, người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ.
Sau khi làm nghiên cứu 3-6 năm, nếu các thầy cô hướng dẫn duyệt luận án, nghiên cứu sinh được phép bảo vệ đề tài và tốt nghiệp tiến sĩ. Nghiên cứu sinh có thể viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức.
Còn với chương trình đổi mới, trong quá trình nghiên cứu 3-6 năm, nghiên cứu sinh phải hoàn thành một số khoá học về chuyên môn và kỹ năng, đó là các bài giảng, hội thảo. Trong chương trình này, nghiên cứu sinh được hướng dẫn bởi một người hướng dẫn chính và 2-3 hướng dẫn phụ, thường là các giáo sư có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong cùng một nhóm chuyên ngành.
"Nghiên cứu sinh phải có các bài báo khoa học trước khi được bảo vệ. Chương trình đổi mới yêu cầu luận án và phần bảo vệ phải được trình bày bằng tiếng Anh. Các nghiên cứu sinh ở cách tuyển sinh thứ 2 và thứ 3 thường phải học theo chương trình đổi mới, những phương thức còn lại có thể lựa chọn học chương trình cổ điển hoặc đổi mới", vị tiến sĩ này cho hay.
Tiến sĩ Lê Đức Dũng nhận định, cả hai chương trình đào tạo về cơ bản đều có quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ giống nhau. Sau thời gian dài nghiên cứu, khi có kết quả nghiên cứu, đạt yêu cầu đề ra và được các giáo sư hướng dẫn chấp nhận thì nghiên cứu sinh có thể nộp luận án lên trường hoặc phòng phụ trách đào tạo tiến sĩ.
Hội đồng khoa học hoặc hội đồng phụ trách đào tạo tiến sĩ sẽ phân công thêm 1-2 giáo sư cùng với các giáo sư hướng dẫn để chấm luận án.Thời gian chấm có thể từ 3-6 tháng, nếu luận án được chấm đạt, nghiên cứu sinh có thể bảo vệ đề tài.
Buổi bảo vệ thường đơn giản, ngắn gọn, kéo dài khoảng 1 tiếng. Nghiên cứu sinh có khoảng 25-30 phút để bảo vệ luận án và có thêm khoảng 30 phút cho hỏi trả lời và thảo luận từ hội đồng và khán giả. Sau buổi bảo vệ, hội đồng sẽ họp khoảng 5 phút và công bố điểm.
"Chất lượng đào tạo tiến sĩ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các viện nghiên cứu và trường đại học. Do vậy, hội đồng khoa học, hội đồng hướng dẫn thường chú trọng rất nhiều vào các công trình nghiên cứu cũng như những khóa đào tạo kỹ năng cho nghiên cứu sinh. Đặc biệt, người hướng dẫn có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của luận án tiến sĩ đến mức nhà trường hay các hội đồng ít khi phải "đau đầu" với bài toán chất lượng nghiên cứu.
Ở Đức, chất lượng của các luận án hầu như không phải là vấn đề, cho nên các vụ thu hồi bằng tiến sĩ ít khi liên quan đến chất lượng hay quy mô, tầm cỡ của đề tài mà thường liên quan đến vấn đề đạo đức nghiên cứu như đạo văn. Thường thì các luận án chất lượng thấp thì khả năng đạo văn càng cao.
Nếu một luận án bị tố cáo đạo văn, các trường sẽ thành lập một hội đồng đánh giá độc lập để xem xét. Những luận án vi phạm trên mức cho phép có thể bị thu hồi bằng tiến sĩ", Tiến sĩ Lê Đức Dũng cho biết thêm.