Phải làm
Sáng nay 8/4, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trong hoàn cảnh các hãng hàng không VietJet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng…
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: Thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2001 – 2014 đạt 14,5%. Hiện 4 hãng hàng không gồm Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa. Ngoài ra, hàng không Việt Nam còn đang là thị trường khai thác của 51 hãng hàng không quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” |
Hệ thống cảng hàng không sân bay hiện nay đang được giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với 100% vốn nhà nước quản lý. Trong giai đoạn 2001 – 2014, ngành hàng không đã tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay. Theo đó đã huy động được 125.374 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách chiếm 5%, nguồn vốn huy động của doanh nghiệp chiếm 77%, nguồn vốn ODA chiếm 14%.
Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, trong số 48.317 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay nguồn vốn tư nhân chiếm đến 11%, nguồn vốn vay ODA chiếm 36%. Dự báo trong giai đoạn 2015 – 2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông lên đến 230.215 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm 13,3%, nguồn vốn từ doanh nghiệp 10,1%, nguồn vốn ODA hơn 26% còn lại hơn 48,8% huy động nguồn vốn góp cổ phần.
“Giai đoạn 2015 – 2020 ngành hàng không cần huy động số vốn rất lớn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng trong khi nguồn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp chỉ đáp ứng một phần vì vậy huy động nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội là rất cần thiết”, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh nói.
Nhưng phải xác định bán cái gì, bán cho ai?
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý tài chính, TS Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề nhượng quyền khai thác cảng sân bay, nhà ga là việc dứt khoát phải làm và nên làm.
“Tuy nhiên làm như thế nào, nếu nhượng quyền cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp phá sản thì sao? Vì vậy cần phải có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như vậy câu hỏi đặt ra nữa là việc nhượng quyền nhượng cho ai?”, TS Trương Văn Phước nhận định.
Theo TS Phước, việc nhượng quyền phải đảm bảo lợi ích hài hóa giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp. Chưa hẳn doanh nghiệp hàng không đã làm tốt hơn doanh nghiệp ngoài ngành.
TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng việc nhượng quyền phải đảm bảo nhiều nguyên tắc và tạo áp lực cạnh tranh |
“Đề xuất bán nhượng quyền việc khai thác sân bay cảng biển phải công khai minh bạch, chúng ta phải xác định bán gì, nhượng quyền gì, bán cho ai và bán với giá nào? Vì nhượng quyền hớ rất nguy hiểm. Phải có điều kiện giằng buộc. Tóm lại mức độ tài chính quá trình xã hội hóa, nhượng quyền khai thác, là việc nên làm tối ưu nhất khi mà nền kinh tế của chúng ta phải “giật gấu vá vai”, TS Phước nhận định.
Đứng khía cạnh chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Câu chuyện cho tư nhân tham gia kinh doanh sân bay, cảng biển là chủ đề không mới trên thế giới, ở Việt Nam là mới. Sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn nhà nước, hiệu quả đó xuất phát từ việc tư nhân sở hữu sẽ không xung đột lợi ích.
Theo TS Thành, vấn đề chuyển nhượng cảng hàng không sân bay phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Nguyên tắc tạo áp lực cạnh tranh, nguyên tắc đảm bảo cảng hàng không sân bay là hình ảnh quốc gia.
Trong khi đó tham gia hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng giám đốc VietJet Air cho rằng: Khi ra đời, VietJet với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. VietJet là hãng Hàng không “sinh sau đẻ muộn”, hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất thuộc hãng. VietJet là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp.
Ông Tâm cho biết, hãng luôn mong muốn được chia sẻ gánh nặng đầu tư của nhà nước và sự vất vả của toàn ngành bằng việc xin quyền khai thác một số nhà ga.
Ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng giám đốc VietJet Air khẳng định khi được giao quyền quản lý, VietJet cam kết thay đổi toàn diện những hạng mục được giao. |
“Có điều kiện về mặt bằng tại nhà ga, bãi xe trong sân đỗ, hành lang kỹ thuật sẽ đảm bảo dịch vụ của VietJet được chủ động đồng bộ, chắc chắn nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đảm bảo cho sự phát triển ổn định vững chắc cho hãng Trong phương án xin nhượng quyền khai thác của mình, chúng tôi mong muốn và sẵn sàng hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp cảng hàng không, các hãng hàng không để cùng xây dựng và phát triển ngành Hàng Không Việt Nam hiện đại, hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế”, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, VietJet không quan ngại vấn đề xung đột lợi ích. VietJet sẵn sàng hợp tác và sử dụng dịch vụ chung giữa các hãng hàng không, giữa các doanh nghiệp hoạt động hàng không, hình thành các liên minh, liên kết, liên danh đang là xu hướng mạnh mẽ trên thị trường hàng không quốc tế.
“Chúng tôi cho rằng cần tổ chức xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, trên nguyên tắc minh bạch và bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị ưu tiên nhượng quyền khai thác cơ sở hạ tầng hàng không cho các hãng và các doanh nghiệp trong ngành”, ông Tâm nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Tâm khẳng định, khi được giao quyền quản lý, VietJet cam kết sẽ làm thay đổi toàn diện những hạng mục được giao không thua kém các nhà ga tiên tiến trong khu vực, từ diện mạo, dịch vụ khách hàng, công nghệ quản lý hiện đại tới chi phí hợp lý cho người dùng và đóng góp tốt cho ngân sách.
Theo Cục Hàng không, hoạt động nhượng quyền cần đảm các 6 nguyên tắc: Thứ nhấtđảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng; Thứ hai sau nhượng quyền các đơn vị không được chuyển giao ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước; Thứ ba đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng độc quyền; Thứ tư đảm bảo duy trì đồng bộ hoạt động hàng không dân dụng thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông hàng không; Thứ năm đảm bảo công khai minh bạch và lợi ích nhà nước; Thứ sáu đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.