Những lớp học đậm chất 4.0 trên non cao Suối Giàng của cô Thùy Quyên

24/01/2022 07:06
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Quyên tâm niệm: “khi có những sáng tạo, mang đến cho học sinh những trải nghiệm bất ngờ, thú vị thì chính mình cũng cảm thấy hạnh phúc”.

Là một giáo viên vùng cao, từng vượt rừng cắm bản, phải đến tận nhà vận động học sinh tới trường, học đánh vần từng chữ tiếng Mông, nhưng đến hôm nay, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (sinh năm 1986, quê huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã mang đến một luồng gió mới cho ngôi trường mầm non trên đỉnh Suối Giàng. Đến với lớp học sáng tạo của cô Quyên, ai cũng phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước những giờ học đậm chất 4.0 nơi vùng rẻo cao Tây Bắc.

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên – giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên – giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Yêu thương khơi nguồn sáng tạo

Vào ngành năm 2004, cô Quyên dạy học tại Trường Mầm non xã Sơn Thịnh ở gần nhà. Sau hơn 3 năm công tác, cô chuyển đến dạy học và sinh sống ở tỉnh Lào Cai. Cuối năm 2012, cô trở về Yên Bái, bắt đầu công tác và gắn bó với Trường Mầm non Suối Giàng.

Sau 9 tháng về trường, đầu năm học 2013 -2014 cô Quyên tình nguyện đăng ký dạy học ở điểm trường xa nhất, cách trường chính 8 cây số. Đó cũng là năm tháng với những ký ức khó quên trong cuộc đời cô giáo vùng cao.

Bám trường, bám bản vốn đã nhiều khó khăn nhưng thử thách lớn nhất với cô là bất đồng ngôn ngữ.

Cô Thùy Quyên nhớ lại: “Học sinh đều là người Mông, các con chưa biết nói tiếng Kinh, cô trò không hiểu nhau, có một khoảng cách vô hình khiến mình đau đáu khôn nguôi. Mình quyết tâm phải học bằng được tiếng Mông để đến gần với các con hơn.

Sống trong bản làng, dần dần, có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán của người dân, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của họ, mình càng muốn trao gửi yêu thương cho những lớp học nơi đây.

Lớp học sáng tạo của cô trò vùng rẻo cao Tây Bắc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lớp học sáng tạo của cô trò vùng rẻo cao Tây Bắc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ở điểm trường lẻ xa trung tâm, thỉnh thoảng các con mang đến cho thầy cô quả chuối, củ sắn, củ khoai và nhắn lại bằng tiếng Mông rằng: mẹ con bảo mang đến cho cô giáo. Đó chính là tình cảm nồng hậu, ấm áp nhất mà mình trân quý vô cùng”.

Những lớp học vùng cao tuy đơn sơ, giản dị nhưng luôn tràn đầy niềm vui và rộn rã tiếng cười. Những ngày cô giáo bắt đầu học tiếng Mông, phát âm sai đôi chữ, nhiều em lại khúc khích cười, cũng đôi khi cô giáo pha trò rồi cả lớp cười ồ lên. Cứ thế, tình cảm càng gắn bó, cô giáo Quyên càng khát khao làm được thật nhiều điều ý nghĩa cho các em học sinh miền sơn cước nơi đây.

Những đứa trẻ vùng cao đều khá nhút nhát, ngại trò chuyện, sẻ chia, cô Quyên càng trăn trở tìm đủ mọi cách để các em hứng thú đến trường, say mê từng tiết học và trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

Năm 2017-2018, cô tham gia vào Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, kết nối với đồng nghiệp ở mọi miền đất nước cùng trao đổi, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phương pháp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Học sinh vùng cao đầy hứng khởi, say mê với những tiết học STEM ý nghĩa của cô Thùy Quyên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Học sinh vùng cao đầy hứng khởi, say mê với những tiết học STEM ý nghĩa của cô Thùy Quyên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vốn là một người yêu thích sáng tạo, cô Quyên từng ấp ủ làm một cuốn sách 3D giúp học sinh có những trải nghiệm học tập thú vị. Song thời điểm đó, do chưa được học nhiều về kỹ năng công nghệ thông tin nên cô đành phải gác lại dự định ấy.

Sau khi tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, được học một số kỹ năng thiết kế trên Power Point, nguồn cảm hứng sáng tạo trở lại, thôi thúc cô thực hiện dự án dang dở năm nào.

Cuối cùng, dự án sách 3D thành công, trở thành động lực để cô tiếp tục hành trình với những lớp học sáng tạo của mình. Những cuốn sách 3D của cô Quyên không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết chuyển động, giúp các em được học tập, khám phá, nâng cao khả năng nhận biết và tư duy.

“Sản phẩm này là sản phẩm cấp học mầm non đầu tiên tham dự diễn đàn giáo dục sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2019 và đã đạt giải khuyến khích cuộc thi. Tuy nhiên, thành công lớn nhất với mình không phải giải thưởng mà chính là mình đã mang lại sự hào hứng, say mê và những giờ học thú vị cho các bạn nhỏ vùng cao.

Mình mất rất nhiều thời gian để làm cuốn sách 3D này, từ khâu tìm kiếm hình ảnh, xử lý hình ảnh trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển, nguyên liệu cũng phải đặt mua từ Hà Nội về.

Toàn bộ quá trình cắt dán đều được làm thủ công, mỗi quyển sách 3D là những câu chuyện mình chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là lần đầu tiên các con được học tập qua một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Niềm vui với mình chính là tạo ra được những giờ học ấn tượng và ý nghĩa nhất cho các con”, cô Quyên tâm sự.

Lớp học sáng tạo, giáo dục học sinh giá trị nông sản quê hương

Tiếp nối thành công sáng tạo sách 3D, cô Đỗ Thùy Quyên thực hiện những dự án dạy học STEM cho học sinh Trường Mầm non Suối Giàng.

Dự án dạy học STEM đầu tiên của cô Quyên là “giá đỗ sạch”. Năm đó, cô dạy học tại điểm trưởng lẻ, các em học sinh phải mang cơm đến trường ăn trưa. Sau đó, trường được “Mạnh Thường Quân” tặng một chiếc nồi cơm điện, từ đó, các cô giáo ở trường cố gắng nấu ăn để cho các con có bữa cơm ấm, nóng hơn.

Với dự án học tập làm giá đỗ, các con lần đầu tiên được tham gia vào những trải nghiệm học tập thú vị. Sản phẩm các con làm ra một phần được sử dụng cho bữa ăn, một phần được cô Quyên kết nối để bán và mua thức ăn, cải thiện bữa trưa cho các con.

“Bản thân mình có thể tự mua hạt đỗ về làm giá cho các con, thậm chí có thể làm được số lượng lớn nhưng nếu vậy thì không còn ý nghĩa giáo dục. Khi các con tự làm, tự tìm hiểu, sẽ thấy hứng thú và có được những trải nghiệm mới lạ, hiểu được giá trị của những sản phẩm do chính tay các con làm ra. Đó mới là điều quan trọng”, cô Quyên chia sẻ.

Cũng từ đó, cô Quyên xây dựng các hoạt động dạy học STEM đưa vào chương trình giáo dục mầm non, nổi bật nhất là dự án STEM bảo tồn và phát triển trà cổ thụ Suối Giàng. Gắn với việc thực hiện kế hoạch “Trường học gắn liền bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc” của nhà trường. Dự án STEM này được cô Quyên xây dựng từ năm học 2020-2021 và vẫn được duy trì tổ chức trong năm học 2021-2022.

Dự án STEM bảo tồn và phát triển trà cổ thụ Suối Giàng giúp các em học sinh nhận thức rõ về giá trị văn hóa, tinh thần của đặc sản quê hương mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dự án STEM bảo tồn và phát triển trà cổ thụ Suối Giàng giúp các em học sinh nhận thức rõ về giá trị văn hóa, tinh thần của đặc sản quê hương mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trên vùng non cao Suối Giàng, chè Shan tuyết cổ thụ là một sản phẩm nổi tiếng, với mục tiêu giáo dục học sinh về giá trị, ý nghĩa tinh thần của các sản phẩm truyền thống quê hương, lớp học của cô trò vùng cao trở nên đầy sắc màu, vui tươi và đầy cảm hứng sáng tạo. Khi cùng nhau xây dựng những gian trà truyền thống, học sinh được tìm hiểu và phát huy những nét đẹp văn hóa quê hương mình.

Năm học 2021-2022 với việc thực hiện nhiệm vụ năm học, Trường Mầm non Suối Giàng thực hiện chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm gắn với tăng cường tiếng Việt, chuyên đề được tổ chức với các hoạt động phong phú tại hoạt động chợ quê, trong đó có các gian trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể kể đến “Phòng trà truyền thống” – một không gian tái hiện lại cách làm trà truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông. Tại đây các con được tìm hiểu về cây chè Shan tuyết cổ thụ, đặc sản nổi tiếng của địa phương, cũng như được tìm hiểu nguyên liệu, quy trình làm trà theo phương pháp thủ công của đồng bào dân tộc H’Mông và tìm hiểu các dòng trà truyền thống.

Đặc biệt, các con rất hứng thú khi được trải nghiệm với robot thông minh để tìm hiểu về quy trình làm trà truyền thống, và trải nghiệm cách pha trà. Từ đó các con nhận thức được giá trị của cây chè và có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phát huy nghề làm trà của địa phương.

Bên cạnh đó, tại gian thêu, các con được tái hiện lại các đường nét họa tiết, hoa văn qua các hoạt động vẽ, thiết kế hoa văn trang phục dân tộc, trải nghiệm thêu hoa văn trên vải.

Tại không gian chợ quê, các trang phục truyền thống, các đồ dùng dân tộc như khèn Mông, quả pao cho đến các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương đều được trưng bày cùng với các gian hàng cho trẻ trải nghiệm,

Các con được tham gia hoạt động bổ ích với trò chơi dân gian được tổ chức hợp lý như các trò chơi ném pao - trò chơi gắn với dân tộc H'Mông và trò chơi nhảy sạp - trò chơi gắn với dân tộc Thái, để các em được giao lưu văn hóa giữa 2 dân tộc.

Nhờ những chương trình giáo dục này, học sinh trở nên mạnh dạn hơn, tự tin giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh.

Song song với những dự án dạy học STEM, cô Quyên còn tổ chức lớp học xuyên biên giới, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường trong dạy học và dạy học bằng robot thông minh.

Cô Đỗ Thùy Quyên chia sẻ: “Hạnh phúc lắm khi mình thực hiện kết nối thành công với những lớp học ở các tỉnh thành khác, nhờ nền tảng công nghệ thông tin, lớp học không biên giới đã đưa các con đi tham quan nhiều nơi.

Mình vẫn còn nhớ năm học 2017-2018 lần đầu khi kết nối với một lớp tiểu học ở Hà Nội, cả lớp vừa được tham quan Hồ Gươm, vừa được lắng nghe sự tích Hồ Gươm, các con đã thích thú vô cùng. Về sau, mình mở rộng mạng lưới kết nối đến các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị… Nội dung mỗi buổi kết nối nhằm giới thiệu những nét văn hóa của đồng bào Mông ở Suối Giàng đến các bạn nhỏ các tỉnh thành và cô giáo ở các nơi cũng giới thiệu những di sản văn hóa của các vùng miền ấy”.

Cô Quyên và học sinh vẽ tranh tuyên truyền, cổ động công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Quyên và học sinh vẽ tranh tuyên truyền, cổ động công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vừa qua, trong giai đoạn dịch bệnh, cô giáo Đỗ Thùy Quyên bắt đầu thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường trong dạy học.

Những năm gần đây, khi đời sống người dân đồng bào vùng cao đã có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đều có điện thoại thông minh, cô Quyên tạo những bài học có tính tương tác cao khi ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường cho các con có thể học tập tại nhà.

Đặc biệt, qua dự án “Nông sản sạch - cùng bé đến trường”, cô có thêm nguồn kinh phí, kết hợp với sự ủng hộ của một số “Mạnh Thường Quân” và với khoản tiền tiết kiệm cá nhân mình, cô Quyên đã mua robot về dạy học cho các em.

“Thực tế, khi có những sáng tạo, thay đổi phương pháp, phương thức học tập, đưa các con đến với những trải nghiệm bất ngờ, thú vị thì chính mình cũng cảm thấy hạnh phúc, mình cảm thấy công việc luôn tràn đầy hứng khởi, niềm vui và càng khát khao làm nhiều hơn thế.”

Chúng ta đang cùng nhau hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Để các em học sinh có được ‘mỗi ngày đến trường là một ngày vui’, bản thân thầy cô phải là người hạnh phúc và lan tỏa tình yêu thương, niềm hạnh phúc đến với các con.

Từ khi thực hiện dự án “Nông sản sạch - cùng bé tới trường”, cô trò chúng tôi có thêm kinh phí để thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, mang đến một cái tết đầm ấm, đủ đầy hơn cho các con, tổ chức Tết thiếu nhi, Tết trung thu, ủng hộ một số trường hợp trẻ bị bệnh nặng, thầy cô bị tai nạn…

Cũng từ sự kêu gọi của dự án với chương trình “Tivi cho em” đã kêu gọi ủng hộ cho Trường Mầm non Suối Giàng một chiếc tivi hơn 4 triệu đồng, trang bị cho lớp học để các em học sinh có thể tiếp cận được nhiều hơn với công nghệ cũng như các chương trình tin tức, văn hóa”, cô Quyên cho biết.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong trường, cô Đỗ Thùy Quyên cũng đến và chia sẻ về định hướng giáo dục STEM với một số đơn vị trường tại địa phương mình cũng như một số địa phương khác.

Phạm Minh