Thời điểm này, các trường phổ thông đang chuẩn bị những công việc cần thiết cho việc tổng kết năm học 2023-2024 và điều dễ nhìn thấy nhất số lượng khen thưởng cho học trò ở các trường khá đông. Học sinh ở cuối mỗi cấp học có danh hiệu học sinh danh dự toàn trường. Bên cạnh đó là các danh hiệu Học sinh giỏi; Học sinh Xuất sắc; Học sinh Tiên tiến; Học sinh tiêu biểu; Khen thưởng đột xuất (tùy theo cấp học, khối học).
Có một điều đáng lưu tâm là không chỉ có nhiều học sinh giỏi mà gần như các giáo viên cũng có những bước chuẩn bị ngoạn mục để học sinh lớp mình dạy không có em nào Yếu, Kém, hoặc Chưa đạt để không phải ôn tập, kiểm tra lại trong hè. Vì thế, gần như tuyệt đối 100% học sinh đủ điều kiện lên lớp.
Tác động, xin xỏ để học trò được khen thưởng cuối năm học
Chuyện tác động, xin xỏ điểm số, hoặc đánh giá ở mức Tốt ở cấp Tiểu học để cuối kỳ, cuối năm học, học sinh được khen thưởng là chuyện không hiếm. Bởi lẽ, theo hướng dẫn tại Điều 9 của tư 27/2020/TT-BGDĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học thì học lực sẽ có bốn mức như sau:
“Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên”
Tại Điều 13 của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học, học sinh có các danh hiệu khen thưởng như sau:
“Khen thưởng cuối năm học: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học”.
Nếu giáo viên, nhà trường thực hiện theo đúng hướng dẫn thì việc khen thưởng danh hiệu học tập ở Tiểu học hiện nay sẽ rất khiêm tốn vì các môn đánh giá bằng điểm số phải đạt từ 9 điểm trở lên; các môn đánh giá bằng nhận xét phải đạt ở mức “Tốt”.
Nhưng, nhiều trường học hiện nay không làm như vậy. Nhiều giáo viên dạy các môn Thể dục; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục…đang mất dần quyền đánh giá của mình. Nhiều học sinh không đạt được ở mức Tốt nhưng giáo viên chủ nhiệm gửi danh sách xin ở mức Tốt trước thời điểm tổng kết.
Nhiều học sinh không đạt ở mức đó, giáo viên dạy các môn này không muốn cho thì giáo viên chủ nhiệm làm áp lực, lên báo cho hiệu trưởng; phó hiệu trưởng chuyên môn tác động. Bởi vậy, dạy thì giáo viên chuyên nhưng xếp loại có sự can thiệp của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Cũng chính vì năm nào cũng vậy nên đa phần giáo viên dạy các môn: Thể dục; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục bắt buộc phải thỏa hiệp. Những học sinh được giáo viên chủ nhiệm chủ động xin đánh giá có nhiều thành phần nhưng chủ yếu là những học sinh đang học thêm với mình; những học sinh là con người thân quen.
Cuối năm, học sinh được khen thưởng nhiều, giáo viên chủ nhiệm có uy tín, học sinh học thêm càng nhiều nhưng giáo viên dạy các môn Thể dục; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục đang mất dần quyền chính đáng của mình.
Sự thật đau lòng này khá phổ biến ở cấp Tiểu học nhưng nhiều nhất là những trường thuộc khu vực đô thị - nơi mà yếu tố dạy học, học thêm đang diễn ra khá nhiều.
“Kéo” học trò lên điểm số an toàn
Trước đây, khi dạy chương trình 2006 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, việc đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư số 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên giáo viên ít khi phải ôn tập và kiểm tra lại trong hè.
Bởi lẽ, đối với những học sinh phải kiểm tra lại trong hè, nhà trường chỉ chọn 1 môn trong số những môn dưới 5,0 điểm để kiểm tra lại.
Tuy nhiên, đối với các lớp chương trình 2018 và đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông thì những môn học bị xếp ở mức chưa đạt (dưới 5.0 điểm) đều phải thực hiện kiểm tra lại trong hè. Điều này cũng đồng nghĩa, giáo viên nào xếp loại học sinh ở mức “Chưa đạt” cũng đồng nghĩa phải ôn lại và kiểm tra lại cho học sinh.
Cụ thể, Tại Điều 14-Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn kiểm tra, đánh giá lại các môn học trong kì nghỉ hè như sau: “Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có điểm trung bình môn cuối năm dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số).
Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho kết quả học tập cả năm học của môn học đó để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.”
Như vậy, theo hướng dẫn trên, những trường hợp các môn đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét có điểm trung bình dưới 5,0 đều phải kiểm tra lại, sau kiểm tra lại đánh giá kết quả học tập xếp loại Đạt thì được lên lớp.
Vì vậy, đa phần giáo viên dù phải dạy ở lớp nào, dù có những học sinh có học lực không tốt nhưng họ cũng tìm cách để tổng kết cho học sinh đủ điểm để lên lớp.
Cách làm phổ biến hiện nay là cho học sinh kiểm tra lại bài kiểm tra thường xuyên (các văn bản hướng dẫn cho phép kiểm tra thường xuyên nhiều lần) hoặc cộng điểm thưởng cho học sinh, thậm chí có giáo viên để trống điểm số những học sinh điểm “có vấn đề” để cuối kỳ “kéo” học trò lên điểm Đạt.
Cũng chính vì thế, khi đoàn kiểm tra các cấp về trường, hoặc nhà trường, tổ chuyên môn kiểm tra giáo viên bộ môn nhập điểm trên phần mềm điện tử (thời điểm chưa tổng kết điểm cuối kỳ, cuối năm) sẽ thấy đủ cột điểm theo quy định nhưng trong mỗi cột điểm sẽ thấy có một số ô điểm trống.
Những ô trống này có thể là do học sinh chưa thực hiện kiểm tra nhưng có không ít ô trống là do học sinh bị điểm kém nên giáo viên chưa vào. Bởi, nếu giáo viên vào điểm, sau này điểm sẽ bị khóa, hoặc khi nhà trường mở khóa thì sửa điểm cũng sẽ để lại lịch sử và nếu có vấn đề thì giáo viên phải giải trình.
Vì vậy, để trống là thượng sách, sau này giáo viên “tính toán” cho học trò có điểm số an toàn nhất.
Học sinh có điểm số an toàn thì giáo viên cũng an nhàn trong dịp hè. Họ không phải vào trường ôn tập và kiểm tra lại cho học trò. Tất nhiên, cũng không phải làm kế hoạch, đề kiểm tra lại cho tổ trưởng, nhà trường ký duyệt và học sinh kiểm tra lại.
Hơn nữa, cho dù giáo viên có ôn tập, kiểm tra lại trong hè thì kết quả cuối cùng học sinh cũng sẽ đủ điểm để lên lớp. Vừa mất thời gian mà chất lượng học tập của học sinh cũng không được nâng lên vì những em đã yếu, kém rồi rất khó một số buổi ôn tập lại sẽ nắm được kiến thức toàn bộ của năm học.
Có rất nhiều điều đang tồn tại trong việc đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay mà không phải ai cũng tường tận vấn đề. Những góc khuất ấy đang làm cho căn bệnh thành tích ngày một nhiều và không ít học sinh mất đi động lực học tập vì học dở vẫn được lên lớp bình thường, thậm chí còn được khen thưởng vào dịp cuối năm học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.