Nhóm sinh viên tạo tấm phim từ tim sen để trị chứng mất ngủ cho mọi người

20/05/2024 06:12
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án sử dụng công nghệ trích ly hiện đại để lấy tối đa hoạt chất sinh học có trong tim sen và các loại thảo mộc, mang lại một tấm phim ngậm mỏng – gọn – nhẹ.

Trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã có 02 dự án đạt giải Nhì, đó là dự án “Lotusleep – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” và dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic”.

Trong đó, dự án “Lotusleep – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” giành giải Nhì lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ làm đẹp.

Đây là dự án khởi nghiệp do nhóm 05 bạn sinh viên cùng thực hiện, gồm: sinh viên Đinh Nguyễn Bảo Trân lớp 12DHTPTD, Trần Thị Thuỳ Trang lớp 12DHTPTD, Tạ Ngọc Bích Du lớp 12DHTP3 (Khoa Công nghệ thực phẩm) và sinh viên Mai Thị Nguyệt Hồng lớp 12DHQTKDTD (Khoa Quản trị kinh doanh), Trần Quang Khải lớp 12DHAV01 (Khoa Ngoại ngữ).

Cố vấn dự án là Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dương – giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm và Tiến sĩ Trần Tuấn Anh – Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh.

sinh-vien-huit-gianh-cu-dup-02-giai-nhi-tai-ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-nam-2024-5.jpg
Sự án “Lotusleep – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” xuất sắc giành Giải Nhì chung cuộc lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ làm đẹp”. Ảnh: NTCC.

Lotusleep – ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ mong muốn cải thiện chứng mất ngủ cho người thân

Chia sẻ về dự án, sinh viên Đinh Nguyễn Bảo Trân – trưởng nhóm dự án cho biết, từ cuối năm 2021, sinh viên này phát hiện người thân trong gia đình bị chứng mất ngủ kéo dài dẫn tới sức khỏe suy giảm, hay mệt mỏi, đau đầu, tóc, da bị ảnh hưởng.

Cảm thấy lo lắng về điều đó, Bảo Trân bắt đầu tìm tòi các cách giúp đỡ mọi người có giấc ngủ ngon hơn. Trân cùng các bạn tìm tòi, biết đến tim sen là “thần dược” điều trị mất ngủ trong các bài thuốc dân gian, có nhiều hoạt chất giúp an thần, lưu thông tuần hoàn máu, kéo dài giấc ngủ… thường được dùng làm trà lấy nước uống. Sinh viên này đã muốn biến nguyên liệu tim sen thành tấm phim mỏng, nhỏ gọn, người dùng ngậm sẽ thấy thư giãn, nhẹ nhàng và đi vào giấc ngủ sâu hơn.

Tuy nhiên, tim sen vốn có vị đắng đặc trưng, nên nhóm nghiên cứu dự án đã kết hợp với mật hoa dừa để điều vị, giúp cho sản phẩm có hậu ngọt nhẹ; đồng thời, thêm một số loại thảo mộc như quế, cam thảo… tạo hương thơm tự nhiên, thu hút người dùng và cân bằng tính hàn vốn có trong tim sen.

Với mục tiêu tận dụng và phát triển lợi thế nông sản Việt, nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu dự án Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam là dòng sản phẩm an toàn – tiện dụng – phù hợp với cơ địa người Việt. Được biết, sản phẩm phù hợp với cả những người bị bệnh tiểu đường vì mật hoa dừa có chỉ số đường huyết thấp và có nhiều loại axit amin thiết yếu.

“Chúng em lựa chọn phương pháp trích ly để lấy tối đa hoạt chất sinh học có trong tim sen và các loại thảo mộc, sau khi cô đặc sẽ đem ép thành phim, đóng gói. Mỗi tấm chứa dịch trích đã cô đặc từ 5 gram tim sen có hoạt chất akaloid giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ.

Sản phẩm đem đến sự mới mẻ, tiện dụng, hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả và an toàn. Người sử dụng chỉ cần tách phim ra khỏi vỏ, đặt vào lưỡi và ngậm cho đến khi tan hết” – sinh viên Đinh Nguyễn Bảo Trân chia sẻ.

sinh-vien-huit-gianh-cu-dup-02-giai-nhi-tai-ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-nam-2024-7.jpg
Sản phẩm “Lotusleep – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” của sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Nhận xét thêm về điểm đặc biệt của dự án này, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh – giảng viên cố vấn của nhóm cho biết, dự án có 03 điểm đặc biệt quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, dự án hướng đến việc giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay mà nhiều người gặp phải (cả người trẻ tuổi, trung niên và đa phần người cao tuổi) đó là tình trạng mất ngủ.

Thứ hai, dự án sử dụng công nghệ trích ly hiện đại và quy trình sản xuất khép kín đảm bảo các chỉ tiêu vi sinh để mang lại một “tấm phim ngậm mỏng – gọn – nhẹ” đảm bảo tính hiệu quả - an toàn – tiện dụng – cảm quan. Đây cũng là một sản phẩm còn khá mới trên thị trường và chưa được các doanh nghiệp nội địa phát triển hiện nay.

Cuối cùng, dự án hướng đến việc sản xuất tuần hoàn và kinh tế xanh và bền vững; đồng thời, tạo ra giá trị cho kinh tế và xã hội. Cụ thể, dự án sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu nội địa Việt Nam; các phụ phẩm sau quá trình trích ly và sản xuất sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường; góp phần hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Động lực tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đến từ niềm đam mê nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của sinh viên

Nhớ lại những ngày bắt đầu lập nhóm để thực hiện nghiên cứu cho đến nay, nhóm sinh viên thực hiện dự án chia sẻ các bạn cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy vậy, đây thực sự là những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ trong suốt quãng đời sinh viên của các bạn.

“Trong đó, em nhớ nhất những buổi “dãi nắng, dầm mưa” của em và các thành viên nhóm khi cùng nhau đi tìm nơi mua nguyên liệu, bao bì thích hợp cho sản phẩm. Hay có những ngày vừa học, vừa nghiên cứu dự án khiến thời gian eo hẹp lại, cả nhóm đã cùng cô Thùy Dương – giảng viên cố vấn của nhóm thức đến tận gần sáng để hoàn thành tiến độ…

Quãng thời gian ấy tuy vất vả, mệt nhọc, nhưng đã giúp chúng em nuôi dưỡng tinh thần đồng đội, sự trách nhiệm và lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mọi người” – Trưởng nhóm Bảo Trân chia sẻ.

sinh-vien-huit-gianh-cu-dup-02-giai-nhi-tai-ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-nam-2024-4.jpg
Nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thuyết trình dự án tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Ảnh: NTCC.

Nói thêm về vấn đề này, các bạn sinh viên này cho biết, khó khăn lớn nhất mà nhóm đã trải qua trong quá trình thực hiện dự án đến từ việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, kinh phí trong việc tổ chức, sắp xếp thời gian và phối hợp hoạt động nhóm. Vì thế, không tránh khỏi những bất đồng quan điểm.

Theo trưởng nhóm: “Khi mới làm việc, cả nhóm đã có tranh luận lớn, thành viên nhóm đều có lý lẽ của riêng mình. Nhưng sau đó, khi mọi người bình tĩnh lại, chúng em vẫn lựa chọn cùng nhau ngồi lại để chia sẻ, để hiểu nhau hơn.

Cả nhóm cũng thống nhất về việc lập kế hoạch chi tiết, tìm hiểu kĩ về thể lệ các cuộc thi, sắp xếp thời gian cá nhân cho hợp lý để có lịch làm việc nhóm định kì. Nhờ đó mà cả nhóm nhanh chóng đạt được các mục tiêu”.

Không chỉ có vậy, với một cuộc thi có quy mô lớn như cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, áp lực của nhóm sinh viên cũng vô cùng lớn.

“Với một cuộc thi cấp quốc gia, các đội thi tham gia đều là những đội rất mạnh được tuyển chọn từ các trường đại học; nhiều đội còn có kinh nghiệm tham gia các cuộc thi trong và quốc tế. Đặc biệt, số lượng các tác giả, nhóm tác giả tham gia dự thi tăng, lên tới 707 dự án. Điều này đã tạo áp lực cho các bạn sinh viên của nhóm trong quá trình chuẩn bị tham gia cuộc thi.

Đứng trên góc độ là cố vấn chuyên môn hướng dẫn nhóm, tôi cũng cố gắng động viên và giảm tải áp lực cho các bạn sinh viên; cùng các bạn nghiên cứu và phân tích kinh nghiệm từ những cuộc thi trước để các bạn chuẩn bị những điều kiện thật tốt cho cuộc thi này” – giảng viên cố vấn của nhóm chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Tuấn Anh, thành công của nhóm khi giành giải Nhì chung cuộc đến từ 2 nguyên nhân chính, đó là việc dự án được nghiên cứu và phát triển bởi một nhóm các bạn sinh viên năng động, tài năng, đam mê và nhiệt huyết.

Các bạn sinh viên này đến từ những khoa khác nhau trong trường (Khoa Công nghệ Thực phẩm, Khoa Quản trị kinh doanh, và Khoa Ngôn ngữ) nên có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng vừa đa dạng, vừa chuyên biệt, giúp các bạn hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển dự án. Sự thành công của dự án cũng đến từ những nỗ lực của các bạn sinh viên.

Dự án cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn từ phía ban giám hiệu và các thầy/cô, các phòng ban liên quan, giúp các bạn sinh viên của nhóm dự án yên tâm tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển dự án.

“Động lực tham gia các cuộc thi của nhóm đến từ niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra sản phẩm có tính mới, giúp hỗ trợ, giải quyết vấn đề mất ngủ một cách an toàn – tiện dụng – hiệu quả.

Bên cạnh niềm vui mừng với kết quả đã đạt được, chúng em cũng cảm thấy rất may mắn, vì nhận thấy đây là một sân chơi bổ ích, là cơ hội để cho các thành viên cùng nhau học hỏi các kỹ năng mới, áp dụng được các kiến thức đã học vào thực hiện dự án.

Trong quá trình tham gia, nhóm đã kết nối được với các thầy/cô, bạn bè, các doanh nghiệp, đối tác và nhận được sự đánh giá cao từ phía hội đồng ban giám khảo. Đây là niềm tự hào và là động lực để nhóm tiếp tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo của dự án” – trưởng nhóm Lotusleep chia sẻ.

Được biết, sau cuộc thi cấp trường, nhóm dự án này còn được Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ để tiếp tục triển khai dự án giai đoạn tiền ươm tạo thử nghiệm thị trường. Đến nay, Lotusleep vừa bước qua giai đoạn thử nghiệm thị trường.

Sản phẩm đã và đang nhận được các phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng, tạo động lực to lớn để nhóm sinh viên nghiên cứu tiếp tục phát triển dự án, đưa sản phẩm Lotusleep trở thành sản phẩm an toàn – tiện dụng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề mất ngủ của khách hàng.

Kim Minh Châu