Ngành Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt hiện nay, khi các mặt hàng thương mại như gỗ và sản phẩm ngoài gỗ đứng thứ 4 trong ngành hàng có tỷ trọng GDP lớn nhất cả nước. Mặc dù việc đảm bảo nguồn nhân lực ngành “mũi nhọn” này có vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng nhiều năm qua, công tác tuyển sinh ngành Lâm nghiệp của hầu hết các trường đại học đang gặp khó khăn.
Lâm nghiệp “khát” đầu vào do sinh viên nghĩ học xong chỉ làm ở nhà máy gỗ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, các ngành Nông nghiệp của trường thu hút rất nhiều sinh viên, điểm chuẩn cao và trường chỉ gặp khó trong công tác tuyển sinh ngành Lâm nghiệp.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website Nhà trường). |
“Dưới sức ép của thị trường nông sản, toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu đang chú trọng đầu tư vào hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể hơn là lĩnh vực Lâm nghiệp. Do đó, nhu cầu đào tạo nhân lực cho ngành Lâm nghiệp là điều kiện để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, bảo vệ biên giới, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt ở vùng nông thôn, khu vực núi cao.
Cam kết chính trị và nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho ngành Lâm nghiệp đã được thể hiện rõ trong nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội cũng như chính sách ngành Lâm nghiệp. Trong đó, Luật Lâm Nghiệp và Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu và chiến lược Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Lâm nghiệp.
Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng chương trình đào tạo Lâm nghiệp bám sát mục tiêu đề ra trong các chính sách trên, đồng thời hướng tới xu thế toàn cầu hóa để đảm bảo sinh viên đáp ứng xu thế mới.
Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp của trường cũng gặp khó khăn, thách thức lớn trong công cuộc tuyển sinh đại học”. Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ.
Cụ thể, theo vị Tiến sĩ, công tác tuyển sinh của trường luôn tuân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, phân bố chỉ tiêu giữa các ngành có khác biệt, trong đó, ngành Lâm nghiệp có số lượng tuyển sinh khá khiêm tốn.
Song, trường không coi việc tuyển sinh với số lượng ít là khó khăn để chùn bước, mà xem đó là cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến phương pháp dạy học và quan tâm nhiều hơn đến sinh viên.
Lý giải nguyên nhân khó tuyển sinh, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho hay, ngành Lâm nghiệp khó thu hút sinh viên là một phần do xã hội chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành Lâm nghiệp, một bộ phận giới trẻ lầm tưởng rằng học Lâm nghiệp thì chỉ có thể làm việc ở các nhà máy gỗ hoặc đi bảo vệ rừng cả đời.
“Thực tế, lâu nay, Lâm nghiệp là ngành “hot” rất cần nhân lực. Các tập đoàn, công ty về sản xuất thương mại gỗ và giấy thường xuyên liên hệ với trường để tuyển dụng, trong đó nhiều Công ty “đặt hàng” đầu ra đối với sinh mới nhập học. Thế nhưng, nhà trường không đào tạo đủ nhân lực do đầu vào ít”, Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ thêm.
Sinh viên thay đổi nhận thức về ngành Lâm nghiệp để đón đầu cơ hội việc làm
Một thực tế có thể thấy rất rõ về nhu cầu xã hội rất lớn ở ngành như Chăn nuôi, Thú y, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh tế... Thế nhưng, một số ngành rất khan hiếm lao động nhưng lại chưa được nhiều người quan tâm, đó là lĩnh vực Lâm nghiệp, Công nghệ sinh học, Nông học và Thủy sản, Quản lý đất đai.
Hiện nay, đội ngũ nhân lực của nhóm ngành Lâm nghiệp và Chế biến lâm sản đang được các công ty, doanh nghiệp săn đón. Chính vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia, sắp tới, sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm và phát triển bản thân.
Việc các trường đại học đẩy mạnh công tác tuyển sinh ngành Lâm nghiệp là yêu cầu cấp thiết của xã hội.
“Để thu hút sinh viên học và không bỏ lỡ cơ hội việc làm hấp dẫn, giảm điểm trúng tuyển không hẳn là cách để thu hút thí sinh. Điểm trúng tuyển cao hay thấp chỉ là để phân luồng thí sinh. Về thực chất, lâu dài, vẫn là sự chủ động đầu tư, đổi mới từ phía nhà trường. Điểm trúng tuyển ngành Lâm nghiệp chỉ thấp hơn các ngành khác của trường và vẫn ở mức tương đối cao. Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện để sinh viên thụ hưởng ưu đãi và chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp.
Mới đây, trường ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hỗ trợ công tác đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho sinh viên. Đây là ưu thế cho sinh viên ngành Lâm nghiệp, đặc biệt ngành Công nghệ chế biến lâm sản/gỗ có môi trường thực tập và cơ hội việc làm tại hơn 1000 công ty”, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Đình Lý, trong quá trình đào tạo, nhiều doanh nghiệp cấp học bổng để “chiêu mộ” sinh viên, tuyển nhân lực ngành Lâm nghiệp đối với sinh viên năm thứ 3. Đặc biệt, các quốc gia Canada, Úc áp dụng chính sách ưu tiên người Việt Nam có bằng tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp được nhập cư một cách dễ dàng và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên.
Vị Tiến sĩ cho rằng, học “Lâm nghiệp ra trường chỉ làm ở nhà máy gỗ hoặc bảo vệ rừng” là khái niệm lỗi thời. Bởi, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Lâm nghiệp rất rộng mở, trong đó, có những công việc phát triển rất nhanh, tạo giá trị kinh tế lên đến hàng trăm tỉ USD/năm.
Thực tế chứng minh, sinh viên tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp có thể làm việc ở ngân hàng và tập đoàn tài chính thẩm định dự án đầu tư đảm bảo không phá rừng. Sinh viên ngành Lâm nghiệp và Lâm nghiệp đô thị được nhiều Tập đoàn kiến trúc sư trong nước và quốc tế “săn lùng” với đãi ngộ tốt để phát triển kinh doanh địa ốc sinh thái.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể làm việc trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, ở Nhật Bản, sinh viên làm bác sĩ sử dụng phương pháp vật lý trị liệu từ rừng, hoặc tham gia phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm, thức ăn từ rừng của các tập đoàn mỹ phẩm và thực phẩm đa quốc gia.
“Thực tế, cựu sinh viên của trường đã và đang giữ các chức vụ trọng trách của nền kinh tế như Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi Cục trưởng, Phó Chi cục Kiểm lâm; các vị trí cao ở Sở Nông - Lâm - Nghiệp các tỉnh; nhiều cựu sinh viên là Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp lớn…
Nói vậy để thấy, rất nhiều cơ hội, vị trí việc làm hấp dẫn nhưng vấn đề nằm ở chỗ sinh viên phần lớn chưa đủ nhận thức và cần phải nỗ lực để thay đổi quan điểm ở ngành học tiềm năng này”, Tiến sĩ Trần Đình lý nhận định.
Từ trước đến nay, điểm chuẩn trúng tuyển ngành Lâm nghiệp của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thấp hơn các ngành khác của trường nhưng vẫn cao hơn so với ngưỡng điểm sàn do Nhà trường quy định.