Nhiều điểm mới trong Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ

10/12/2024 06:21
Mạnh Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ngày 05/01/2025 và áp dụng cho các đề tài từ năm 2026. Các đề tài đang thực hiện theo quy định cũ sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc.

Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức, cá nhân được tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện đề tài cấp bộ.

So với thông tư cũ, Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT có một số điểm mới như: Thay đổi tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ, bổ sung tiêu chí xác định đề tài cấp bộ, giới hạn số lượng thành viên tham gia thực hiện đề tài,...

gdvn-anh-nc-1979.jpg
Ảnh minh họa: M.T.

Cụ thể, một số điểm mới của Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT như sau:

Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện: Thông tư số 15 nêu rõ, đề tài cấp bộ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm 1 chủ nhiệm, 1 thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính, thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.

Nguồn kinh phí thực hiện đề tài cấp bộ gồm: Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kinh phí hợp pháp khác.

Về tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài cấp bộ, chủ nhiệm đề tài phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu.

Thông tư nêu rõ, chủ nhiệm đề tài cấp bộ là giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì, có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung của đề tài, có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài trong thời gian 3 năm gần nhất.

Trong khi đó, quy định cũ chỉ yêu cầu “có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với đề tài, hoặc là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu thuộc lĩnh vực nghiên cứu trong thời hạn 5 năm gần đây”.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng nêu cụ thể các trường hợp không được phê duyệt làm chủ nhiệm bao gồm: Đang làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ hoặc các nhiệm vụ khoa học cấp bộ khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính từ thời điểm tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài; là chủ nhiệm đề tài cấp bộ hoặc các nhiệm vụ khoa học cấp bộ khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị thanh lý theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này trong thời hạn 2 năm tính từ thời điểm có kết luận của Hội đồng thanh lý cấp bộ đề tài cấp bộ; đang trong thời gian bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.

Về kết quả của đề tài cấp bộ, phải đáp ứng tối thiểu hai yêu cầu sau:

Thứ nhất, có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hoặc các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước; hoặc được xuất bản thành sách hoặc chương sách chuyên khảo, sách tham khảo;

Thứ hai, có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc có kết quả nghiên cứu là tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác.

Như vậy, Bộ đã đưa ra nội dung hoàn toàn mới với những yêu cầu cụ thể hơn so với Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT.

Về tiêu chí xác định đề tài cấp bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung chi tiết như sau:

Thứ nhất, tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước: phân tích được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài;

Thứ hai, tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò trong việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đơn vị;

Thứ ba, tính mới và mức độ không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công;

Thứ tư, tên, định hướng mục tiêu và nội dung nghiên cứu đảm bảo tính tương thích, khoa học, rõ ràng, khả thi;

Thứ năm, các sản phẩm dự kiến đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này;

Thứ sáu, hiệu quả và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài;

Thứ bảy, kinh phí đề xuất đề tài phù hợp với mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến.

Như vậy, so với Thông tư số 11, tiêu chí xác định đề tài đã thêm mục mới là: Tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước: Phân tích được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Đồng thời, về cơ bản các tiêu chí xác định đề tài đã được Bộ yêu cầu chi tiết và cụ thể hơn.

Về hội đồng tư vấn xác định đề tài cấp bộ, số lượng và cơ cấu thành viên trong hội đồng đã được điều chỉnh.

Cụ thể, hội đồng tư vấn xác định đề tài cấp bộ có 7, 9 hoặc 11 thành viên, bao gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, thư ký khoa học và các thành viên khác. Đặc biệt, mỗi đề xuất đề tài có 2 thành viên được phân công phản biện. Thành viên Hội đồng xác định là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý am hiểu sâu về lĩnh vực của đề xuất đề tài;

Đối với việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài cấp bộ, đơn vị trực thuộc bộ có trách nhiệm thông báo danh mục đặt hàng được giao tuyển chọn trên trang thông tin điện tử của đơn vị trong thời gian ít nhất 15 ngày để các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.

Về tổ thẩm định nội dung và kinh phí, quy định có 7 hoặc 9 thành viên, trong đó có Tổ trưởng, Thư ký khoa học và các thành viên khác.

Mỗi đề tài có 2 thành viên được phân công phản biện. Thành viên tham gia Tổ thẩm định bao gồm: Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý am hiểu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.

Như vậy, so với quy định cũ, tổ thẩm định đã bổ sung thêm thư ký khoa học và thay đổi số lượng thành viên tham gia (từ 5 hoặc 7 lên 7 hoặc 9 thành viên). Trong đó, Thông tư cũng nêu rõ kinh phí tổ chức họp Tổ thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo chi trả theo quy định hiện hành.

Bên cạnh những điểm mới trên, Thông tư này cũng có những sự thay đổi, điều chỉnh về thành phần Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài cấp bộ; kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của bộ; thời gian xử lý đề tài cấp bộ sau nghiệm thu; phương thức đánh giá, nghiệm thu cấp bộ.

Mạnh Dũng