Theo kế hoạch, hôm nay (21/9) cao tốc Nội Bài-Lào Cai chính thức được thông xe. Có thể thấy, con đường không chỉ là quyết tâm của ngành GTVT, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho những dự án sau này.
Cao tốc Nội Bài-Lào Cai là con đường giữ nhiều kỷ lục của ngành GTVT, như suất đầu tư hiệu quả nhất (khoảng 6 triệu USD/km đường cao tốc, thuộc loại thấp nhất hiện nay), di dời dân nhiều nhất (25.000 hộ), khối lượng công việc đồ sộ nhất (120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi, 1 hầm chui, hơn 100 triệu m3 đất đá đào đắp)…
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xung quanh việc thiết kế, thi công con đường này.
- Thưa ông, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành sau 5 năm, ông có thể chia sẻ về những thời điểm khó khăn nhất của dự án?
Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Anh Tuấn. |
Ông Mai Tuấn Anh: Đây là dự án đặc biệt lớn, triển khai trong điều kiện kinh tế suy thoái, khó khăn chung của đất nước và thế giới. Do đó, trong suốt quá trình triển khai, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong tất cả các lĩnh vực, từ nguồn vốn, đầu tư cho đến công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về thủ tục đầu tư của nhà tài trợ cho đến khó khăn trong đấu thầu, giải ngân và việc nhà thầu quốc tế cũng có những yếu kém…
Tuy nhiên, kết quả của ngày hôm nay thể hiện sự chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.
Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ có tiền lệ việc lãnh đạo Bộ GTVT cùng với chủ đầu tư sang tận Manila (Philippines) để làm việc với nhà tài trợ là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để bàn về các cơ chế chính sách, làm sao tháo gỡ khó khăn cho dự án. Rồi trước sự yếu kém của nhà thầu, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cùng với chủ đầu tư sang tận Hàn Quốc, Trung Quốc gặp lãnh đạo cao cấp của nhà thầu để bàn các giải pháp, thúc đẩy nhà thầu thực hiện đúng tiến độ.
Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư trực tiếp thu xếp các nguồn vốn để tạm ứng cho các nhà thầu phụ, tập trung các nguồn lực để làm sao đẩy nhanh tiến độ. Phải nói là có rất nhiều giải pháp nên đã có kết quả như hôm nay.
Không chỉ cá nhân tôi, cán bộ công nhân viên của VEC, các nhà thầu mà chắc chắn tất cả những người làm trong ngành GTVT và nhân dân cả nước đều tự hào với một công trình cao tốc tầm cỡ, sau nhiều năm triển khai đã có thể đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến lên hiện đại.
- Trước những khó khăn như vậy, có khi nào các cán bộ, nhân viên của VEC thấy nản lòng không và là người lãnh đạo, ông đã có những giải pháp gì để vượt qua những trở ngại để có thành công ngày hôm nay?
Ông Mai Tuấn Anh: Điều đầu tiên có lẽ chúng ta phải nói đến ý chí và quyết tâm. Khó khăn thì dự án nào cũng gặp phải, nhưng riêng ở dự án này có thể thấy quyết tâm của lãnh đạo Bộ rất cao, quyết tâm đó được lãnh đạo Tổng công ty quán triệt và triển khai xuống dưới công trường. Cũng phải kể đến có những thời điểm, rất nhiều người không tin là có thể hoàn thành được.
Tuy nhiên, với ý chí, quyết tâm, chủ đầu tư đã có những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy, đảm bảo tiến độ, mà để làm được việc đó cần phải huy động một nguồn lực rất lớn về tài chính cũng như các trang thiết bị máy cơ giới để đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cùng đội ngũ tư vấn giám sát đã tổ chức bộ máy giám sát tất cả công việc trên công trường. Từ nguồn vật liệu, trang thiết bị và quy trình thi công, đặc biệt là kiểm tra giám sát chất lượng trên công trường, bất kể sai phạm nào dù là nhỏ nhất cũng phải xử lý. Chúng tôi đã thống nhất rằng, ngoài đáp ứng về tiến độ thì dự án phải đảm bảo được chất lượng.
- Ông có thể chia sẻ những bài học, kinh nghiệm rút ra để triển khai các dự án đường cao tốc khác trong thời gian tới?
Ông Mai Tuấn Anh: Dự án kết thúc, chúng tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm cũng như bài học cho công tác quản lý đầu tư, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý dự án. Từ việc phải chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể, rồi việc quản lý các nhà thầu ngay từ đầu theo đúng các điều kiện ban đầu của hợp đồng. Công tác GPMB phải được quan tâm đúng mực ngay từ ban đầu và phối hợp chặt chẽ với địa phương vì đây là khâu then chốt trong việc đảm bảo được tiến độ công trình.
Việc quản lý các nhà thầu huy động đầy đủ nguồn lực thi công theo đúng hợp đồng cũng là những kinh nghiệm lớn trong dự án này. Trong quá trình thực hiện, với những nhà thầu không thực hiện được phải có những giải pháp quyết liệt, thậm chí yêu cầu thay thế những nhà thầu không có năng lực, yêu cầu nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, huy động các nguồn lực, đảm bảo đúng tiến độ, nếu không làm được phải xử lý hợp đồng ngay…
Bên cạnh đó, công tác quản lý giám sát về chất lượng, tiến độ của chủ đầu tư đối với đội ngũ tư vấn giám sát cũng phải lưu ý. Tư vấn giám sát nào yếu kém phải thay thế ngay bằng đội ngũ kỹ sư tư vấn có năng lực, phải làm việc hết trách nhiệm thì mới đảm bảo được tiến độ.
Về phía chủ đầu tư cũng phải bám sát bộ máy trên công trường để chỉ đạo kịp thời, khi có khó khăn có thể xử lý ngay không để vướng mắc phát sinh.
- Xin cảm ơn ông!