Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định có văn bản số 430/BC-SGDĐT ngày 22/3 về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tuần đầu học kỳ 2, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, một số nhiệm vụ thực hiện trong 8 tuần đầu học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 đáng chú ý cũng đã được báo cáo của Sở này nêu ra. Tuy nhiên cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định được đề cập.
Qua đó, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định chỉ rõ, công tác kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục, hầu hết các đơn vị chưa ban hành Thông báo kết quả kiểm tra hoặc có ban hành Thông báo kết quả kiểm tra nhưng không chỉ rõ được hạn chế, thiếu sót, sai phạm và không có kiến nghị cụ thể, khả thi.
Ở một số đơn vị, Ban quản lý dạy thêm, học thêm chưa thống nhất quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng từ nguồn 15% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm, chưa xây dựng cụ thể phương án sử dụng kinh phí từ nguồn 15% chi tiền điện, nước, sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm học thêm từ nguồn thu tiền dạy thêm học thêm và chưa đưa các nội dung này vào Quy chế chi tiêu nội bộ.
Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định |
Nhiều đơn vị đăng các nội dung cần công khai lên Cổng thông tin điện tử chưa kịp thời, khó tra cứu. Còn có đơn vị xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị chưa bám sát Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT nên không đủ nội dung, nhiệm vụ và không lưu trữ đủ các chứng cứ chứng minh những việc đã làm, nhất là những việc Hiệu trưởng phải công khai theo quy định Điều 9, việc Đối thoại tại cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 17 (chưa có nội dung, minh chứng thực hiện đối thoại giữa Hiệu trưởng nhà trường với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, học sinh).
Ngoài ra, văn bản cũng nêu lên việc, tại một số đơn vị, trang thiết bị phục vụ công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ còn hạn chế. Việc hoàn thiện hồ sơ kết luận về tiêu chuẩn chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn chậm, ảnh hưởng đến việc phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý và công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Việc rà soát, đề nghị về công tác cán bộ, về chế độ chính sách cho đội ngũ của một số đơn vị còn chậm phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy trình bổ nhiệm, nâng, xếp hạng chức danh nghề nghiệp. Việc xử lý vi phạm chính sách về dân số ở một số đơn vị còn chậm, chưa dứt điểm.
Từ đó, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng đã nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 - 2023 như sau:
Thứ nhất, về công tác tham mưu, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023; chủ động tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh này các nội dung: tổ chức chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho năm học 2023 -2024; phương án tổ chức các kì thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông chuyên và không chuyên năm học 2023 - 2024; phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023.
Đồng thời, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định trình Hội đồng nhân dân tỉnh này thông qua đề án “Quy định cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh trong các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh Nam Định quản lý”.
Thứ hai, về công tác đảm bảo an toàn an ninh trường học, văn bản này nhấn mạnh việc, tăng cường lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, giáo dục pháp luật về kỹ năng nhận biết và phòng tránh tệ nạn xã hội, hút thuốc lá điện tử; tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm, nhất là các vi phạm hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, ma túy, mại dâm, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học. Trong đó nhấn mạnh nội dung “05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện chế độ kiểm tra thực phẩm ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, văn bản cũng nhấn mạnh việc, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn, việc kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học.
Huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thứ ba, với nhiệm vụ chuyên môn của các cấp học, Sở này yêu cầu tiếp tục triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh sinh viên; tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện” và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Tập trung công tác dạy học, ôn tập cho học sinh khối 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh khối 12 kỳ dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 để đảm bảo đạt kết quả cao nhất.
Tổ chức khảo sát chất lượng cuối năm học, thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định; trong đó tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhất là ở các môn như Ngữ văn, Lịch sử (cấp Trung học phổ thông), Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (cấp Trung học cơ sở), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp Trung học cơ sở, tốt nghiệp Trung học phổ thông đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Làm tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp; phối hợp giữa trường Trung học cơ sở với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong tư vấn, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học.
Thứ tư, về công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở này cho biết sẽ thực hiện đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đối với các khối lớp đã triển khai để có những hướng dẫn, điều chỉnh cho năm học tiếp theo.
Triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Tổ chức tập huấn mô-đun 5 cho cán bộ quản lý, mô-đun 9 cho giáo viên.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định tại một buổi kiểm tra cơ sở. Ảnh: Namdinh.edu.vn |
Thứ năm, về tổ chức, tham gia các cuộc thi, hội thi, kỳ thi, văn bản này nêu yêu cầu, tổ chức ôn tập, tạo điều kiện tốt nhất để 07 học sinh của trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế năm 2023 đạt kết quả cao nhất.
Hoàn thành đánh giá, xếp giải các cuộc thi: Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp; An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai. Tổ chức Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp tiểu học; Cuộc thi thể dục thể thao học sinh phổ thông; Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông chuyên và không chuyên; Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023.
Phối hợp tổ chức cuộc thi Toán - Khoa học - Tiếng Anh cấp tiểu học; thi chứng chỉ Tin học quốc tế IC3 Spark cho học sinh lớp 3, 4, 5. Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia.
Thứ sáu, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ban hành văn bản về phân cấp quản lý, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý và viên chức quản lý theo thẩm quyền quản lý cũng được văn bản này nêu yêu cầu, rà soát đội ngũ, tham mưu công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học 2023 - 2024 theo chỉ tiêu được giao.
Thực hiện thẩm định, đánh giá xếp hạng trường các đơn vị trực thuộc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch Bồi dưỡng thường xuyên và tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng về công tác tổ chức cán bộ cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Triển khai đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá viên chức theo quy định. Triển khai xét nâng bậc lương thường xuyên đợt 1 năm 2023 và thực hiện các chế độ chính sách cho công chức, viên chức theo quy định.
Triển khai thực hiện nhập dữ liệu công chức, viên chức trên phần mềm quản lý công chức, viên chức.
Thứ bảy, về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục, văn bản nêu lên việc triển khai đồng bộ các phần mềm trong quản lý và giảng dạy; đẩy nhanh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các nhà trường. Nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông theo hình thức trực tuyến. Nghiên cứu, xây dựng Đề án Giáo dục thông minh tỉnh Nam Định.
Thứ tám, về quản lý tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định đề nghị việc, triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023; Văn bản số 694/BGDĐT-KHTC ngày 23/02/2023 của Bộ GDĐT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ.
Phối hợp với Sở Tài chính triển khai duyệt quyết toán tài chính năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc. Tổ chức rà soát, tổng hợp xây dựng dự toán kinh phí để nâng mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, huy động các nguồn lực kinh phí để tăng cường, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thứ chín, về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, Sở này cho biết sẽ tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, xung đột lợi ích.
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng giáo dục gắn với công nhận trường chuẩn quốc gia, chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn.
Thứ mười, về công tác cải cách hành chính; pháp chế; truyền thông; thi đua, khen thưởng, văn bản nhấn mạnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch cải cách hành chính năm 2023.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính và thủ tục hành chính; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác truyền thông trong giáo dục, nhất là truyền thông kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức đánh giá, bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân năm học 2022-2023 đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thành tích.