Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Nguyên quan chức QH nói về chính sách tiết kiệm nghìn tỷ/năm

03/12/2012 07:11
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Khoán xe công sẽ tiết kiệm chi ngân sách đáng kể như chi phí mua xe để thay cho các xe cũ, phí vận hành, lương lái xe và cả sự lạm dụng xe công vào việc riêng…”.
Khoán xe công – một chủ trương không còn mới bởi nó đã ra đời được 6 năm. Đã có lúc, các phương tiện thông tin đại chúng và một số vị quan chức dành nhiều thời gian nói đến chủ trương này. Cũng vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó Thủ tướng) cho biết, nếu thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm cho nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhưng theo thời gian, cũng dần dà câu chuyện này ít được nhắc tới. Nhân buổi trò chuyện với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cười buồn: "Chính sách này không được nhiều người thực hiện vì nhiều lý do. Trong đó, có cả vấn đề lợi ích của người sử dụng và để giải quyết khâu “oai” cho người ngồi trong xe".

Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: C.M)
Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: C.M)

Ông Trần Quốc Thuận nói: “Khoán xe công sẽ tiết kiệm chi ngân sách đang kể như chi phí mua xe để thay cho các xe cũ, phí vận hành, lương lái xe và cả sự lạm dụng xe công vào việc riêng. Ngoài ra, khoán xe công còn có rất nhiều lợi ích, từ việc đi lại thuận tiện, chủ động về thời gian cho đến việc lái xe không mất công chờ đợi lãnh đạo.
 
Chính sách khoán xe công được thực hiện từ một Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội. Sau đó Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 59/2007/QĐ-TTg cho phép các chức danh từ tương đương Thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ Phó Chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công. Sau đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 103/2007/TT-BTC quy định cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công.

Nhưng không hiểu tại sao chính sách này lại không được đông đảo quan chức được thực hiện. Có lẽ nhiều người như tôi cũng đã nhận ra được, lợi ích từ chính sách này nhưng họ thấy lợi ích từ việc ngồi trên xe công còn lớn hơn nhiều số tiền khoán".

Ông Thuận kể: "Ngày đó, mỗi cán bộ được khoán 4,5 triệu đồng. Tôi thực hiện việc khoán xe công được gần 3 năm và trung bình mỗi tháng thừa ra được một khoản khoảng 3 – 3,5 triệu đồng. Số tiền thừa ra thì cán bộ được hưởng. Thực ra thì cũng không chỉ mình tôi thực hiện mà cũng có một số vị phó Chủ tịch tỉnh đã đi taxi mà không đi xe công đưa đón từ nơi làm việc về đến nhà riêng. Và một số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương cũng đã hưởng ứng chủ trương này”.

Nói về việc bị phản ứng khi là một trong số rất ít quan chức cấp cao thực hiện chính sách này, ông Thuận kể lại câu chuyện: “Ngày đó tôi được đi xe Toyota Camry 2.4 là sang lắm rồi. Khi tôi thực hiện khoán xe thì một ông nói: “Anh cứ đi xe đi. Anh sẽ được cấp một chiếc xe mới tốt hơn” nhưng tôi đã không đồng ý. Tôi nói là tôi có tham gia soạn thảo nghị quyết trong đó có vấn đề khoán xe công và tôi làm dựa trên tinh thần tự giác thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước”. 

“Khi tôi thực hiện chính sách này, có người đã vào phòng tôi mà hỏi thăm sức khỏe của tôi, ý rằng tôi không đi xe công thì có lẽ sẽ không đảm bảo sức khỏe. Nhưng lúc đó tôi đã trả lời rằng tôi vẫn khỏe re. Nếu ai đó nói là đi xe công để đảm bảo sức khỏe thì đó chỉ là một sự ngụy biện bởi chất lượng taxi bây giờ cũng rất tốt và cũng rất đảm bảo an toàn”, ông Thuận cười nói. 

Xe công rước dâu ở Hà Nội (Ảnh: tuoitre.vn)
Xe công rước dâu ở Hà Nội (Ảnh: tuoitre.vn)

Theo ông Thuận, vấn đề lợi ích ở đây là việc sử dụng xe công vào việc tư, có thể lợi ích còn lớn hơn cả số tiền được khoán. Ông Thuận nói: “Xe biển xanh có uy lực lắm. Khi đi trên đường thì Cảnh sát Giao thông cũng rất ngại xử phạt”. Sau đó là lý do, chính sách này dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu ai không thực hiện thì cũng chẳng làm sao.

Ông Thuận liên hệ: “Đã có một dạo, chúng ta nói là hạn chế hội họp và nhất là các Hội nghị toàn quốc bởi vì những vị lãnh đạo mà đi họp thì cứ rong xe công đi một lượt rồi về, chỉ có ngân sách chi trả cho chuyến công tác đó thôi. Sau đó, tất cả những Hội nghị do Trung ương tổ chức thì Trung ương phải chi tiền.

Điều này có một cái lợi là nếu Trung ương chi tiền thì đó là một số tiền lớn, người ta sẽ nhận ra ngay vấn đề ở đây tốn kém và lãng phí như thế nào so với việc xé lẻ, chia nhỏ khoản kinh phí đó ra cho từng địa phương. Với biện pháp này thì số Hội nghị toàn quốc đã ít đi rất nhiều. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là chủ trương, chỉ hô khẩu hiệu mà biện pháp thực hiện như thế nào”.

Trên cơ sở đó, ông Thuận cho rằng nếu chính sách khoán xe công là bắt buộc chứ không còn là tự nguyện nữa thì sẽ được thực hiện một cách triệt để…
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang