Trước năm 1945, thân phận người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều thua thiệt và rõ ràng vai trò của họ chưa thực sự rõ nét trong một xã hội nam quyền.
Hình như ta chỉ thấy người phụ nữ lúc bấy giờ tròn vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Những phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội thường rất ít bởi những hà khắc của xã hội bấy giờ.
Tuy nhiên, khi nước nhà độc lập thì vai trò của người phụ nữ được thể hiện rõ nét và được phản ánh đầy đủ các khía cạnh cả trên phương diện gia đình và xã hội.
Sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trở thành khuôn mẫu trong văn chương kháng chiến. (Ảnh minh họa: vtv.vn) |
Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ đã trở thành khuôn mẫu trong văn chương với đầy đủ phẩm hạnh về sự hy sinh và dấn thân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Bạn đọc cả nước chắc không thể nào quên hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt- bài thơ đang được giảng dạy ở trường phổ thông.
Trong văn bản này, chúng ta thấy nội dung chính của bài thơ không chỉ là tình yêu thương của hai bà cháu mà ở đó là sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.
Hình ảnh người bà đã thay con mình để nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo cháu suốt quãng thời gian mà con của bà đang đi kháng chiến. Đặc biệt, sự kiên cường, chịu đựng của người bà đã đạt đến mức phi thường:
Năm giặc đốt làng cháy tàn, cháy lụi
Làng xóm bốn bôn trở về lầm lụi
Nhưng người bà vẫn vững vàng làm điểm tựa vững chắc ở hậu phương. Chính bà đã trở thành bức thành đồng cho con cháu của mình.
Bởi, có lẽ người bà trong bài thơ cũng như bao người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ luôn đề cao sự hy sinh không chỉ cho gia đình mà còn cho đất nước, nên bà đã dặn cháu mình:
Ngày 8/3 nghĩ về những hi sinh, thua thiệt và sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam |
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.
Người bà trong bài thơ đã không muốn những người con của mình nơi chiến trường phải bận tâm về gia đình để yên tâm cho công việc kháng chiến của dân tộc lúc bấy giờ.
Ta thấy người bà trong bài thơ không chỉ là người nhóm lửa mà chính bà là người giữ lửa và truyền lửa cho cháu, cho con. Ngọn lửa lòng của bà luôn cháy theo thời gian, theo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc:
Rồi sớm, rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẵng
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa...
Với những người lớn tuổi như người bà trong bài thơ "Bếp lửa" đã vậy, đã luôn là điểm tựa cho con cháu thì những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi họ lại sẵn sàng đương đầu với tuyến lửa của chiến trường.
Nhiều cô giá đã sẵn sàng lên đường cầm súng đánh giặc và có biết bao nhiêu những cô gái nằm lại ở chiến trường hay phải hy sinh một phần xương máu của mình cho dân tộc.
Ta cứ hình dung những cô gái đang phơi phới sức xuân thì nhưng đã hiên ngang nơi chiến tuyến ác liệt nhất và họ hóa thành những tượng đài bất hủ cho dân tộc Việt Nam.
Những nghĩ suy về "hạnh phúc" đã được bao nhiêu chàng trai, cô gái lúc bấy giờ tìm thấy. Hạnh phúc được dấn thân, được góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc.
Ngay cả những lúc người thân yêu của mình nằm lại nơi chiến trường thì những người ở lại cũng đã nén nỗi đau thương trong nỗi đau chung của dân tộc:
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên
(Bài thơ về hạnh phúc- Dương Hương Ly).
Và, có nỗi đau nào hơn khi những người con gái mình yêu thương từ thuở chăn trâu, cắt cỏ, từ thuở bị đánh đòn bị "cô bé nhà bên cười khúc khích" đã không còn nữa.
Người con gái yêu thương đó đã hòa mình vào lòng đất mẹ để lại sự tiếc thương cho người ở lại:
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Cũng chỉ vì em là du kích em ơi
Thế nhưng, sự hy sinh của cô gái đã khiến cho người yêu của mình biến nỗi đau thương thành nỗi căm hờn và lòng quyết tâm chiến đấu, để bảo vệ quê hương thân yêu của mình:
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần máu thịt của em tôi”
(Quê hương - Giang Nam).
Bởi, chính những những người con gái mười tám, đôi mươi đáng yêu đó nằm lại nơi chiến trường đã là trở thành một điểm tựa, thành “hoa trên núi”:
Em mãi là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm
(Núi Đôi - Vũ Cao).
Những người phụ nữ giữa đời thực và văn chương đã đi xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở thế kỷ XX như chị Tư Hậu, chị Út Tịch, chị Sứ, mẹ Suốt…
Và, cả những người phụ nữ không tuổi tên đã âm thầm góp phần vào những chiến thắng của dân tộc. Tên tuổi họ sẽ tạc vào vào sông núi, quê hương, vào sự hồi sinh của dân tộc.
Ngày nay, đất nước đã được thống nhất, non sông thu về một mối, người phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy phẩm chất, trí tuệ của mình cho đất nước.
Dù họ là những nhà khoa học, chính khách, trí thức hay những người phụ nữ lam lũ chốn thôn quê thì ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp truyền thống đáng yêu, đáng trân trọng.