Ngành Giáo dục TPHCM cần tăng cường kiểm tra cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài

16/08/2024 15:21
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 16/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 của ngành.

Đến tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy và lãnh đạo các Sở, ban ngành, các đơn vị trường học nằm trên địa bàn thành phố.

100% quận huyện tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học vừa qua, ngành giáo dục thành phố đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm thực hiện trọng tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ngành giáo dục thành phố cũng đã triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế, thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình đột phá thuộc lĩnh vực giáo dục, đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào trong nhà trường, triển khai thực hiện các hoạt động dạy và học tiếng Anh ngay từ lớp 1.

Mô hình “Trường tiên tiến hiện đại, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” đã góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập với quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu của thành phố thông minh, đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực.

gdvn-pngmaytinh.jpg
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh thực hành trong phòng máy tính (ảnh minh họa: V.D)

Ngành giáo dục thành phố cũng đã triển khai có hiệu quả việc dạy và học môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên rõ rệt.

Công tác chuyển đổi số đã được triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Hơn 80% đơn vị trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai kho học liệu số. Sở đã tiến hành nghiên cứu về các chuẩn lưu trữ, liên thông chung cho học liệu số nhằm xây dựng kho học liệu số mở, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật cho học liệu số bao gồm việc tích hợp các công nghệ tương tác, hỗ trợ và chia sẻ giữa các nền tảng E-learning, giúp thực hiện việc cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu giảng dạy của giáo viên, đảm bảo vấn đề bảo vệ bản quyền.

Hệ thống thông tin địa lý giáo dục (GIS) đã được hoàn thiện. 100% các quận huyện đã thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp bằng trực tuyến.

Chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo ở các đơn vị trường học luôn được ngành chú trọng, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao trình độ của học sinh, học viên tại thành phố.

Cần tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài

Sau khi các đại biểu chia sẻ của các đơn vị trực thuộc Sở trong công tác xây dựng trường học hạnh phúc, công tác đổi mới dạy học có hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã có những phát biểu chỉ đạo đối với ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong năm học vừa qua, ngành giáo dục thành phố đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học.

gdvn_chiLetongket3.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

“Để đạt được những thành tích trên, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có được những thuận lợi hết sức cơ bản. Trước hết, đó là sự quan tâm và chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các ban ngành. Đó là sự thống nhất trong toàn ngành, tạo ra môi trường giáo dục đoàn kết, tạo nên sức mạnh để thực hiện” – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành giáo dục thành phố cũng đã huy động tốt các nguồn lực với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp có liên quan đến giáo dục.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, bên cạnh sự đô thị hóa tại thành phố ngày càng tăng cao, mỗi năm, số học sinh của thành phố tăng khoảng 25.000 em, áp lực về trường lớp, nhu cầu và đòi hỏi của phụ huynh, nhà nước về chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố hết sức nổi bật, có cơ chế tạo điều kiện cho học sinh chưa có hộ khẩu tại thành phố vẫn được tham gia học tập, với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hiện theo thống kê, hiện có khoảng 347.000 học sinh chưa có hộ khẩu tại thành phố, nếu “máy móc” thì đó lại là câu chuyện của xã hội, nhưng thành phố đã vượt lên khó khăn, nỗ lực để đảm bảo cho học sinh có đủ chỗ học.

Một điểm ấn tượng khác đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chỉ ra, đó là nhiều mô hình, chương trình, đề án, đó có thể là sự thành công của mô hình lớp học số, lớp học mở, Đề án 5695 về “Dạy và học các môn Toán, Khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường học công lập trên địa bàn thành phố thực hiện được 10 năm đã phát huy nhiều lợi thế cho thành phố.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được ngành giáo dục thành phố tăng cường, quan tâm, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

gdvn_chiLetongket.jpg
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Thay mặt cho lãnh đạo thành phố, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, trong năm học mới sắp đến, ngành giáo dục thành phố cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện đầy đủ cam kết xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố học tập, cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội.

Cùng với đó là triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng thành phố thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á.

Đồng thời, ngành giáo dục thành phố cũng cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành các chương trình, đề án có tính đột phá của thành phố về giáo dục, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp theo chương trình của Anh và Việt Nam”, tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu , số lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục; tập trung thực hiện các công trình thi đua chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước,.

Việt Dũng