Ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận gặp khó khăn trước thềm năm học mới ​

13/08/2019 06:20
Hùng Dũng
(GDVN) - Sinh viên tốt nghiệp, được đào tạo bài bản ở trường sư phạm không được tuyển dụng vì phải nhường chỗ cho giáo viên cử tuyển của tỉnh với đầu vào quá thấp.

Trước thềm năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận đứng trước những thách thức lớn dẫn đến nguy cơ tiếp tục giảm chất lượng.

Công văn rà soát, sắp xếp lớp/học sinh/lớp của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận (Ảnh CTV)
Công văn rà soát, sắp xếp lớp/học sinh/lớp của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận (Ảnh CTV)

Tiêu biểu nhất là việc yêu cầu xếp lớp với số lượng quá đông, vượt quá quy định và đi ngược lại xu hướng của nền giáo dục phát triển.

Ngày 18/7/2019, Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận ra văn bản số 1667/SNV-TCCC về việc rà soát, sắp xếp lớp, học sinh/lớp theo định mức năm học 2019-2020.

Theo đó, đối với cơ sở giáo dục tiểu học là 35 học sinh/lớp và đối với cơ sở giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 học sinh/lớp.

Cũng phải khẳng định ngay rằng, việc yêu cầu xếp 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận không trái với Điều lệ trường học đã quy định.

Điều lệ trường học quy định, số lượng học sinh tối đa là 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với 2 bậc học còn lại.

Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của nhiều địa phương trong tỉnh thì không đảm bảo nhiều tiêu chí cơ bản và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh cũng như chất lượng giáo dục.

Ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận gặp khó khăn trước thềm năm học mới  ​ ảnh 3
Không đánh đổi chất lượng để đạt mục tiêu dồn dịch trường lớp

Hiện, toàn tỉnh vẫn còn rất nhiều những phòng học xây dựng theo tiêu chuẩn cũ trước đây.

Diện tích trung bình mỗi phòng học không quá 50 mét vuông.

Với không gian phòng học như vậy, bố trí 45 học sinh/lớp thực sự là quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh cũng như gây khó khăn rất lớn cho việc tổ chức các hoạt động dạy học theo phương pháp dạy học tích cực

Để bố trí được 45 học sinh/lớp, phòng học tối thiểu phải đủ 67,5 mét vuông theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam (1.5 mét vuông/1 học sinh).

Về công tác y tế trường học quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên bộ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo thì đa số các phòng học tại địa bàn tỉnh Bình Thuận đều không đạt chuẩn.

Vì vậy, việc dồn số lượng học sinh theo yêu cầu sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển mọi mặt của học sinh.

Hiện nay, hệ thống các trường học đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia quy định số học sinh tối đa trên lớp đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn 40 học sinh.

Đối với bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp.

Với yêu cầu xếp lớp như trên, các trường học trên địa bàn Bình Thuận (trừ bậc tiểu học) gần như không đạt được.

Về tổ chức dạy học, người giáo viên không thể nào tổ chức dạy học hiệu quả với một số lượng học sinh bậc phổ thông có tới 45 em/lớp trong một khuôn viên lớp chật chội như thế.

Học theo phương pháp dạy học mới lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên không chỉ đứng giảng bài và học sinh chỉ khoanh tay lên bàn ngồi nghe.

Giáo viên không chỉ đọc và học sinh không chỉ việc ngồi chép…

Thầy cô phải tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trong giờ học như học theo nhóm nhỏ, nhóm lớn, các nhóm học tương tác trực tiếp với nhau, đôi khi lớp học lại biến thành sân khấu để các em hóa trang thành nhân vật trong các hoạt cảnh, các tiểu phẩm…

Nhưng với phòng học diện tích đã nhỏ, sĩ số học sinh quá đông như hiện nay thì việc tổ chức các hoạt động dạy học là điều khó thực hiện được.

Đã có giáo viên phản ánh rằng, lớp học 45 em, sẽ phải chia thành 7-8 nhóm học tập, giáo viên không còn một chỗ để di chuyển đến các nhóm quan sát, nghiệm thu.

Nhìn ra nền giáo dục các nước phát triển, sĩ số trung bình chỉ ở mức tối đa 25 học sinh/lớp.

Ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận gặp khó khăn trước thềm năm học mới  ​ ảnh 4
Chương trình mới sẽ giải quyết sĩ số đông như quân Nguyên bằng cách nào?

Việc bắt buộc xếp lớp theo văn bản 1667/SNV-TCCC về việc rà soát, sắp xếp lớp, học sinh/lớp theo định mức năm học 2019-2020 của Sở Nội vụ Bình Thuận có thể chính là cách để buộc ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận phải tinh giản biên chế để giải quyết giáo viên dôi dư.

Tuy nhiên, cách làm này lợi bất cập hại, trực tiếp đẩy ngành giáo dục rơi vào tình thế khó khăn do những sai lầm của việc quy hoạch mạng lưới giáo dục của tỉnh trước đây.

Được biết, hiện nay, ngày Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận dôi dư hàng trăm giáo viên đặc biệt là giáo viên bậc trung học phổ thông.

Đây là hậu quả của việc quy hoạch đào tạo từ nhiều năm trước, khi tỉnh Bình Thuận ồ ạt đưa đi đào tạo giáo viên (những người không đủ chuẩn) để vào trường sư phạm trong thời điểm đó.

Nhiều giáo viên hiện nay còn chua chát mỉa mai, sư phạm đồi dương (ám chỉ những lớp sư phạm mà tỉnh liên kết với trường đại học mở tại Đồi Dương, Phan Thiết).

Hậu quả lớn nhất là việc những sinh viên tốt nghiệp, được đào tạo bài bản ở trường sư phạm không được tuyển dụng vì phải nhường chỗ cho hàng nghìn giáo viên cử tuyển của tỉnh với đầu vào trước đó vô cùng thấp.

Hậu quả là, chất lượng đội ngũ giáo viên kém đi, nguồn lực tài chính cạn kiệt do phải chi trả cho việc đào tạo giáo viên tại chỗ.

Và đáng tiếc nhất là, thế hệ học sinh hiện tại buộc phải gánh chịu những hệ lụy không đáng có của những sai lầm trong việc hoạch định đội ngũ giáo dục trước đây.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-13-2016-TTLT-BYT-BGDDT-huong-dan-thuc-hien-cong-tac-y-te-truong-hoc-295062.aspx

Hùng Dũng