Nếu tuyển sinh không phân tuyến, nhà trường sẽ đối mặt với những khó khăn nào?

02/04/2023 06:33
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số lãnh đạo trường trung học cơ sở đã có những băn khoăn trước việc nếu thực hiện tuyển sinh đầu cấp không phân tuyến. 

Đề xuất thí điểm không phân tuyến tuyển sinh đầu cấp lớp 1 và lớp 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh học sinh và các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước.

Với phụ huynh, việc không phân tuyến được kỳ vọng sẽ giảm áp lực "chạy" hộ khẩu, giấy tạm trú, cả "chạy trường - chạy lớp" cho con trước mỗi mùa tuyển sinh.

Vậy đối với các nhà trường thì sao, sẽ cần chuẩn bị như thế nào và phải đối mặt với những khó khăn gì nếu đề xuất trên tiến tới thực hiện nhân rộng?

Bình luận về vấn đề trên, cô Đặng Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, tại một quận, huyện thường có những trường "top đầu" nên nếu không phân tuyến tuyển sinh, phụ huynh học sinh sẽ cho con em vào nơi đây học. Đối với những trường "top dưới", sẽ ít học sinh lựa chọn học.

Nếu không tính đến hộ khẩu, với những trường có nhiều học sinh lựa chọn sẽ khiến nhà trường khó đáp ứng được cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học...

"Ví như trường tôi hiện đang chỉ đáp ứng đủ khoảng hơn 100 học sinh khối lớp 6. Dựa trên hộ khẩu thường trú tại địa phương, hằng năm nhà trường tuyển sinh có thể dự đoán được khoảng bao nhiêu em vào lớp 6.

Còn nếu không phân tuyến, đơn vị sẽ khó trong việc nắm bắt có bao nhiêu em có thể lựa chọn nhà trường để nộp hồ sơ. Nhà trường cũng khó để chuẩn bị cơ sở vật chất... để chuẩn bị cho năm học mới", cô Vân Anh chia sẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Nội mới

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Nội mới

Nêu ý kiến về đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một Hiệu trưởng trường trung học cơ sở tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, nếu phân bố chỗ học dựa vào chỗ ở thực tế của học sinh thì sẽ phù hợp với điều kiện như hiện nay của một số thành phố lớn, đông dân, đông học sinh và cũng hợp lòng dân. Bởi lẽ, điều này giúp phụ huynh giảm bớt các thủ tục để lựa chọn cho con học trường công lập tốt, có chất lượng ở gần nhà.

Với gia đình ở gần trường học nào đó nhưng không có hộ khẩu, họ sẽ không phải lo lắng về việc "chạy hộ khẩu" hoặc "chạy trường" cho con. Việc không phân tuyến cũng giúp học sinh được lựa chọn trường mà bản thân các em yêu thích.

Về phía nhà trường, việc không phân tuyến cũng giúp trường giảm áp lực vào mùa tuyển sinh, khi phải xác minh hộ khẩu của các em.

"Từng có trường hợp nhiều học sinh có hộ khẩu ở cùng một địa chỉ nhà. Tuy nhiên, khi nhà trường đi xác minh, gia đình đó không có con em trong độ tuổi đi học", vị này chia sẻ.

Đó là về những điểm tích cực, nhưng nữ giáo viên này cũng đánh giá, nếu thực hiện đề xuất trên, cũng xuất hiện khó khăn với mỗi nhà trường. Đó là, nếu không phân tuyến, số lượng học sinh trái tuyến tăng thêm, kéo theo sự khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên…ảnh hưởng đến là kết quả giảng dạy.

"Đồng thời, mỗi nhà trường và giáo viên bắt buộc phải đầu tư về chuyên môn và cơ sở vật chất để thu hút học sinh, bởi không phân tuyến nghĩa là phụ huynh và học sinh được lựa chọn trường mà họ mong muốn", vị này cho hay.

Việc không phân tuyến mà tuyển sinh dựa vào nơi cư trú ở gần trường nào nhất sẽ học trường đó cũng làm nảy sinh việc tìm mua nhà gần trường "hot".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, thực tế, phụ huynh có hộ khẩu tại địa phương có thể "ung dung" cho con vào trường công lập gần nhà có chất lượng giảng dạy tốt. Đối với phụ huynh không có hộ khẩu, họ có thể sẽ mua nhà để là cư dân địa phương hoặc "chạy" vào trường qua quen biết.

"Nếu không phân tuyến, trường công lập có chất lượng giảng dạy tốt vẫn "hot", bởi càng nhiều phụ huynh lựa chọn. Điều đó, buộc các trường công lập phải nâng cao chất lượng để thu hút học sinh, đó là mặt tốt.

Còn mặt tiêu cực là sẽ có tình trạng đổ dồn vào trường, lớp có chất lượng tốt. Từ đó đặt ra câu hỏi cơ quan quản lý phải có sự kiểm soát chặt chẽ, tính phương án để có sự cân bằng tuyển sinh giữa các trường", Phó Giáo sư Trần Thị Hiền Lương đánh giá.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở sẽ đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố thí điểm không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6 trong năm học 2023-2024 tại ba địa phương là Thành phố Thủ Đức, Quận 8 và Quận Tân Bình.

Theo đó, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học cho học sinh lớp 1, lớp 6 dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình các em, không phân biệt hộ khẩu hay địa giới hành chính phường, xã. Việc bố trí chỗ học cho học sinh đầu cấp sẽ có sự hỗ trợ của hệ thống bản đồ GIS (hệ thống bản đồ số trong đó có tương tác trực quan hóa thông tin không gian) để xác định đoạn đường từ nhà học sinh đến trường.

Mạnh Đoàn