Báo chí viết cho trẻ em đang ngày càng phát triển rộng rãi ở hầu hết các loại hình. Các trang báo in có thể kể đến: Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím... Ở hầu hết các đài địa phương đều có những chuyên mục cho trẻ em liên quan đến thơ văn. Truyền hình cũng phát triển rầm rộ các mục chia sẻ cảm xúc, tâm lí trẻ em...
Tuy nhiên, những bất cập và hạn chế trong báo chí viết cho trẻ em hiện nay vẫn còn là vấn đề nan giải làm đau đầu các toà soạn báo chí và các nhà truyền thông.
Nếu tôi là hiệu trưởng một trường đào tạo báo chí, tôi sẽ chú trọng rèn luyện cho sinh viên kỹ năng viết báo cho trẻ em. Tôi sẽ đưa ra một chuyên đề bắt buộc Viết báo cho trẻ em.
Trong chuyên đề này, sinh viên báo chí phải học kĩ năng trò chuyện, lắng nghe và giao tiếp với trẻ em. Đưa sinh viên đến các trung tâm của trẻ em để sinh viên tiếp xúc, hoà nhập, chia sẻ cảm xúc với trẻ. Chỉ có như vậy, sinh viên mới thực sự hiểu trẻ em cần gì, mong muốn gì. Sinh viên phải được huấn luyện các kĩ năng để tìm và viết được các đề tài dành cho trẻ em. Một tác phẩm báo chí cho trẻ em không đơn thuần là việc cung cấp thông tin nữa mà đó còn là sự thấu hiểu cảm xúc của mọi lứa tuổi các em.
Mỗi năm, khi mùa hè đến, tôi sẽ liên kết với một số trường tiểu học hoặc trung học cơ sở mở lớp viết báo Phóng viên nhí dành cho trẻ em. Tại các lớp này, người tham gia học chính là các em học sinh ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền. Trong 3 tháng hè, các nhà báo ở các toà soạn sẽ được mời đến để trò chuyện giao lưu cùng các em. Và người dạy các em lí thuyết viết báo chính là các bạn sinh viên.
Đây là một lớp học và cũng chính là một sân chơi bổ ích cho các em học sinh và các bạn sinh viên. Thành công của khóa học chính là kết quả học của các bạn nhỏ mà cụ thể là các tác phẩm báo chí được chọn lọc để đăng dần trên các số báo. Tôi nghĩ, khi mở một lớp học như vậy là góp phần thực tập về môn học cho các bạn sinh viên báo chí và bồi dưỡng các nhà báo nhí trở thành các nhà báo trẻ tương lai.
Và, quan trọng hơn, tôi muốn tổ chức cho sinh viên các cuộc thi viết báo cho trẻ em nhân các dịp Tết thiếu nhi, tết Trung thu, năm học mới hay kì nghỉ hè sắp tới. Đó vừa là sân chơi và cũng là đào tạo cách viết chuyên nghiệp cho sinh viên khi viết báo cho trẻ em.
Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.
Chủ đề tuần này (1-10/6): Báo chí với trẻ em
Xem chi tiết về tiểu mục tại đây
Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn