Nếu dịch bệnh kéo dài, các con lớp 1 nên tạm lùi ngày học?

20/08/2021 06:56
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ý kiến cho học sinh lớp 1-2 học buổi tối để phụ huynh kèm, nhưng thực tế chúng tôi thấy trẻ thường không thích học nhiều vào buổi tối, đó là đặc điểm tâm lí.

Với trẻ mẫu giáo, bước chân vào lớp 1 là dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Đáng nói là ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, rất có thể trẻ sẽ phải học online ngay từ những buổi đầu tiên, đây cũng là vấn đề mà nhiều phụ huynh cũng như giáo viên khá lo lắng khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến ngày khai giảng năm học mới. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành chưa thể xác định được ngày tựu trường. Trong khi đó, Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường tại Hà Nội vẫn chưa có phương án cụ thể.

Chị Kim Anh (Đống Đa, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 đã cho biết: “Không biết ngành Giáo dục Hà Nội tính toán thế nào cho các con lớp 1 năm nay? Trường của con tôi hiện nay vẫn chưa có thông báo kế hoạch giảng dạy của lớp 1, đến hồ sơ nhập học của các con vẫn chưa nộp đủ. Trường chỉ nói là vẫn đợi ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục, như vậy thì lo quá vì sắp vào năm học rồi.

Tôi thấy việc học trực tuyến với các con lớp 1 là rất hình thức, không hiệu quả, các con không tiếp thu được gì vì đây là lứa tuổi cần hướng dẫn trực tiếp từng nét bút, từng cách đánh vần, chỉ mới dạy con mấy buổi trong đợt hè vừa qua là đã thấy cả nhà phải “đánh vật” với việc học nhưng các con không tập trung nổi, giờ mà phải học trực tuyến khi con chưa biết gì thì còn khổ thế nào nữa”.

Ý thức tự học của các con lớp 1 chưa cao dẫn đến việc học trực tuyến không hiệu quả. Ảnh minh họa: Như Ý.
Ý thức tự học của các con lớp 1 chưa cao dẫn đến việc học trực tuyến không hiệu quả. Ảnh minh họa: Như Ý.

Chị Thu Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “ Cháu lớn nhà tôi học lớp 3, năm ngoái có thời gian cháu phải học trực tuyến nên tôi thấy việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, nhất là các con tiểu học không mấy hiệu quả, chỉ mang tính hình thức, đối phó vì bài dạy của giáo viên qua mạng không có cải tiến so với dạy trực tiếp, vẫn là cô giảng bài, viết lên bảng hoặc trình chiếu giáo án điện tử. Bây giờ chỉ còn thời gian ngắn là vào năm học mới, bắt con trẻ lớp 1 học trực tuyến trong khi vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng thì không nên”.

Hơn 50 học sinh một lớp thì việc dạy trực tuyến sẽ rất khó

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Hải Yến - Giáo viên dạy lớp 1 tại một trường tiểu học công lập ở Hà Nội, cô Yến chia sẻ : “Trong giai đoạn trước các con phải học trực tuyến, bản thân tôi cũng nhận diện được những học sinh của mình nhiều em có sự bứt lên về năng lực tự học. Việc học trực tuyến tuy không hiệu quả so với học tại trường, nhưng nó tạo cho học sinh duy trì môi trường giao tiếp, các con có cơ hội chia sẻ với nhau về những trải nghiệm ngay trong giai đoạn này. Nhưng muốn được như vậy thì các con phải có thời gian học trực tiếp trước, rồi sau đó mới có thể đáp ứng được với học trực tuyến.

Bản thân mỗi học sinh cần được hình thành năng lực giao tiếp nhất là học sinh lớp 1. Năng lực này được tạo ra từ không gian của lớp học và là điều kiện để học sinh bộc lộ năng lực, nhưng mặt khác về kiến thức và kỹ năng của môn học thì hoàn toàn khó có thể đảm bảo được nếu học trực tuyến. Thời điểm năm nay chúng tôi có khó khăn hơn bởi năm trước các con đã có thời gian học trực tiếp trên lớp, sau đó phải nghỉ phòng dịch nhưng phần nào các con đã có được một số kĩ năng cơ bản phục vụ cho việc học trực tuyến, nhưng năm nay việc đó là không thể.

Hơn nữa, sĩ số học sinh của chúng tôi cũng như nhiều trường khá cao, với những lớp có trên 55 - 60 cháu thì việc dạy trực tuyến sẽ rất khó khăn, không thể đạt hiệu quả được. Bình thường, học sinh đến lớp học trực tiếp giáo viên đã rất khó khăn trong việc ổn định khi trẻ còn ngỡ ngàng với môi trường mới. Nay lại yêu cầu các con ngồi yên, ngay ngắn trước màn hình máy tính làm quen với các bạn là điều rất khó chưa nói đến việc truyền đạt kiến thức.

Năm trước, thời gian đầu chúng tôi sắp xếp cho học sinh học trực tuyến vào buổi tối với mục đích để các con có được sự hỗ trợ từ phụ huynh, nhưng sau một thời gian ngắn thì chính từ những phản hồi của phụ huynh cùng với thực tế là cha mẹ các em cũng khó có được các kĩ năng để làm “giáo viên” cho con mình, hơn nữa không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua các thiết bị thông minh có màn hình lớn thích hợp với việc học, rồi đường truyền kém cũng là một trở ngại.

Và nếu chỉ học buổi tối thì không đủ thời gian cho tất cả các môn học, vào lớp trực tuyến cũng mất khá nhiều thời gian để ổn định các con, rồi làm quen mặt chữ, tập đọc… riêng phần tập viết thì giáo viên chúng tôi không thể uốn nắn các con được, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh mà thôi, như vậy cũng có cái được và chưa được bởi mỗi phụ huynh sẽ dạy theo một kiểu, không đúng quy chuẩn sư phạm.

Việc dạy học trực tuyến sẽ đảm bảo được một phần nào đó về mặt kiến thức, nhưng giáo viên cần phải xây dựng hướng dẫn tự học thật dễ hiểu đối với học sinh, dễ thực hiện trong việc hoàn toàn trông vào sự hỗ trợ của cha mẹ các em. Những hướng dẫn tự học cần được gửi cho phụ huynh từ cuối tuần học trước để cha mẹ và các con có thời gian sắp xếp”.

Thầy cô triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học trên máy tính quá nhiều, như vậy hiệu quả sẽ không cao. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Thầy cô triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học trên máy tính quá nhiều, như vậy hiệu quả sẽ không cao. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trẻ con thường không thích học nhiều vào buổi tối

Về vấn đề này, cô P.T.T – Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, theo cô P.T.T : “Không những ở Hà Nội mà hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước cùng chung tình trạng dịch bệnh có diễn biến phức tạp và cũng không biết kéo dài đến bao giờ.

Tôi khá lo lắng bởi ở lớp 1 thì chủ yếu là đọc, viết. Học trực tuyến thì rất quan trọng việc đọc, học sinh phải đọc thông thì mới giải quyết được các môn học khác. Không ai có thể khẳng định được học trực tuyến mà lại đạt được chất lượng như học trực tiếp. Còn nói việc cầm tay uốn nắn các con viết chữ thì giáo viên không thể làm được rồi.

Hơn nữa, năm học 2021-2022 là năm thứ hai các trường tiểu học thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, đây chính là nguyên nhân khiến phụ huynh và cả giáo viên dè dặt khi nói về phương án học trực tuyến. Tôi cho rằng năm học mới vẫn có thể bắt đầu từ tháng 9 đối với các lớp 6 đến lớp 12 vì các em đã lớn, ý thức học tập cao. Tuy nhiên, lớp 1 mà bắt học trực tuyến ngay từ ngày đầu thì rất dễ làm cho học sinh "hụt hơi" bởi các em chưa được làm quen với trường lớp, với thầy cô giáo, chưa được hướng dẫn phương pháp học tập hoàn toàn mới.

Về phía gia đình, ngoài khó khăn về phương tiện cho các con học trực tuyến, cũng nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình, họ vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của các con ở nhà…Và cũng không thể ngồi học cùng con cả ngày được.

Về phía các nhà trường, các thầy cô triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học trên máy tính quá nhiều, như thế hiệu quả sẽ không cao. Còn có ý kiến nên cho học sinh lớp 1 - 2 học buổi tối để phụ huynh có thời gian kèm nhưng thực tế chúng tôi nhận thấy trẻ con thường không thích học nhiều vào buổi tối, đó là đặc điểm tâm lý. Hơn nữa không thể đủ thời lượng cho những môn học.

Theo tôi nếu dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp thì đối với các con lớp 1 năm nay nên tạm lùi năm học lại 1-2 tháng, cho đến khi các con được phép đến trường, lúc đó giáo viên sẽ trang bị kiến thức cơ bản theo hướng giảng dạy trực tiếp trên lớp, tạm đọc thông viết thạo, rồi từ đó mới có kĩ năng để học trực tuyến nếu tình huống “xấu” xảy ra”.

Trên tienphong.vn, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi nói về thực tế này cũng khẳng định: “Học sinh lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết. Giáo viên buộc phải tương tác trực tiếp, cầm tay, nắn chữ để dạy những chữ cái, chữ số đầu tiên cho các em. Việc dạy học trực tuyến không thể áp dụng máy móc khiến học sinh bị thiệt thòi”.

Theo ông Tài: Trong trường hợp bất khả kháng đối với một hoặc một số địa phương không thể cho học sinh lớp 1 đến trường đúng thời gian quy định thì Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Giáo dục và Đào tạo để có ưu tiên cho lớp 1 được nới rộng khung thời gian năm học, giúp học sinh được học tập tương tác trực tiếp với giáo viên.

Ông Tài khẳng định: “Học sinh lớp 1 là đối tượng đặc biệt khi vừa chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học, nên phải đặt quyền lợi học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Các địa phương cần căn cứ tình hình dịch bệnh để tính toán phân khu, phân luồng đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường, tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến.

Khi linh động hết thời gian cho phép, địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế đến từng huyện, từng trường, không nhất thiết phải thực hiện việc tựu trường cùng lúc trên toàn tỉnh. “Trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài, địa phương có thể báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án phù hợp, trong đó lớp 1 sẽ được tạo điều kiện ưu tiên”, ông Tài nói.

Ông Tài nói thêm, các địa phương nếu buộc phải dạy học trực tuyến, nhà trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Điều này nhằm giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc.

Tài liệu tham khảo: https://tienphong.vn/han-che-day-hoc-truc-tuyen-doi-voi-lop-1-post1364952.tpo

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương