Nếu có Nghị quyết riêng cho GDĐH, đầu tư trọng tâm cần là một nội dung cốt lõi

10/09/2024 06:19
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nghị quyết dành riêng cho GDĐH với nội dung đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo ra bước đột phá, giúp hệ thống GDĐH Việt Nam nâng cao chất lượng.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học tổ chức vào ngày 09/08/2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. [1]

Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. [2]

Trước thực tế này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bày tỏ quan ngại về mức chi ngân sách cho giáo dục đại học tại Việt Nam bởi mức chi này đang ở mức quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ cho biết, con số này không chỉ thấp hơn nhiều so với các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho giáo dục, mà còn ở mức cực kỳ khiêm tốn khi so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo thầy Thọ, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển đất nước.

Để đạt được bước đột phá đó, thầy Thọ cho rằng cần phải có sự đầu tư thỏa đáng vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cao cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

Cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm thay vì dàn trải nguồn lực mỏng manh

Muốn giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng chi ngân sách, cần tăng hiệu quả chi thường xuyên và chi đầu tư cho giáo dục đại học. Đối với tăng hiệu quả chi đầu tư cho giáo dục đại học, cần đến đầu tư có chọn lọc và trọng tâm, trọng điểm. Qua đó giúp các dự án đầu tư sớm được đưa vào khai thác, phát huy tác dụng. Tránh việc đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, gây lãng phí.

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc tập trung đầu tư trọng tâm vào các lĩnh vực chiến lược, các trường đại học có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và các chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là vô cùng cần thiết.

Thầy Tiệp tin rằng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động, đồng thời thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, thầy Tiệp cũng lưu ý, việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm không có nghĩa là bỏ qua các lĩnh vực hay cơ sở giáo dục khác. Mọi khía cạnh của hệ thống giáo dục đều cần được quan tâm để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Ngày 15/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chính thức được ban hành.

Bàn về vấn đề này, thầy Tiệp cho biết, bản quy hoạch chưa được chính thức ban hành khiến cho các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và nâng cao chất lượng đào tạo do thiếu cơ sở pháp lý.

“Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, các trường đại học cần được đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cũng như chương trình đào tạo để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và các yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng.

Do đó, việc sớm ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là điều cấp bách và cần thiết. Điều này không chỉ giúp các trường có căn cứ pháp lý để phát triển bền vững mà còn nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa”, thầy Tiệp nói.

19bd18b7658dc6d39f9c.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ đã nhắc lại quan điểm, mục tiêu của việc lập quy hoạch trong Quyết định số 209/QĐ-Ttg Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bao gồm:

"Quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo, phát triển các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt, hình thành một số đại học, trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới.

Quy hoạch làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đảm bảo khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả".

Với những mục tiêu trên, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang rất mong chờ bản quy hoạch này được phê duyệt và triển khai. Khi bản quy hoạch được công bố, các trường đại học sẽ hiểu rõ vị trí hiện tại của mình và định hướng phát triển trong tương lai, từ đó điều chỉnh để phù hợp với tổng thể hệ thống giáo dục đại học quốc gia.

Đặc biệt, đối với những cơ sở giáo dục được quy hoạch là trọng điểm quốc gia, sẽ có thêm cơ hội để lập các dự án đầu tư trọng điểm, giúp các trường vươn tầm khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao vị thế giáo dục đại học Việt Nam. Việc phê duyệt quy hoạch này cũng sẽ giúp Nhà nước có định hướng đầu tư trọng tâm hơn, góp phần đưa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Được đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp trường đại học “gỡ” khó

Dự thảo báo cáo tóm tắt về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề xuất Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 2 trong 18 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp, nếu chính thức trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Trước hết, về tài chính và cơ sở vật chất, khi trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự đầu tư lớn hơn từ ngân sách nhà nước cũng như các nguồn tài trợ khác. Sự đầu tư này sẽ giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, góp phần cải thiện công tác giảng dạy và nghiên cứu. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn cần đến sự đổi mới và ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, việc trở thành cơ sở trọng điểm sẽ giúp Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự đầu tư lớn sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu hàng đầu từ cả trong nước và quốc tế, từ đó không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đưa học viện tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu của quốc gia.

Ngoài ra, việc được đầu tư trọng điểm sẽ giúp học viện giải quyết những vướng mắc trong công tác đào tạo hiện nay. Thầy Tiệp tiết lộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cập nhật chương trình đào tạo và phát triển các ngành nghề mới nhằm đáp ứng xu thế công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu. Sự đầu tư này sẽ tạo điều kiện cho học viện tăng cường hợp tác quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo và áp dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy và nghiên cứu, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ cũng chia sẻ, dù Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới chỉ được đề xuất vào danh mục quy hoạch cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, nhưng thực tế, trường đã và đang đảm nhận vai trò này trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý. Trường đã là trung tâm tư vấn chính sách uy tín cho Đảng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế và quản lý vĩ mô, là đơn vị tư vấn về quản trị tin cậy cho các đơn vị, tổ chức.

“Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có được đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng tốt. Trường đã được kiểm định và công nhận chất lượng theo chuẩn quốc tế FIBAA. Đồng thời, trường cũng đã đăng ký là thành viên của AACSB, một Hiệp hội phát triển giảng dạy kinh doanh bậc đại học của Hoa Kỳ. Tiến tới, trường sẽ thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của AACSB. Do vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng tốt, đã có các tiền đề để vươn tầm quốc tế”, thầy Thọ khẳng định.

Tuy nhiên, thầy Thọ cho hay, để đạt được mục tiêu quốc tế hóa một cách nhanh chóng, trường cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác ngoài học phí và các khoản thu hiện có. Nếu được chính thức quy hoạch vào danh mục các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để đề xuất các dự án đầu tư trọng điểm bằng nguồn vốn ODA hoặc ngân sách nhà nước. Điều này sẽ giúp trường phát triển nhanh chóng, đạt chuẩn quốc tế và trở thành một đơn vị điển hình trong hệ thống các trường đại học trọng điểm của quốc gia.

Cần có Nghị quyết riêng cho giáo dục đại học để tạo đà phát triển

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ đề cập tới việc ban hành một nghị quyết riêng dành cho giáo dục đại học. Thầy nhấn mạnh rằng nghị quyết này sẽ giúp tháo gỡ các ràng buộc hiện hành, tạo điều kiện cho các trường phát triển tối đa tiềm lực.

Theo Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nghị quyết cần tập trung vào việc mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng, cho phép các trường đại học phát triển một cách độc lập hơn, trong khi cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ quản lý vĩ mô, điều tiết và thanh tra.

Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp cũng đồng tình rằng cần ban hành một nghị quyết riêng cho giáo dục đại học. Giáo dục đại học không chỉ là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nếu nghị quyết này được ban hành, thầy Tiệp cho rằng việc xác định đầu tư trọng tâm, trọng điểm là một trong những nội dung cốt lõi. Cụ thể:

Thứ nhất, xác định các cơ sở giáo dục đại học trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết cần đưa ra tiêu chí rõ ràng để xác định các trường đại học trọng điểm, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư vào các trường có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực cụ thể và của quốc gia.

Thứ hai, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược. Nghị quyết cần xác định rõ các lĩnh vực, ngành nghề có vai trò chiến lược trong quá trình phát triển đất nước, từ đó tập trung đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học trọng tâm, trọng điểm này.

Thứ ba, tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế. Một phần quan trọng của đầu tư trọng tâm, trọng điểm là tạo điều kiện cho các trường đại học mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận với các mô hình giáo dục tiên tiến, thu hút chuyên gia, giảng viên quốc tế và tham gia vào các dự án nghiên cứu quy mô lớn.

Thứ tư, cải thiện cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ. Nghị quyết cần đưa ra các chính sách tài chính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào giáo dục đại học, đồng thời đảm bảo sự phân bổ công bằng và hiệu quả nguồn lực.

“Nhìn chung, một nghị quyết dành riêng cho giáo dục đại học với nội dung đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo ra bước đột phá, giúp hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới”, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9705

[2]: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8732

Châu Anh