Vậy là năm 2018 đã kết thúc. Thời gian trôi đi quá nhanh, tưởng chừng không đủ để ghi nhận hết những sự kiện buồn, vui, thắng, bại đã diễn ra bề bộn trong cuộc sống thường nhật của mỗi một cá thể, cộng đồng, quốc gia.
Nó khiến chúng ta khó có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, nhất là những sự kiện liên quan đến tình hình Biển Đông;
Bởi nơi đây đã và đang tồn tại những tranh chấp rất phức tạp và nhạy cảm giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực, mà theo nhận định của nhiều người, có thể đẩy nhân loại đến bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Quan hệ Mỹ - Trung đã trở thành yếu tố chủ đạo có tác động đến “nhiệt độ” Biển Đông.
Đánh giá về những diễn biến liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tình hình Biển Đông năm 2018, giới quan sát và phân tích hầu như đều có chung một nhận xét:
Biển Đông “nóng” hay “nguội” chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của cuộc tranh chấp địa - chính trị, địa - chiến lược, địa - kinh tế, trên phạm vi toàn cầu mà trực tiếp là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ
Chiến lược đã nêu rõ rằng, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thông qua một chiến lược mới để ngăn chặn chiến lược bành trướng của Trung Quốc mà theo đánh giá của Tổng thống Donal Trump, các Tổng thống tiền nhiệm đã không có được một chiến lược rõ ràng và hiệu quả.
Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đầu năm 2018, Tổng thống Donal Trump đã ký ban hành luật gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ thời Ronald Reagan – 716 tỷ USD để mở rộng sự thống trị quân sự của Mỹ trong mọi chiến trường.
Mỹ đang hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân, đang triển khai và phát triển những chiến đấu cơ và máy bay ném bom tối tân, đang xây dựng một thế hệ tàu sân bay và tàu chiến mới và đang đầu tư vào các lực lượng vũ trang ở mức chưa từng có.
Trong đó bao gồm việc xúc tiến thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ để đảm bảo sự thống trị liên tục trong không gian và cho phép tăng cường năng lực trong thế giới mạng để xây dựng sự răn đe với các đối thủ của Mỹ.
Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định lợi ích của Mỹ trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thực thi tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Dư luận từng có quan điểm cho rằng việc ông Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP là động thái cho thấy Mỹ có thể bỏ rơi lợi ích của đồng minh và đối tác tại Biển Đông;
Mục đích là để đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc gây sức ép mạnh hơn với Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, những gì đã xảy ra liên quan đến quan hệ Mỹ - Triều, Trung - Triều…, trước và sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12/06/2018 đã chứng minh điều ngược lại.
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến nay vẫn chỉ là con “át chủ bài” mà Bắc Kinh đang sử dụng để mặc cả với Mỹ.
Vì vậy, lập trường của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc đã cứng rắn và thực tế hơn trước. Cụ thể là:
Tổng thống Trump đã chọn dịp họp Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (10/11/2017) để tuyên bố tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thay thế chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Tổng thống Obama.
Tuy tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn chưa rõ, nhưng các mảnh ghép của bàn cờ chiến lược mới đang định hình.
Ngày 25/9/2018, Tổng thống Donald Trump đã đọc diễn văn tại Đại hội Đồng Liên hợp Quốc, tố Trung Quốc can thiệp vào bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Ngày 30/9/2018, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Terry Branstad cũng đăng một bài trên báo Des Moines Register với lời lẽ mạnh mẽ hiếm có, lên án Trung Quốc đã lợi dụng tự do ngôn luận và truyền thống tự do báo chí của Mỹ để tấn công Tổng thống Mỹ.
Lập trường cứng rắn của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang được nhiều người Mỹ đồng tình ủng hộ…
Ngày 4/10/2018, Phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng (dài 40 phút) về chính sách Trung Quốc tại Hudson Institute.
Bài diễn văn của Mike Pence như “một lời tuyên chiến”, đặt Bắc Kinh vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Mỹ - Trung.
Nói cách khác, người Mỹ đã tỉnh ngộ và tìm cách "tính sổ" với Trung Quốc.
Ngày 9/11/2018, Phó tổng thống Mike Pence có bài viết đăng trên Washington Post, để cụ thể hóa hơn chiến lược mới của Mỹ, trong đó có chính sách tăng cường phân hóa các nước khu vực, nhằm cô lập Trung Quốc, trước khi ông thay mặt Tổng thống đi Châu Á để dự họp cấp cao ASEAN, EAS và APEC (tại Singapore và Port Moresby).
Quan hệ Trung - Mỹ sẽ căng thẳng hơn sau 90 ngày đình chiến? |
Theo Mike Pence, chiến lược Indo-Pacific của Mỹ dựa trên “ba trụ cột chính”.
Trụ cột thứ nhất là “thịnh vượng” (prosperity).
Mỹ đã ký các hiệp định thương mại song phương mới với nguyên tắc “tự do, công bằng, có đi có lại” với Hàn Quốc, Mexico và Canada (sắp tới với Nhật Bản).
Mỹ sẽ đầu tư lớn hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Mike Pence nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp chứ không phải quan chức chính phủ sẽ dẫn đầu các nỗ lực này vì các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước không có năng lực xây dựng sự thịnh vượng lâu dài.
Tổng thống Trump vừa ký luật “Build Act” để lập ra quỹ viện trợ phát triển IDFC (International Development Finance Corporation) với ngân sách 60 tỷ USD.
Mỹ cam kết giúp xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại cho khu vực.
Nhưng Mỹ chỉ giúp các dự án nào mang lại lợi ích cụ thể cho nước chủ nhà cũng như cho Mỹ.
Trụ cột thứ hai là an ninh. Mỹ sẽ hợp tác với “các nước cùng chí hướng” để đối phó với “các mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay đối với khu vực”.
Mỹ sẽ viện trợ mới để giúp các nước khu vực bảo vệ biên giới của họ (trên bộ, trên biển và không gian mạng).
Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với các đồng minh và đối tác để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các cuộc tập trận chung vừa qua với Nhật Bản và Ấn Độ đã khẳng định sự cam kết tiếp tục của Mỹ.
Trụ cột thứ ba là ủng hộ các “chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, pháp quyền và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tin ngưỡng”.
Các nước nào trao quyền cho công dân, hỗ trợ xã hội công dân, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền là “những ngôi nhà vững chắc cho nhân dân nước họ và là đối tác tốt của Mỹ”.
Ngược lại, nước nào “đàn áp nhân dân, vi phạm chủ quyền các nước láng giềng”, với chế độ chuyên chế và xâm lược sẽ không có chỗ đứng trong khu vực.
Về kinh tế, thương mại, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại bằng việc áp đặt thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, với mức thuế cao nhất nhắm vào các ngành công nghiệp tiên tiến mà Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt và kiểm soát.
Mỹ nên khôi phục sự hiện diện hải quân thường xuyên ở Biển Đông |
Và Washington sẽ áp thêm nhiều loại thuế nữa, với khả năng tăng hơn gấp đôi con số đó, trừ khi đạt được một thỏa thuận công bằng và có đi có lại.
Hành động của Mỹ đã có tác động lớn. Thị trường chứng khoán lớn nhất Trung Quốc giảm 25% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Mỹ sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt hành vi Washington gọi là "trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, bóc lột là cưỡng bức chuyển giao công nghệ".
Mỹ cũng đang sắp xếp lại các chương trình tài chính và phát triển quốc tế, mang lại cho các quốc gia nước ngoài một lựa chọn thay thế minh bạch và công bằng thay vì chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc…
Tuy nhiên, gây ra cuộc chiến thương mại bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ cũng chỉ là một trong những mục tiêu lớn của Washington nhằm vào Trung Quốc như “phần nổi của tảng băng chìm”.
Mỹ không chỉ dùng chiến tranh thương mại, mà còn đang triển khai một cuộc chiến tổng lực để đối phó với Trung Quốc…
Quan hệ với Đài Loan và những tính toán của Mỹ
Ngày 16/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan theo cách sẽ khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.
Dự luật này được các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội đưa ra một năm trước và cả hai viện đã đồng loạt nhất trí thông qua vào tháng 2/2018.
Chính sách này của Mỹ sẽ cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để "gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng".
Bằng việc ký dự luật này, Donald Trump đã phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng ông sẽ cân nhắc cho phép các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ - Đài Loan theo kiểu thường dành cho các nước có quan hệ ngoại giao chính thức.
Chính quyền Trump đã thông báo một gói bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan vào tháng 6/2017 và sau đó vào tháng 12/2017, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2018 (và Trump đã ký thành luật).
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một bài toán chưa thể có lời giải |
Điều này đã khiến Bắc Kinh thêm giận dữ.
Đạo luật này cho phép Mỹ mời Đài Loan tham gia các cuộc tập trận chung Mỹ - Đài Loan và "cân nhắc tính thích hợp và tính khả thi của việc tái thiết lập trao đổi các chuyến thăm cảng giữa lực lượng hải quân Mỹ và Đài Loan".
Nhưng động thái này là chưa từng thấy và Bắc Kinh coi là hành động kích động.
Hiện nay, với việc thông qua Đạo luật đi lại Đài Loan và xét tới những thay đổi nhân sự gần đây, có một khả năng rất thực tế là ở một số thời điểm Trump có thể sử dụng lá bài Đài Loan để mặc cả và buộc Trung Quốc phải có những nhượng bộ trong bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Như vậy, có thể thấy rằng, cạnh tranh một mất một còn diễn ra tại các điểm nóng như Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đều liên quan mật thiết với nhau trong tính toán thực hiện chiến lược mới của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Và, phải chăng đó là yếu tố có tác động giữ cho “nhiệt độ” Biển Đông không quá “nóng” trong suốt một năm qua?
Phần tiếp theo của bài viết, xin mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi vào ngày mai 2/1/2019.