Năm 2024, PTIT tuyển sinh 5.200 chỉ tiêu, mở 3 ngành, chương trình mới

06/03/2024 10:53
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Năm 2024, Học viện Công nghiệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển sinh đào tạo 22 ngành, chương trình (tăng 03 ngành, chương trình so với năm 2023).

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) vừa công bố phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024.

Năm 2024, Học viện dự kiến tuyển sinh đào tạo 22 ngành, chương trình (tăng 03 ngành, chương trình so với năm 2023).

Theo đó, các phương thức tuyển sinh dự kiến như sau:

Tuyển sinh Bưu chính.JPG

Trong đó, dự kiến tuyển sinh mới các ngành, chương trình sau: ngành Quan hệ công chúng, chương trình Thiết kế và phát triển game, chương trình Công nghệ thông tin Việt - Nhật.

Đối với các Chương trình chất lượng cao, đặc thù: Năm 2024, Học viện tiếp tục tuyển sinh đào tạo các Chương trình chất lượng cao với nội dung, chất lượng chương trình đào tạo có nhiều ưu việt và lợi thế đối với người học. Cụ thể gồm các chương trình chất lượng cao: Công nghệ thông tin, Marketing số, Kế toán theo chuẩn quốc tế ACCA. Tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 600 chỉ tiêu.

Ngoài ra, còn có các Chương trình liên kết quốc tế.

GDVN_HV.JPG
Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Mộc Hương.

Chính sách học bổng:

- Học bổng đặc biệt: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cấp tối đa 30 suất học bổng đặc biệt, giá trị mỗi suất tới 500 triệu đồng cho các thí sinh xuất sắc (gồm miễn học phí toàn thời gian học, chi phí ăn ở, kinh phí nghiên cứu khoa học, thực tập ở nước ngoài, kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp đối tác và các hỗ trợ khác).

Đối tượng xét cấp học bổng đặc biệt là các thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Toán, Lý, Hóa và Tin học; thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 29,0 điểm trở lên. Ngoài ra, người được nhận học bổng còn phải đảm bảo điểm trung bình chung tích lũy năm học liên tục đạt từ loại Giỏi trở lên.

- Học bổng khuyến khích: Học viện tiếp tục duy trì chính sách học bổng với tổng giá trị học bổng trung bình khoảng 8 tỷ đồng/năm cho các thí sinh đạt thành tích cao (đạt giải học sinh giỏi cấp quốc tế, cấp quốc gia, cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW) hoặc đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng chưa đủ để nhận học bổng đặc biệt với 2 mức: mức 1 miễn 100% và mức 2 miễn 50% học phí trong năm học thứ nhất.

Nguyên tắc xét tuyển chung:

- Thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Học viện;

- Xét tuyển theo ngành và theo tổ hợp môn thi;

- Điểm trúng tuyển của các tổ hợp môn thi trong cùng một ngành là bằng nhau;

- Xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau (không có điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng trong cùng một ngành);

- Xét trúng tuyển từ thí sinh có kết quả cao xuống cho đến hết chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng tuyển sinh;

- Học viện không áp dụng thêm tiêu chí phụ riêng trong xét tuyển, ngoài quy định của Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT;

- Điểm trúng tuyển được tính theo thang điểm 10, tổng điểm tối đa của 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển là 30 điểm (chưa bao gồm điểm ưu tiên);

- Nếu xét tuyển theo từng phương thức không đủ chỉ tiêu thì chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác.

Phương thức Xét tuyển kết hợp

Điều kiện xét tuyển: Thì thí sinh phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT, trong thời hạn 02 năm (tính đến ngày xét tuyển) từ 1130/1600 trở lên hoặc ACT từ 25/36 trở lên; có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12 (nếu chưa có kết quả năm học lớp 12) đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên;

b) Thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 65 trở lên hoặc TOEFL ITP 513 trở lên; có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12 (nếu chưa có kết quả năm học lớp 12) đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên;

c) Thí sinh đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12 (nếu chưa có kết quả năm học lớp 12) đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.

d) Là học sinh chuyên các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học của trường trung học phổ thông chuyên trên phạm vi toàn quốc (các trường trung học phổ thôngchuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường trung học phổ thôngchuyên thuộc Cơ sở giáo dục đại học) hoặc hệ chuyên thuộc các trường trung học phổ thôngtrọng điểm quốc gia; Và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12 (nếu chưa có kết quả năm học lớp 12) đạt từ 8,0 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.

Ưu tiên trong xét tuyển:

Quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế:

Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển như sau:

TT
IELTS
TOEFL iBT
TOEFL ITP
Điểm quy đổi
1.
7.5 – 9.0
Từ 102 điểm trở lên
Từ 627 điểm trở lên
10 điểm
2.
7.0
90 – 101
590 – 626
9,5 điểm
3.
6.5
79 – 89
561 – 589
9,0 điểm
4.
6.0
72 – 78
543 – 560
8,5 điểm
5.
5.5
61 – 71
500 – 542
8,0 điểm

a) Cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển

Các thí sinh đạt Giải từ cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển vào tổng điểm xét tuyển theo giải thí sinh đạt được như sau:

TT
Loại Giải đạt được
Điểm cộng
1.
Giải Nhất hoặc Giải Khuyến khích cấp Quốc gia
Được cộng 3,0 (ba) điểm
2.
Giải Nhì
Được cộng 2,5 (hai phẩy năm) điểm
3.
Giải Ba
Được cộng 2,0 (hai) điểm
4.
Giải Khuyến khích
Được cộng 1,5 (một phẩy năm) điểm

b) Lưu ý: Chính sách quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và cộng điểm ưu tiên tại mục a) và b) nêu trên chỉ áp dụng cho Phương thức xét tuyển kết hợp.

1.1 Nguyên tắc xét tuyển:

Ngoài các nguyên tắc xét tuyển chung tại mục 6, nguyên tắc xét tuyển áp dụng cho phương thức xét tuyển kết hợp quy định cụ thể như sau:

- Thí sinh được đăng ký xét tuyển 02 nguyện vọng và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một (01) nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký;

- Xét tuyển theo ngành và theo kết quả học tập trung học phổ thông của các môn học tương ứng với tổ hợp bài thi/môn thi của ngành đăng ký xét tuyển;

- Xét trúng tuyển từ thí sinh có kết quả cao xuống cho đến hết chỉ tiêu;

- Điểm trúng tuyển của các tổ hợp trong cùng một ngành là bằng nhau;

- Điểm trúng tuyển được tính bằng tổng cộng của ba (03) điểm bình quân kết quả học tập ở năm học lớp 10, 11, 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12 (nếu chưa có kết quả năm học lớp 12) của ba (03) môn học tương ứng với tổ hợp bài thi/môn thi đã đăng ký xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên như tại mục 7.2, cộng với điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có);

- Nếu xét tuyển kết hợp không đủ chỉ tiêu thì chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo phương thức khác;

- Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời gian quy định của Học viện. Nếu quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem từ chối nhập học.

Thời gian công bố kết quả xét tuyển: Dự kiến tháng 5/2024

Đối với Phương thức Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực/tư duy

Điều kiện xét tuyển:

Thí sinh phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội năm 2024 từ 75 điểm trở lên;

b) Có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 từ 600 điểm trở lên;

c) Có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 từ 50 điểm trở lên.

Nguyên tắc xét tuyển: Ngoài các nguyên tắc xét tuyển chung tại mục 6, nguyên tắc xét tuyển áp dụng cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy quy định cụ thể như sau:

- Thí sinh được đăng ký xét tuyển 02 nguyện vọng và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một (01) nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký;

- Xét tuyển theo ngành và theo điểm xét tuyển đã quy đổi về thang điểm 30;

- Xét trúng tuyển từ thí sinh có kết quả cao xuống cho đến hết chỉ tiêu;

- Điểm xét tuyển (ĐXT) được quy đổi về theo thang điểm 30 như sau:

o ĐXT theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội:

ĐXT = điểm ĐGNL *30/150 + điểm ưu tiên (nếu có)

ĐXT theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

ĐXT = điểm ĐGNL *30/1200 + điểm ưu tiên (nếu có)

ĐXT theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội:

ĐXT = điểm ĐGTD *30/100 + điểm ưu tiên (nếu có)

- Nếu xét tuyển kết hợp không đủ chỉ tiêu thì chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo phương thức khác;

- Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời gian quy định của Học viện. Nếu quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem từ chối nhập học.

Thời gian công bố kết quả xét tuyển: Dự kiến tháng 5/2024.

Mộc Hương