Ngày 25/5/2019, hãng Reuters đưa tin, người đứng đầu cơ quan an ninh của Đài Loan, David Lee đã gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hồi đầu tháng này.
Hãng tin chính thức CNA của Đài Loan cho biết, đây là cuộc họp đầu tiên kiểu này kể từ khi hòn đảo này và Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Cuộc gặp nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng rất căng thẳng do cuộc chiến thương mại.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, ảnh: Taiwan News. |
Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố trong bài phát biểu vào tháng 01/2019 rằng, Trung Quốc phải và sẽ được tái thống nhất. Ông đã nói về sự tái thống nhất hòa bình với Đài Loan.
Kể từ khi Hong Kong và Ma Cao lần lượt trở về Trung Quốc đại lục vào năm 1997 và 1999, Trung Quốc ngày càng kỳ vọng rằng Đài Loan cũng sẽ trở về.
Nhưng tái thống nhất hòa bình đã cho thấy khó có thể đạt được sau khi Đài Loan bầu chọn bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến (DPP), chính trị gia luôn theo đuổi con đường độc lập cho Đài Loan, làm người đứng đầu chính quyền vào năm 2016.
Một thập kỷ trước, khi Thế vận hội Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm tăng mức độ tín nhiệm của Trung Quốc trên vũ đài thế giới, kỳ vọng về việc tái thống nhất hòa bình với Đài Loan của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc cũng tăng theo đáng kể.
Trung Quốc đã bắt đầu thắt chặt thòng lọng bằng việc đẩy Đài Loan ra khỏi các cơ quan quốc tế như Tổ chức y tế thế giới (WHO) và gây áp lực khiến một số nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Bắc Kinh dường như tin rằng Mỹ sẽ khoanh tay ngồi nhìn khi Trung Quốc gây áp lực đối với Đài Loan.
Một người trong cuộc ở Bắc Kinh tiết lộ rằng, ông Tập Cận Bình rất ấn tượng về việc Tổng thống Nga, Vladimir Putin sáp nhập Crimea, giành được một mảnh đất và tài nguyên lớn. Điều quan trọng hơn là không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào từ phương Tây.
Trong khi đó, Đài Bắc tự thuyết phục rằng Trung Quốc không có kế hoạch tấn công đảo Đài Loan. Nhiều người trong chính quyền Thái Anh Văn cho rằng Trung Quốc quá nhạy cảm tới mức không thể có hành động quân sự.
Ông Tập Cận Bình sẽ không bắt đầu một cuộc chiến có khả năng kéo Nhật Bản và Mỹ vào cuộc.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia ở Đài Loan nhận định Trung Quốc có quá nhiều vấn đề trong nước tới mức không thể tấn công quân sự hòn đảo này.
Ngay kể cả các thành viên trong Quốc dân đảng, Đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan cũng có cái nhìn rất lạc quan. Họ không nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không tiến hành chiến tranh với Đài Bắc.
Năm 2018, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu tuyên bố chiến lược hàng đầu của Bắc Kinh là trỗi dậy hòa bình và việc sử dụng vũ lực để tái thống nhất sẽ làm hỏng chiến lược đó.
Sự tự mãn này đã khiến Đài Loan bỏ bê các lực lượng vũ trang của mình, vốn đang thiếu rất nhiều sỹ quan, gần một nửa số định biên trung úy chưa có người.
Năm 2018, Đài Loan làm cho vấn đề tồi tệ hơn khi chính quyền của họ đã chấm dứt chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc nhưng cho phép những kẻ phạm tội nhập ngũ.
Tinh thần đã sụt giảm nghiêm trọng đến mức Mỹ đã đề nghị Đài Loan xem xét khôi phục lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Các quan chức Mỹ kết luận sự thay đổi lực lượng vũ trang chính quy thành một đội tình nguyện là một sai lầm lớn.
Có lẽ vì thế mà trong cuộc thăm dò vào tháng 4/2018, hơn 40% người Đài Loan nói rằng họ không tin tưởng vào việc lực lượng vũ trang của họ có thể bảo vệ hòn đảo này.
Sự suy yếu của các lực lượng vũ trang Đài Loan đã làm gia tăng sự phụ thuộc quân sự của Đài Loan vào Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách răn đe kép của Mỹ đã giúp ngăn chặn xung đột ở eo biển Đài Loan.
Dù thừa nhận chính sách một Trung Quốc nhưng Washington đã cảnh báo Bắc Kinh không được tấn công Đài Loan.
Thực tế, chính sách này của Mỹ đã có tác dụng tích cực, cho phép Đài Loan được hưởng độc lập thực chất và giúp ngăn chặn chiến tranh với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đang gây ra nhiều thách thức cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề tái thống nhất Đài Loan (Ảnh: AP) |
Đặc biệt, ngày 16/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật đi lại Đài Loan (Taiwan Travel Act).
Đạo luật này được xem như một vỏ bọc chính trị cho Tổng thống nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan theo cách sẽ khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Bằng việc ký Đạo luật này, các quan chức Mỹ ở mọi cấp được phép đến Đài Loan để gặp những người đồng cấp, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, chính sách quốc phòng của Mỹ đối với Đài Loan đã chuyển đổi theo hướng tăng cường vai trò đồng minh.
Trong thời gian thăm Đài Loan, ông Han Huang, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã đề xuất ý tưởng kết nạp Đài Loan vào chiến lược này.
Trước những động thái quan hệ Mỹ-Đài không ngừng được tăng cường trong thời gian qua, một số chuyên gia Trung Quốc lo ngại rằng cánh cửa sẽ đóng nếu Trung Quốc không thể thực hiện tái thống nhất hòa bình Đài Loan trước năm 2020.
Thông qua Weibo, mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc, nhiều người đã yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc đại lục đưa ra một thời gian biểu cho việc tái thống nhất, cho dù thông qua hòa bình hay bằng vũ lực.
Tài liệu tham khảo:
1. https://dantri.com.vn/the-gioi/gioi-chuc-an-ninh-my-dai-loan-to-chuc-cuoc-gap-hiem-hoi-sau-40-nam-20190527113933344.htm
2. https://www.reuters.com/article/us-usa-taiwan/china-bridles-at-rare-meeting-between-taiwan-and-u-s-security-officials-idUSKCN1SX077
3. http://focustaiwan.tw/news/aipl/201905250006.aspx