Môi trường nhà nước muốn thu hút SV xuất sắc, cần cải tiến những gì?

21/03/2023 06:39
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo TS Trần Đình Lý, để thu hút người tài vào làm việc trong lĩnh vực công cần cải thiện tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc phù hợp với người trẻ,...

Kết quả khảo sát gần 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.

Tỷ lệ này được đánh giá là thấp, để hiểu rõ hơn về nguyên nhân sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên giỏi, xuất sắc sau khi ra trường ít lựa chọn môi trường nhà nước để làm việc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết, hằng năm, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 5.000 sinh viên tốt nghiệp ở 36 ngành thuộc 5 khối ngành khác nhau. Là trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trải đều tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị khác nhau.

Mỗi năm, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát tình hình có việc làm sau một năm tốt nghiệp của người học và nhận thấy: hơn 90% sinh viên tốt nghiệp sau một năm có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Trong đó có khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp làm việc ở các công ty, doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động ngoài công lập; chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp thi tuyển và làm việc trong các cơ quan thuộc quản lý nhà nước.

Sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng kéo theo nhu cầu lực lượng lao động được đào tạo từ các cơ sở giáo dục đại học của khối đơn vị, doanh nghiệp ngoài công lập tăng cao. Trong khi đó, lĩnh vực quản lý công hay các công việc ở các cơ quan nhà nước mỗi năm tuyển dụng rất ít. Chính vì vậy, số sinh viên tốt nghiệp làm việc ở các cơ quan thuộc quản lý nhà nước luôn thấp hơn so với số làm ở môi trường ngoài công lập.

Tiến sĩ Trần Đình Lý. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Đình Lý. Ảnh: NVCC

Có một thực tế là, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc có mong muốn cống hiến trong các cơ quan nhà nước chưa cao như mong đợi. Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có thể kể đến một số lí do cơ bản như:

Mặc dù áp lực công việc không ít hơn, thậm chí còn cao hơn công việc của khối ngoài công lập nhưng mức lương khởi điểm và phụ cấp nói chung của cán bộ, nhân viên nhà nước thấp hơn nhiều so với khối ngoài công lập.

Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện công và các lĩnh vực liên quan đã rất áp lực, luôn cố gắng nhưng thu nhập thì chưa tương xứng. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến không ít y, bác sĩ đã nghỉ việc hoặc có xu hướng chuyển dịch môi trường làm việc từ công sang tư.

Chưa kể, môi trường làm việc ở một số cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu của người giỏi, xuất sắc. Một số nơi vẫn còn quan liêu trong đánh giá năng lực người lao động, quy trình làm việc không cải tiến đã làm cho người giỏi, người tài nản chí, không muốn cống hiến và ra đi.

“Khi nhận thấy có sự dịch chuyển lao động đó, tâm lý của một số người học mới tốt nghiệp có mong muốn vào cơ quan nhà nước cống hiến cũng bị “lung lay”, nhiều bạn chuyển hướng để tìm kiếm cơ hội việc làm, môi trường tốt hơn”, Tiến sĩ Trần Đình Lý nói.

Để thu hút người tài vào làm việc trong lĩnh vực công, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có một số vấn đề cần giải quyết như sau:

Thứ nhất, thay đổi môi trường làm việc sao cho phù hợp, thân thiện, chuyên nghiệp, bình đẳng và thúc đẩy được sự cố gắng, nỗ lực của mọi người.

Thứ hai, phải cải thiện được thu nhập cho người làm việc trong khối cơ quan nhà nước. Vì rõ ràng thu nhập của khối cơ quan nhà nước đang thấp hơn so với khối ngoài công lập, khiến nảy sinh một số vấn đề bất cập và cũng là nguyên nhân khiến người giỏi, người tài “ra đi”.

Thứ ba, mở ra nhiều cơ hội cho người học vừa tốt nghiệp được thể hiện năng lực, phát triển bản thân.

“Chúng ta phải minh bạch hóa cơ hội phát triển bản thân cả về kiến thức, học vấn và vị trí việc làm đối với tất cả mọi người. Tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho người tài được phát triển bản thân phù hợp nhất.

Phát triển bản thân phù hợp không đồng nghĩa với việc bổ nhiệm chức vụ, vị trí quản lý lãnh đạo. Một người giỏi chuyên môn và chỉ muốn hoạt động chuyên môn thì nên tạo điều kiện cho họ phát triển chuyên môn, không nên để họ phải thực hiện các công tác hành chính khác, như vậy sẽ không phù hợp”, Tiến sĩ Trần Đình Lý nói.

Thứ tư, công tác truyền thông, tuyên truyền về các chính sách thu hút, tạo điều kiện làm việc cho người tài về các cơ quan nhà nước phải được đẩy mạnh hơn. Hiện nay, chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách nhưng không phải sinh viên mới tốt nghiệp nào, cán bộ nhà khoa học trẻ nào cũng biết được để ứng tuyển.

Muốn vậy, vai trò của các trường đại học trong việc hỗ trợ sinh viên tiếp cận thông tin vô cùng quan trọng.

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp phối hợp Phòng Công tác sinh viên, Phòng Thông tin Truyền thông tuyên truyền, phổ biến cho sinh viên về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp mà Nghị định số 140/2017/NĐ-CP “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” nêu ra.

Thông qua việc phổ biến Nghị định, định hướng cho sinh viên về mục tiêu, kế hoạch sau khi ra trường sẽ làm việc ở môi trường phù hợp nhất với năng lực, sở trường của mỗi em.

Đặc biệt, tại mỗi đợt xét tốt nghiệp, tổ chức trao bằng tốt nghiệp đại học, nhà trường luôn phổ biến Nghị định 140/2017/NĐ-CP cho nhóm sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực. Điều này, nhằm tuyên truyền kịp thời đến những sinh viên có nhu cầu làm việc, cống hiến trong môi trường nhà nước.

Ghi nhận ý kiến từ một cựu sinh viên, tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2022 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), em Trần Thị Minh (23 tuổi) cho rằng, người trẻ sẵn sàng cống hiến và cảm thấy tự hào nếu được làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng với điều kiện môi trường phù hợp cho sự phát triển và có một mức lương đảm bảo được nhu cầu cuộc sống.

Em Trần Thị Minh (23 tuổi). Ảnh: NVCC

Em Trần Thị Minh (23 tuổi). Ảnh: NVCC

Theo Minh tìm hiểu và được biết, chính sách tiền lương tại các cơ quan nhà nước vẫn áp dụng theo hệ số, cử nhân mới ra trường được xếp loại công chức, viên chức loại A1, có hệ số là 2,34. Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng thì mức lương tối thiểu hàng tháng nhận được sẽ là: 1.490.000 đồng x 2,34 = 3.486.600 đồng/tháng.

Trong khi đó, sinh viên mới ra trường đa số chưa vững vàng về tài chính, toàn bộ chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào lương. Với mức lương như trên thì người trẻ khó mà đảm bảo được nhu cầu cuộc sống.

Còn với các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nếu làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, họ sẽ luôn được tạo điều kiện phát triển, mức lương thỏa thuận, hưởng các đãi ngộ tốt cùng môi trường làm việc năng động, hứa hẹn thăng tiến nhanh mà không phụ thuộc vào quy hoạch các tiêu chí khác liên quan.

“Khi có sự so sánh, tất nhiên, nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc sẽ có mong muốn được làm việc cho môi trường tư nhân sau khi tốt nghiệp”, Minh nói.

Anh Trang