Hôm qua (25/10), Cơ quan giám sát thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) yêu cầu các siêu thị địa phương kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng và báo cáo về thực phẩm nhập khẩu, sau khi 6 dòng sản phẩm mì ăn liền Nongshim được sản xuất tại Hàn Quốc bị phát hiện có chứa chất gây ung thư.
Tuy nhiên, cơ quan này không yêu cầu đưa sản phẩm của Nongshim ra khỏi các kệ hàng. Đại diện của Nongshim tại Thượng Hải cho hay, các sản phẩm bị phát hiện chứa chất ung thư ở Hàn Quốc không có bán tại thành phố này.
Wu Jing – Nhân viên kinh doanh chi nhánh Nongshim Thượng Hải cho biết: Mì ăn liền của công ty bán ở Thượng Hải không có các sản phẩm chứa chất gây ung thư như giới truyền thông đề cập. Theo đó, các sản phẩm mì được sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải không phải nhập về từ Hàn Quốc.
Việc phát hiện chất gây ung thư trong mì ăn liền của Hàn Quốc khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng |
Một số thương hiệu bán lẻ lớn ở Thượng Hải như NGS không bán các sản phẩm có liên quan đến vụ bê bối thực phẩm này, thông tin được một quan chức của NGS xác nhận với giới truyền thông.
Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm của Hàn Quốc phát hiện chất benzo (a) pyrene hay còn gọi BAP có thể gây ung thư trong bột gia vị của mì Nongshim. Các siêu thị ở Đài Loan đã đưa 2 sản phẩm của Nongshim ra khỏi kệ hàng. Cơ quan quản lý vùng lãnh thổ này cũng đã yêu cầu thu hồi cũng như thảo luận về phạm vi thu hồi loại mì này.
Đài Loan nhập khẩu 59 tấn mì Nongshim từ Hàn Quốc có chứa hóa chất gây ung thư từ giữa tháng 1 đến tháng 10/2012. Theo Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư (Tổ chức Y tế thế giới), BAP được nhắc đến như là chất gây ung thư nhóm 1. Đây là hợp chất sinh ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn ở nhiệt độ cao, có thể tìm thấy trong quá trình chiên, nướng, nấu quá chín sản phẩm
Trung Quốc đã đưa ra giới hạn lượng BAP 6 microgam/kg thịt nướng, 10 microgam trong dầu thực vật. Còn Liên minh châu Âu EU yêu cầu mức độ BAP trong thực phẩm hun khói chỉ dưới 5 phần tỷ hay 5 microgam/kg. Còn tiêu chuẩn này ở Hàn Quốc là 6 microgam/kg.
Nongshim cho biết, lượng BAP thấp không gây ra đe dọa đối với sức khỏe. Tuy nhiên, báo cáo gây ra một số lo ngại cho người tiêu dùng của Thượng Hải, vì mì ăn liền là thực phẩm khá phổ biến ở thành phố này.