Lo ngại nhân rộng mô hình trường công chất lượng cao gây bất bình đẳng GD công

26/06/2024 06:38
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- ĐBQH lo ngại, việc nhân rộng mô hình trường CLC nếu không được làm một cách thận trọng, sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông, gây tình trạng bất bình đẳng.

Nhân rộng trường chất lượng cao không thận trọng, sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa qua, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình quan tâm đến quy định về xây dựng phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Điều 22 của dự thảo Luật.

Theo đó, Đại biểu Tuyết Nga nêu: “Đây là quy định khác với quy định liên quan cơ sở giáo dục trong pháp luật về giáo dục. Vấn đề này cũng đã được báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu “Luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục như “ cơ sở giáo dục chất lượng cao” chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao”...

Báo cáo thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho thấy, báo cáo tổng kết thi hành Luật chưa đánh giá sâu về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về trường chất lượng cao, về chất lượng dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô. Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học.

Trong khi đó, dự thảo Luật có bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao tại khoản 5 Điều 3, song cũng chỉ mới đề cập các tiêu chí đầu vào, mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung, nhân cách học sinh, trung tâm của quá trình giáo dục, mục tiêu giáo dục”.

dbqh-nguyen-thi-tuyet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Media Quốc hội.

Nữ đại biểu cũng chỉ ra, thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao - học phí cao cũng đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Hà Nội. Mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao đang triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội năm học 2023-2024 là 5-6,1 triệu đồng/học sinh/tháng (chưa kể các khoản đóng góp khác).

Tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hoá nhanh, có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/lớp. Nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà.

Mặt khác, Đại biểu Tuyết Nga cũng bày tỏ sự lo ngại: “Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông; trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện; dẫn đến sự bất bình đẳng và tạo nên áp lực cho người học và nhân dân.

Trong lúc giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được xác định là giáo dục phổ cập, là giáo dục miễn phí. Theo cam kết của Chính phủ trong Quyết định 622/2017 về Chương trình hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (mục tiêu 4) đến năm 2030 tất cả các trẻ em gái, trai hoàn thành giáo dục tiểu học, trung học cơ sở miễn phí, công bằng và có chất lượng.

Ý kiến của rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giáo dục phổ thông phải là giáo dục toàn diện, bình đẳng”.

“Trong hệ thống trường phổ thông công lập không nên có sự phân tầng, bởi, mục tiêu của giáo dục công lập là tạo ra sự hưởng thụ công bằng trong giáo dục. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đang xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, không có trường chuyên lớp chọn; mọi trường phổ thông công đều bình đẳng và hướng đến chất lượng và công bằng trong thụ hưởng giáo dục.

Thứ nữa, việc thực hiện mô hình trường công chất lượng cao, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển; nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt...” - nữ đại biểu chia sẻ thêm.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Tuyết Nga đã đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao dịch vụ cao; cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành; hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công. Song song với đó, đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan toả cho giáo dục phổ thông cả nước; và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.

Ưu tiên tập trung cho giáo dục đại trà, rồi mới tính đến trường công chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng có một số chia sẻ liên quan đến vấn đề này.

Ông Hiền cho rằng: “Thời gian qua, qua các thông tin báo chí, tôi luôn thấy hình ảnh Hà Nội đang thiếu hệ thống trường công lập. Cụ thể, tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa nhanh và tỉ lệ dân nhập cư ngày một đông; sĩ số học sinh có nơi lên đến 60 em/lớp. Từng xảy ra cảnh tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm mới có thể đăng ký cho con, hoặc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội vẫn luôn được nhắc đến là khốc liệt hơn cả tuyển sinh đại học...

Nói như vậy, để thấy rằng, hiện tại, hệ thống trường lớp công lập tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người học. Nếu đầu tư xây dựng các trường công chất lượng cao, sẽ làm mất đi thêm một số chỗ học vốn dành cho giáo dục đại trà”.

“Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đang chủ trương khuyến khích hỗ trợ phát triển giáo dục tư thục, nếu tạo ra hệ thống trường công chất lượng cao, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.

Một bên là hệ thống giáo dục tư thục, phải tự lo từ A đến Z, mức học phí phải thu cao hơn, có nơi hàng chục triệu đồng/tháng. Một bên là trường chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở các trường công lập, được Nhà nước đầu tư, học phí thấp hơn các trường tư thục, mà cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được ưu tiên đầu tư,... Chắc chắn phụ huynh sẽ lựa chọn gửi gắm con vào các trường công chất lượng cao, mà không chọn trường tư thục.

Vô hình trung, sẽ khiến các trường tư thục phải bước vào cuộc cạnh tranh không công bằng, dần dần sẽ khiến các nhà đầu tư ngày càng không mặn mà với lĩnh vực giáo dục” - ông Nguyễn Thanh Hiền phân tích thêm.

nguyen-thanh-hien-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nghe-an-1-8433.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: quochoi.vn.

Từ những chia sẻ trên, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Cùng với việc đầu tư xây dựng các trường công chất lượng cao, tôi cho rằng, chúng ta nên ưu tiên dồn lực vào mở rộng, phát triển hệ thống trường lớp công lập, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của người dân”.

Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng: “Tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước, trước hết cần đảm bảo học sinh phải có đủ chỗ học, thứ hai là đảm bảo sĩ số lớp không vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin báo chí, nhiều năm qua, các trường công lập ở Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng quá tải sĩ số, việc học sinh phải chen chúc nhau như vậy sẽ khiến chất lượng không đảm bảo”.

“Vì vậy, tôi cho rằng, trước hết, phải xây dựng các cơ sở giáo dục công lập đủ để đáp ứng nhu cầu được học tập của học sinh. Có thể mỗi tỉnh thành sẽ có 1-2 trường chất lượng cao, giống như mô hình trường chuyên, dành cho các học sinh có năng lực và các gia đình có điều kiện hơn theo học..., chứ không phải mỗi địa phương đều chạy theo số lượng mà tính đến xây dựng thật nhiều trường công chất lượng cao.

Bởi vì, trường công chất lượng cao thì chắc chắn học phí và chi phí dịch vụ khác đều sẽ cao, nếu là con em gia đình có hoàn cảnh bình thường hoặc khó khăn sẽ rất khó theo học. Như vậy sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của trẻ.

Chúng ta phải nhìn toàn diện, để phục vụ đại đa số con em của người dân trước, tương thích với đại đa số các gia đình. Phải ưu tiên phục vụ nhu cầu học tập trong mặt bằng kinh tế chung của toàn dân” - ông Tiến nêu quan điểm.

GDVN_ảnh.JPG
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Mộc Trà.

Ngoài ra, một số chuyên gia lo ngại rằng, việc mở ra nhiều trường công chất lượng cao cũng có thể kéo theo tiêu cực trong việc luyện thi tuyển sinh đầu cấp.

Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Tôi chắc chắn, những người thực sự giỏi, xuất sắc, xuất chúng không phải là do việc đi luyện thi nhiều mà nên. Tức là, nếu học sinh không có khả năng mà phụ huynh chăm chăm đưa con em đi luyện thi thật nhiều, chỉ càng thêm tốn kém”.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra: “Theo kinh nghiệm từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tôi thấy rằng, Nhà nước chỉ nên để một số rất ít các trường công lập chất lượng cao, còn lại nên để cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng nghĩa với việc chúng ta phải thúc đẩy xã hội hóa, thậm chí huy động các nguồn lực khác nhau trong xã hội, thậm chí cả nguồn lực đầu tư nước ngoài. Song song với việc thu hút đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục này, đảm bảo chất lượng.

Như vậy, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, vừa đảm bảo ngân sách nhà nước ưu tiên tập trung cho giáo dục đại trà”.

Mộc Trà