Lỗ khủng, Jetstar Parcific âm vốn điều lệ hơn 700 tỷ đồng

15/10/2014 16:38
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Kết quả hoạt động kinh doanh của JPA từ 2008 đến 2012 luôn trong tình trạng thua lỗ do lỗ từ bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging) và chi phí phạt do hủy hợp đồng.

Giai đoạn 2008-2009, Jetstar Pacific (JPA) lỗ chủ yếu từ bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging) và chi phí phạt do hủy hợp đồng thuê máy bay đã ký trong năm 2008. 

Giai đoạn 2010-2011, mặc dù không còn chịu tác động từ các khoản chi phí bảo hiểm xăng  dầu  và  phí  phạt  do hủy hợp  đồng  thuê  máy  bay  nhưng  do  ảnh  hưởng của  cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chi phí nhiên liệu bay ngày càng tăng, chi phí kỹ thuật cho đội máy bay B737 (trên 15 năm tuổi) cao... làm cho tình hình hoạt động kinh doanh  của  JPA vẫn bị thua lỗ và số lỗ năm 2011 cao hơn năm 2010. 

Năm 2012 (là năm đầu tiên toàn bộ phần vốn nhà nước của JPA được chuyển từ Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước SCIC về cho Vietnam Airlines theo quyết định của Thủ tướng), mức lỗ của JPA là 201 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2011. Năm trước khi chuyển về Vietnam Airlines, JPA lỗ 436 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2012, JPA tiến hành đổi mới đội tàu bay từ B737 cũ sang A320 để tiến đến khai thác hiệu quả hơn. Để làm được điều này, JPA chịu khoản chi phí trả sớm đội tàu là 190 tỷ đồng.
Trong năm 2013, tổng doanh thu của JPA tăng trưởng gần 3%, trong đó doanh thu khách hàng tăng 16,2 tỷ so với năm 2012 do tăng tải cung ứng (tăng 13,4% số ghế cung ứng).
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa thực hiện được như việc chậm trễ trong quá trình thuê máy bay đã ảnh hưởng tới doanh thu, đồng thời giá vé bình quân giảm 4,5% so với kế hoạch do ảnh hưởng việc cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội.
Trong quá trình khai thác bay, chi phí khai thác bay/số giờ bay giảm 17% so với năm 2012 và chi phí kỹ thuật giảm 7,8% so với 2012 do JPA đã hoàn thành chương trình chuyển đổi toàn bộ đội tàu bay sang A320 qua đó giảm được chi phí sản xuất và giảm đáng kể số lỗ so với các năm trước (chỉ ở mức lỗ 274 tỷ, ít hơn so với khoản lỗ bình quân của JPA trong giai đoạn 2008-2012).

Kết quả kinh doanh năm 2013 của JPA, số lỗ còn khoảng 113 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2013, Jetstar âm vốn điều lệ 736 tỷ đồng.

Tiền thân của Jetstar Pacific là Pacific Airlines, do Saigontourist sáng lập ra và Vietnam Airlines tham gia làm chủ sở hữu, nắm đến 86% vào năm 2004. Sau đó phần vốn của Vietnam Airlines trong Pacific Airlines được giao về cho Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Bước ngoặt của Pacific Airlines là từ năm 2007 hãng hàng không Australia Qantas nắm 27% trong hãng và chuyển tên thành Jetstar Pacific khi đó. Phần lớn cổ phần còn lại của Jetstar Pacific do SCIC và Saigontourist nắm.

JPA là hãng hàng không đầutiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình giá rẻ (chi phí thấp). Jetstar được chuyển từ SCIC về Vietnam Airlines vào tháng 2/2012, trong đó Vietnam Airlines chiếm 67,83% vốn điều lệ và Tập đoàn hàng không Qantas cổ đông chiến lược nắm giữ 30% vốn điều lệ.

NHẤT NGÔN