Muôn vàn lý do phải đi học thêm, học câu lạc bộ
Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh cho biết vẫn cho con học thêm nhiều buổi trong tuần với chi phí lớn.
Anh Nguyễn Khôi ở quận Đống Đa, Hà Nội, có con hiện đang học lớp 9 một trường trung học cơ sở công lập trong địa bàn. Anh cho biết dù sắp tới thi theo chương trình mới thì vẫn phải học tốt ba môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh.
Hàng ngày, con anh học 3 ca: ca sáng từ 7 giờ đến 11 giờ các ngày trong tuần là học chính khóa; ca chiều từ 15 giờ đến 17 giờ là học thêm một môn chính như Toán học, Ngữ Văn hay Tiếng Anh. Một số ngày sẽ học thêm ca tối từ 19 giờ đến 21 giờ để phụ đạo thêm một số môn kỹ năng, học thể thao, nếu không học thêm ca tối thì con ở nhà tự học.
Anh Khôi cho biết thời khóa biểu này đã được bỏ bớt một số lớp so với trước đây để con bớt áp lực. Với những lớp dạy kỹ năng xã hội hay thể thao, anh muốn con học để cháu bớt nhút nhát, rụt rè và cũng là một cách thư giãn sau khi học chính khóa.
Anh thừa nhận: “Ngày thường không có buổi tối nào được ăn cơm cùng con. Tuy nhiên cháu bảo học trên lớp không vào, không theo được nên phải học thêm. Gia đình cũng tham khảo ý kiến thầy cô, tự kiểm tra năng lực học tập của con rồi mới quyết định cho con đi học thêm”.
Chị Nguyễn Bích Liên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có hai con học lớp 5 và lớp 7. Chị tổng kết tiền học của hai con tầm 20 triệu mỗi tháng, bao gồm cả học ở trường và học thêm.
"Bạn lớp 7, tiền học phí và bán trú là 4 triệu; học thêm Văn và Toán ở trường là 1,5 triệu/ 8 buổi; học thêm Toán thi chuyên là 1,2 triệu/ 4 buổi; học thêm Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ là 1,2 triệu/tháng; ngữ pháp tiếng Anh thì mẹ tự dạy. Bạn lớp 5 tương tự, học phí 7 triệu, thế là hết lương của mẹ" - chị Liên chia sẻ.
Bên cạnh đó, dù con mới học cấp 2, chị Liên cũng đã lo lắng về chương trình trung học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang được đổi mới. Việc học sinh lên cấp trung học phổ thông chia tổ hợp tự chọn, học theo định hướng nghề nghiệp khiến phụ huynh băn khoăn.
Tại Điều 4 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, một số phụ huynh phản ánh vẫn có tình trạng học thêm "núp bóng" các lớp câu lạc bộ, dạy kỹ năng.
Chị Nguyễn Ngọc T.H là giáo viên đã 10 năm nay, nhưng khi trực tiếp có con học cấp 1 vẫn cảm thấy hoang mang. "Thực tế hiện nay, theo quy định, lớp 1, lớp 2, lớp 3 không được học quá 7 tiết một ngày, tối đa 31 tiết một tuần. Nhưng các trường thường đưa ra chương trình học kỹ năng sống, học phụ đạo Toán - Văn - Anh, khiến cho thời khóa biểu của các cháu ngày nào cũng 8 tiết, 40 tiết một tuần.
Tôi từng ý kiến thì cô giáo chủ nhiệm bảo cái này là bắt buộc, vì nếu không bắt buộc thì sẽ xảy ra tình trạng có lớp học 3 tiết về sớm sẽ lộn xộn, gây ồn khiến các lớp học 4 tiết không học được (dù phụ huynh các lớp 1 sẵn sàng đến đón con sớm). Nên giải pháp của nhà trường là bắt buộc 100% các lớp phải học thêm các môn kia để ra về cùng nhau".
Ngay trong hè này, phụ huynh cũng cảm thấy băn khoăn về vấn đề học thêm câu lạc bộ. Việc đăng ký học hè là hoàn toàn tự nguyện, tùy theo nhu cầu của học sinh và gia đình, không do nhà trường hay thầy cô ép buộc. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn mang tâm lý sợ con "bị phân biệt đối xử" nên dù không muốn vẫn kí vào đơn đồng ý học hè.
Tiền học câu lạc bộ hè cũng khiến các phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn phải suy nghĩ khi dao động trong khoảng 150 nghìn đồng/ngày, gấp đôi so với năm ngoái. Trung bình phụ huynh sẽ phải chi trả từ 1,5 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng nếu cho con học hè, tùy theo có hay không tham gia bán trú.
Việc phải học thêm nhiều khiến các em học sinh cảm thấy áp lực, nhưng nếu không học thêm lại lo ngại mình không theo kịp các bạn và không thể thi đỗ vào trường tốt.
Em Trần Khánh Linh, học sinh lớp 11 tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Em bị áp lực về lượng kiến thức quá nhiều khiến em phải đi học thêm gần như cả tuần. Em học 4 môn Toán, Vật Lý, Hóa học, tiếng Anh nên không có thời gian đi chơi cùng gia đình và bạn bè.
Những bài kiểm tra dồn dập khiến em không ngủ đủ giấc làm em luôn cảm thấy áp lực. Mỗi ngày sớm nhất là 11 rưỡi tối mới được đi ngủ và 5 rưỡi đã phải dậy đi học. Bởi thế em luôn bị ám ảnh và không còn hứng thú với việc học. Nhưng nếu em không học thêm sẽ thụt lùi so với các bạn cùng lớp”.
Học thêm không xấu, nhưng phải học thêm thế nào?
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh Tú - giáo viên tổ Vật lý - Công nghệ - Tin học, Trường trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Đi học thêm là nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Việc học thêm không xấu, nhưng phải bám sát vào yêu cầu của chương trình.
Học thêm những nội dung quá khó, không thiết thực với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc học thêm không mang lại hiệu quả. Nếu đi học thêm, tôi nghĩ các em nên tích lũy thêm kiến thức thực tiễn, các khóa học tư duy, giáo dục STEM”.
Với chương trình giáo dục mới, việc dạy theo công thức và học thuộc lòng văn mẫu đã không còn hiệu quả. Học thêm với hy vọng được thầy cô đoán trước đề thi sẽ không giúp các em có kết quả tốt.
Theo thầy Tú, hiện tại, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường triển khai cho học sinh tiếp cận với những đề thi kiểu mới qua kì thi giữa kỳ và cuối kỳ. Đây là phương án để giúp các em học sinh làm quen với các dạng đề mới, nên các em không phải lo sẽ gặp bỡ ngỡ khi vào phòng thi.
Về cách đánh giá năng lực học sinh, chương trình mới cũng tạo nhiều điều kiện cho các em cải thiện thành tích như kiểm tra nhiều lần lấy điểm một lần, chấm điểm qua dự án học tập, thuyết trình, bài tập nhóm.
Thầy Tú cũng vừa tham gia tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 do Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 5 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Sau buổi tập huấn, thầy Tú cho rằng đề thi tương lai sẽ chú trọng vào đánh giá năng lực chứ không đánh giá về kiến thức nữa. Học sinh phải tích cực tìm hiểu thêm các vấn đề thực tiễn, kiến thức liên quan trong cuộc sống.
Lời khuyên dành cho các em là vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản, bám sát yêu cầu cần đạt đã được nêu rất rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đề thi sẽ xây dựng những tình huống và bối cảnh có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng thực tế, các em có thể tham khảo thêm một số đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia hoặc đề thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Với những học sinh cuối cấp, các em cần nghiên cứu kĩ cấu trúc định dạng và các đề thi minh họa cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố.