Dịch vụ "Bác sĩ tại gia" đắt hàng mùa bệnh tay, chân, miệng

27/10/2011 06:53
P.Thúy
(GDVN) - "Mình gọi là bác ấy đến ngay không quản trời nắng trời mưa. Tiền công thì vô chừng lắm, tùy tâm người nhà", chị Hồng chia sẻ.
Trong khi dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang diễn biến phức tạp, nhiều gia đình có con bị bệnh không dám đưa con đến bệnh viện vì sợ nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh mà sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để mời bác sĩ đến nhà khám.

Dịch vụ "Bác sĩ tại gia" đắt hàng
Để mời được những bác sĩ có uy tín, giỏi đến nhà là một việc không quá khó vì hiện nay dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà khá phát triển và tiện ích. Chị Nguyễn Thị Hồng (64, Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) xem việc mời bác sĩ về nhà khám bệnh cho con là giải pháp tối ưu. "Cu Tít nhà chị hay bị viêm phổi, ngày xưa cháu sinh non nên đến bây giờ vẫn lo sức đề kháng kém. Chị không dám đưa cháu đến bệnh viện khám. Mỗi khi thấy con ho, hay nóng sốt là chị lại gọi điện mời vị bác sĩ quen, trước đó công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác ấy đã về hưu nhưng tận tình lắm. Mình gọi là bác ấy đến ngay không quản trời nắng trời mưa. Tiền công thì vô chừng lắm, tùy tâm người nhà". Từ năm 2008, mỗi lần mời bác sĩ về nhà khám, chị Hồng lại bỏ vào phong bì 500 nghìn đồng để cảm ơn. Giá đó cứ tăng dần theo bão giá. Kinh nghiệm của chị Hồng là: muốn bác sĩ nhiệt tình, lần sau gọi điện họ đến thì cũng nên rộng tay. Các bác sĩ đến khám toàn đi taxi, có ai tự đi xe máy đâu. Khoản tiền đó mình phải ước lượng để trả. Nếu mình đưa con đi khám bệnh cũng phải thuê taxi, mà khả năng lây bệnh lại cao hơn".
 Dịch vụ "Bác sĩ tại gia" đắt hàng mùa bệnh tay, chân, miệng ảnh 1
Thuê bác sĩ về nhà khám đang trở thành giải pháp của nhiều gia
đình vì ngại chờ đợi như thế này tại bệnh viện công.

Mới đây, cu Tít nhà chị Hồng bị sốt, viêm phế quản, sợ con có khả năng mắc tay chân miệng nên chị lại mời vị bác sĩ này đến khám. Cả chi phí taxi và công khám, kê đơn thuốc... chị Hồng chi hết 1 triệu đồng. "Nếu cần xét nghiệm, người bác sĩ này sẽ giới thiệu địa chỉ cho mình nên cũng yên tâm. Đó là nhà cô ấy cách nhà chị có 7km đấy, cách xa hơn chắc phải thêm tiền vì phí đi lại", chị Hồng cho biết. Con gái 9 tháng tuổi của gia đình chị Bùi Thị Chung (Lĩnh Nam, Hà Nội) ít khi bị nóng sốt như những bé khác, nhưng gần đây cháu bị đi tước do mọc răng. Chị Chung lại sợ con bị rối loạn tiêu hóa. Lo sợ là vậy nhưng gia đình chị kiên quyết giữ con ở nhà vì cho rằng đưa con đến bệnh viện sẽ mắc thêm bệnh. Chị gọi điện đến một phòng khám có dịch vụ khám và xét nghiệm tại nhà. Sau nửa giờ, có một bác sĩ và một nhân viên xét nghiệm đến làm. Kết quả chỉ là đi tước để mọc răng. Chị Chung vẫn phải trả 2,5 triệu đồng cả chi phí khám và xét nghiệm phân, cộng với tiền đi lại, phí khám bệnh ngoài giờ. Nhiều bà mẹ cho rằng: Nếu tính ra, việc thuê bác sĩ về tận nhà khám cũng không quá đắt so với khám theo yêu cầu ở các bệnh viện mà yên tâm về môi trường "trong lành" hơn ở bệnh viện. Những ngày này, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Khám bệnh lúc nào cũng đông như "chợ Tết", Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 2.000 đến 2.500 ca bệnh khác nhau. Con ốm, chị Phạm Thị Huyền (Đình Bảng, Bắc Ninh) đưa con lên bệnh viện từ rất sớm. "Đi xe buýt và xe khách thì trễ việc mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên vợ chồng chị thuê taxi đi từ Đình Bảng lên đây. Chi phí lượt đi hết 375 nghìn đồng rồi. Nếu bác sĩ từ Hà Nội mà xuống tận Đình Bảng khám thì chị cũng mời về nhà khám cho đỡ vất vả bé", chị Huyền thừa nhận.
Có phải là giải pháp tối ưu?
Tuy nhiên, PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng (trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: Không nên quá ỉ lại vào dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà. Thực tế, những bệnh nhẹ có thể thăm khám tại nhà được nhưng có những bệnh cần phải được làm các xét nghiệm, chiếu chụp tại bệnh viện thì mới có thể tìm ra bệnh. Hơn nữa, bệnh của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh diễn biến phức tạp nên cần phải đến bệnh viện để theo dõi. Tâm lý ngại đến bệnh viện vì sợ con lây thêm bệnh, sợ chờ đợi trong cảnh đông đúc... thì ai cũng có nhưng tùy vào trường hợp mà e sợ.
 Dịch vụ "Bác sĩ tại gia" đắt hàng mùa bệnh tay, chân, miệng ảnh 2
Bệnh viện Nhi Trung ương lúc nào cũng rơi vào tình trạng quá tải,
nhiều người sợ cảnh này nên chấp nhận bỏ tiền triệu thuê bác sĩ về nhà.

Nhiều trường hợp, cha mẹ sợ con sẽ nặng bệnh thêm khi tiếp xúc nhiều bệnh nhân khác trong bệnh viện nên "phong tỏa" con trong nhà, tự mua thuốc chữa đến khi bệnh nặng hơn mới ôm con vào viện. Một vị bác sĩ tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương phàn nàn, nhiều lần ông được các gia đình mời đến tận nhà để khám bệnh cho con. Nhưng khi đến khám ông nhận thấy cứ ôm kỹ con, nhốt con trong nhà, cách ly một cách thiếu khoa học, có thể còn làm bệnh nặng hơn. "Không chỉ tâm lý muốn mời bác sĩ về nhà khám, nhiều bậc cha mẹ còn ngại đưa con đến bệnh viện khám vào ban ngày vì sợ đông đúc, chờ lâu. Họ chọn biện pháp cứ đến tối ôm con chạy vào thẳng khoa cấp cứu và yêu cầu được cấp cứu. Trong khi đó, bệnh chỉ sốt nhẹ, hay khò khè... cho đơn thuốc mua về nhà uống là xong. Chính vì tâm lý này mà đôi khi vào ban đêm các bác sĩ cũng phải làm việc quá tải" - bác sĩ Dũng cho biết.
P.Thúy