Ngày 29/12, tại Hà Nội diễn ra chương trình Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020. Diễn đàn đối thoại chuyên biệt về kinh tế Việt Nam sẽ phân tích, đánh giá, chuyên sâu của các chuyên gia kinh tế về các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 cũng như những thách thức của nền kinh tế trong năm 2020.
Với mong muốn truyền tải những thông tin, kiến thức của nền kinh tế giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thêm am hiểu và có định hướng tối ưu cho doanh nghiệp của mình, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan hơn về nền kinh tế, chương trình Đối thoại Kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2019 và thách thức kinh tế 2020”.
Tại sự kiện này, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, phân tích và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2020, đồng thời các doanh nghiệp tham dự chương trình có cơ hội được giao lưu và tìm kiếm giải pháp quản trị doanh nghiệp.
Mở đầu buổi đối thoại kinh tế Việt Nam 2020, Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị Thế giới đánh giá cao và ấn tượng trước tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2019, GDP tăng trưởng 7,02%.
Có thể nói đây đây là con số tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới trong bối cảnh nhiều nền kinh tế suy giảm”.
Các chuyên gia, khách mời tại buổi đối thoại cho rằng, kinh tế tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng và khối doanh nghiệp này cần tạo mọi điều kiện để bứt phá. Ảnh: Vũ Phương. |
Giáo sư Võ Đại Lược cũng chỉ rõ: “Năm vừa qua nhiều nền kinh tế lớn đều suy giảm như Trung Quốc chỉ còn 6%, trong khi đó nhiều năm qua Trung Quốc luôn tăng trưởng cao từ 9-10%. Năm 2019 nền kinh tế Ấn Độ cũng vậy giảm đáng kể.
Phải khẳng định rằng, kinh tế Việt Nam năm qua đạt tốc độ tăng trưởng 7,02% là điều rất đáng mừng và sẽ tạo động lực để năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển.
Có thể chỉ ra nhiều cái được của kinh tế Việt Nam năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 10 tỷ cũng đáng rất khích lệ, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Yếu tố quan trọng, được thế giới đánh giá cao, Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định. Làm ăn ổn định doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư. Có thể nói Việt Nam ổn định nhất trong khu vực và châu Á”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện.
Chúng ta hay nói đạt và vượt 12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, còn lại nhiều chỉ tiêu đạt.
Tuy nhiên, đằng sau cái đạt và vượt đó có những chỉ tiêu liên quan đến môi trường nói là đạt, nhưng môi trường sống như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại kém hơn. Bởi vậy chúng ta nên nhìn lại và đánh giá kết quả đạt được”.
Ông Cung cũng chỉ ra: “Xuất nhập khẩu cũng vậy đạt trên 500 tỷ đô la Mỹ, chỉ là mặt được của vấn đề. Đằng sau con số tăng trưởng đó kinh tế Việt Nam cũng độ mở lớn, như vậy độ rủi ro cũng rất cao.
Nhìn sâu hơn, chúng ta đạt được thành tựu đó, như xuất khẩu cao, nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta đang lệ thuộc mức độ nào đó vào đầu tư nước ngoài và cũng phụ thuộc vào một số thị trường.
Trong khi đó chúng ta nói phải đa dạng thị trường, nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu năm 2019, cả ở thị trường gia tăng và thị trường giảm xuống thì chúng ta càng nhìn thấy rủi ro, rễ bị tổn thương khá lớn.
Cần phải nhìn sâu hơn, nhìn thấy điểm yếu, điểm dễ tổn thương của nền kinh tế Việt Nam để ứng phó trước biến động, tác động từ bên ngoài”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế 2020 gồm xuất khẩu, FDI, công nghiệp sản xuất, khai khoáng.
Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát |
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Ở mức độ nào đó thì nhận định trên là chính xác, nhưng tôi cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế năm 2020 tiếp tục nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Ngoài ra, những nỗ lực cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng.
Thực tế cho thấy xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân trong nước khoảng 18%, cao hơn rất nhiều so với khu vực đầu tư nước ngoài FDI.
Kinh tế tư nhân trong nước đang nổi lên như một động lực hết sức quan trọng, năm 2020 kinh tế khu vực này tiếp tục phát triển, đóng góp lớn cho nền kinh tế”.
Giáo sư Võ Đại Lược cũng đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng vấn đề Giáo sư Võ Đại Lược cho rằng, giải pháp cụ thể để khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân bứt phá chưa đủ, chưa rõ.
“Doanh nghiệp tư nhân họ vẫn kêu lắm, phải đi vay mức lãi suất cao lên đến 10%, trong khi đó nhiều khu vực đầu tư nước ngoài họ được vay nước họ với lãi suất ưu đãi từ 1-3%.
Cần phải có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển bứt phá. Có nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp lớn, còn lại nhỏ và vừa và siêu nhỏ như vậy khó cạnh tranh với quốc tế.
Chúng ta phải thay đổi nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân Việt, ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt nhất”, Giáo sư Võ Đại Lược nói.