(GDVN) - Sẽ có người trách Fabregas tàn nhẫn khi dứt áo rời bỏ Arsenal nhưng đôi khi con người ta phải biết tàn nhẫn để sống tốt hơn.
Fabregas tiếp tục cự nự Arsenal
Hôm nay, Fabregas và Wenger tiếp tục đấu trí
Barca dành áo số 4 cho Fabregas, Arsenal tìm người thay thế
Cesc Fabregas sẽ không tới Đức tập huấn cùng Arsenal. Anh chắc chắn cũng sẽ không tham gia trận đấu giao hữu với Cologne vào ngày 23/7. Lý do thì vẫn như cũ: chấn thương chưa kịp bình phục.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt những phản ứng của Fabregas với Arsenal, mà cụ thể là với HLV Wenger, từ tẩy chay buổi tập cùng đồng đội, giam mình trong phòng gym tới quyết định không tham gia du đấu hè, dù sự vắng mặt của anh sẽ khiến Pháo thủ tổn thất về tài chính và ‘khó ăn nói’ với các đối tác.
Barcelona là tình yêu lớn trong đời Fabregas. |
Người ta cũng không thể biết rằng liệu khi nào thì chấn thương của Fabregas mới hồi phục và khi nào anh có thể trở lại thi đấu? Khi được trở lại Barcelona chăng? Trong cuộc đấu trí với Arsene Wenger, Cesc đang thắng thế và sớm muộn gì Wenger cũng phải đồng ý nhả người, bởi một người thông minh như ‘Giáo sư’ thừa hiểu, không thể khăng khăng giữ lại một cầu thủ đã không còn toàn tâm toàn ý với đội bóng. Đó chỉ là một cái xác không hồn. Vấn đề còn lại chỉ là lời đề nghị Barca sắp đưa ra có sức nặng đến đâu mà thôi.
Một số người - những CĐV ruột thịt của The Gunners - sẽ chê trách Cesc bạc tình bạc nghĩa, bởi dù gì, đó cũng là CLB mà anh đã gắn bó suốt 8 năm, được đá chính khi mới 17 tuổi và 21 tuổi đã được trao băng đội trưởng. Nhưng ở phía khác, sẽ có rất nhiều người đồng tình với Fabregas, bởi Emirates (và Highbury) chỉ là nơi tiền vệ người Tây Ban Nha nương náu, Nou Camp mới là mái nhà thực sự của Cesc.
9 tuổi, Cesc đã theo ông nội đến Nou Camp xem Barca. 10 tuổi, anh bắt đầu học việc ở La Masia. 14 tuổi, bố mẹ li hôn, Cesc nhận được món quà an ủi đầy ý nghĩa từ Pep Guardiola - chiếc áo số 4 cùng lời hứa, “một ngày nào đó cậu sẽ là số 4 của Barcelona”. Tình yêu Barca ngấm vào máu thịt của Cesc qua từng năm, từng tháng. Những đứa trẻ ăn uống, tập luyện trong ‘nông trang’ La Masia vẫn luôn ngước mắt nhìn sang sân Nou Camp ở kế bên để mơ về một ngày được chơi bóng ở sân bóng huyền thoại ấy. Trong số đó có Messi, có Pedro, có Pique và dĩ nhiên là cả Cesc - thế hệ ưu tú sinh năm 1987.
Cesc Fabregas là người con của Barcelona, của xứ Catalan. Anh yêu Barca và thực sự muốn chơi bóng ở Barca. Nó hoàn toàn không giống thứ tình yêu mơ hồ của Cris Ronaldo, với lời thề thốt, “hồi bé, tôi đã mơ được chơi cho Real Madrid”.
Người ta không thể sống mà không có khát vọng. Cũng không thể sống mà không đuổi theo khát vọng lớn nhất của cuộc đời. Cesc là người như vậy, anh chọn Barca dù ở nơi đó anh không cho anh nhiều tiền và sự kính trọng như Arsenal, cũng không có băng đội trưởng và thậm chí một suất đá chính cũng không chắc chắn.
Vì Barca, Cesc có thể tàn nhẫn với Wenger cùng các gooner. |
Đổi lại, Barca sẽ trao cho Cesc những cơ hội, cơ hội gia nhập top những ngôi sao tinh túy nhất của bóng đá thế giới và xa hơn là cơ hội giành những danh hiệu cao quý nhất, Champions League và Quả bóng Vàng.
Fabregas muốn ra đi, Nasri cũng thế còn Clichy giờ đã tung tẩy ở Man City, Arsene Wenger vẫn khăng khăng Arsenal sẽ vô địch Premier League theo một cách rất duy ý chí. Wenger cũng khư khư giữ cái triết lý bóng đá của riêng mình, với chính sách mua rẻ bán đắt, săn lùng những cầu thủ trẻ, không chiêu mộ các ngôi sao đã thành danh và hạn chế tăng thu nhập cho các cầu thủ để tránh phá vỡ khung lương.
Ở một khía cạnh nào đó, Wenger có thể tự hào rằng mình thành công với những bản hợp đồng mua rẻ bán đắt kiểu Vieira, Anelka hay Fabregas. Nhưng ở những khía cạnh khác, Wenger lại thất bại mà quan trọng nhất là trên phương diện danh hiệu. Những danh hiệu sẽ nâng tầm các câu lạc bộ và đó là lý do Man United trở thành thương hiệu thể thao số 1 hành tinh theo tính toán của Forbes, trong khi Arsenal chỉ xếp thứ 7.
Wenger từng học kinh tế học ở đại học Strasbourg và còn nhận bằng thạc sĩ. Nhưng có lẽ, ‘Giáo sư’ không nhận ra rằng kiến thức về kinh tế thu lượm được từ 40 năm trước đã quá lỗi thời trong thời buổi hiện tại. Con người ngày nay không thể thành công với thứ kinh tế tiểu thương, manh mún vô cùng cũ kĩ. Bóng đá hiện đại cũng vậy, không đầu tư thì không thể thành công (dù bạo chi sẽ tiềm ẩn nguy cơ phá sản). Barca có một lò đào tạo chuẩn mực nhưng mỗi năm vẫn phải tăng cường thêm một vài ngôi sao cỡ bự.
Wenger sẽ không bao giờ dám chi 12 triệu bảng cho một cầu thủ 18 tuổi như Cris Ronaldo, nhưng Ferguson thì dám và 6 năm sau thu về 80 triệu bảng. Đó mới là bản hợp đồng thành công nhất về mặt kinh tế trong lịch sử, chứ không phải những Vieira, Anelka hay Overmars. Dĩ nhiên, nó không phải là thứ khiến Sir Alex tự hào nhất, nói về tự hào thì phải là 2 chiếc cúp bạc Champions League và 12 danh hiệu Premier League.
Sẽ có người trách Fabregas tàn nhẫn khi dứt áo rời bỏ Arsenal nhưng đôi khi con người ta phải biết tàn nhẫn để sống tốt hơn.
Vieira, Henry, Hleb, Flamini, Toure, Adebayor, Clichy… Tất cả đều đã một lần tàn nhẫn.
Nguyễn Đỉnh
{iarelatednews articleid='8265,8263,8179,8047,7901,7806,7684,7393,7133,7104,7020'}