Khi các trường lập nhóm xét tuyển, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng?

09/05/2017 07:01
Thùy Linh
(GDVN) - Việc xét tuyển năm 2017 là do chính các trường chủ động, Bộ không can thiệp và nhóm xét tuyển cũng không can thiệp.

Theo quy chế tuyển sinh 2017 quy định, thí sính được đăng kí xét tuyển với số nguyện vọng không hạn chế trong xét tuyển đợt 1 khiến nhiều trường đại học lo ngại thí sinh ảo tăng mạnh, ảnh hưởng đến việc xác định điểm chuẩn. 

Tại cuộc họp về tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc với sự tham gia của 41 cơ sở đào tạo đại học từ Hà Tĩnh trở ra, được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào sáng 8/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Tính đến nay, vấn đề lớn nhất trong việc xét tuyển của các trường là các trường sẽ rất khó biết thí sinh trúng tuyển vào trường mình có thể trúng tuyển vào trường nào khác nữa để đưa ra điểm chuẩn chính xác.

Bởi lẽ, phần mềm của Bộ chỉ lọc một lần dữ liệu các trường đưa lên để loại ra những thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn.

Do các trường không thảo luận được với phần mềm của Bộ nên rất khó chọn điểm chuẩn bao nhiêu cho vừa vì mỗi trường chỉ biết thí sinh đăng ký vào trường mình.

Xét tuyển đại học theo nhóm trường, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng? (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Xét tuyển đại học theo nhóm trường, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng? (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Chính vì vậy, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Việc lập nhóm xét tuyển là rất quan trọng, nó không chỉ có lợi cho chính các trường mà còn có lợi cho thí sinh, giúp cho việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng hơn. Bộ khuyến khích việc này”.

Mặc dù  trong quy chế không quy định việc các trường phải lập nhóm xét tuyển và việc tham gia nhóm là tự nguyện nhưng qua thống kê dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy, hầu hết thí sinh đăng ký theo 2 nhóm, hoặc là các trường phía Nam hoặc là các trường phía Bắc, số lượng thí sinh từ phía Nam đăng ký ra các trường phía Bắc hay ngược lại rất ít.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyên các trường phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) lập nhóm xét tuyển chung do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì và các trường từ Hà Tĩnh trở ra lập nhóm xét tuyển phía Bắc do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Khi các trường lập nhóm xét tuyển, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng? ảnh 2

Năm nay, dù bị điểm liệt nhưng thí sinh vẫn có thể đỗ đại học

Và, theo Thứ trưởng Ga, Bộ sẽ dành ra thời gian 3 ngày (từ 25-28/7) để các nhóm tổ chức xét tuyển chung trước khi chạy phần mềm xét tuyển của Bộ vào 28/7.

Theo đó, việc xét tuyển theo nhóm sẽ chạy cơ sở dữ liệu chung của tất cả các trường trong nhóm, thậm chí cơ sở dữ liệu của cả nước để đưa ra điểm chuẩn dự kiến của các trường. 

Sau khi việc xét tuyển theo nhóm đã xong, các trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ gửi dữ liệu lên Bộ để Bộ tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo một lần nữa giữa 2 nhóm Nam - Bắc và các trường ngoài nhóm.

Việc xét tuyển vẫn là do các trường chủ động, Bộ không can thiệp và nhóm xét tuyển cũng không can thiệp.

Các trường tự chọn điểm chuẩn phù hợp, điều chỉnh thông số tuyển chọn phù hợp với các ngành nghề. Nhóm chỉ cung cấp thông tin để giúp các trường xác định điểm chuẩn phù hợp nhất.

"Với việc xét tuyển theo nhóm như vậy thì các trường có thể yên tâm rằng khi một thí sinh trúng tuyển thì thí sinh đó chỉ có thể vào trường mình hoặc bỏ không học chứ không trúng tuyển 2 nơi khác nhau" - ông Ga khẳng định.

Ông Ga cũng cho biết, năm nay là năm đầu tiên cả nước thực hiện xét tuyển theo nhóm lớn, mặc dù không bắt buộc tham gia nhóm nhưng các trường nên cân nhắc bởi lẽ việc xét tuyển theo nhóm không chỉ có lợi cho các trường mà còn có lợi cho thí sinh.

Bộ giúp các trường "lọc ảo" bằng cách nào?

Qua phân tích của Thứ trưởng Ga cho thấy, việc các trường tham gia xét tuyển theo nhóm với cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp các trường lọc ảo tốt hơn khi lọc được những thí sinh trúng tuyển vào các trường khác trong nhóm. 

Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn băn khoăn khi nhiều yếu tố ảo khác ảnh hưởng tới việc xét tuyển như thí sinh đăng ký vào các trường công an, quân đội, thí sinh tuyển thẳng, thí sinh tuyển bằng học bạ…

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tại cuộc họp của các trường đại học phía Nam diễn ra cách đây vài hôm thì vấn đề lọc ảo cũng là vấn đề được nhiều trường thắc mắc nhất. Nhưng cuối cùng các trường cũng đã đi đến thống nhất chung.

Khi các trường lập nhóm xét tuyển, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng? ảnh 3

2 số điện thoại hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2017



Và Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học giải thích thêm rằng, đối với các trường hợp học sinh trúng tuyển nhưng đi du học, tuyển thẳng thì thường rơi vào các trường đại học tốp trên và cũng không nhiều, không ảnh hưởng quá lớn đến việc xét tuyển.

Đối với những trường tốp trên xét tuyển theo học bạ cũng không nhiều.

Tuy nhiên, Bộ sẽ làm việc để các trường này kết thúc xét tuyển theo học bạ trước khi việc xét tuyển theo nhóm bắt đầu để có thể loại thí sinh này ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung.

Đối với các trường công an và quân đội, đến thời điểm này, Bộ đã làm việc để các trường thuộc 2 khối này cung cấp dữ liệu trúng tuyển cho 2 nhóm để việc lọc ảo tốt hơn.

Điều này được Phó giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, năm 2017, chỉ tiêu của 2 khối trường công an và quân đội giảm mạnh, nến số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường này sẽ không lớn.

Lo lắng cơ sở hạ tầng

Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến lo lắng rằng, năm 2016, nhóm GX chỉ có 12 trường nhưng năm nay, hình thành nhóm miền Bắc với số lượng trường lên tới 40 thậm chí có thể lớn hơn thì sẽ khó đảm bảo tính thống nhất của nhóm.

Khi các trường lập nhóm xét tuyển, quyền lợi của thí sinh có bị ảnh hưởng? ảnh 4

Nếu thí sinh ghi sai nguyện vọng sẽ bị phần mềm loại bỏ

Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội băn khoăn:

Khi nhóm đông thì đưa ra quyết định thống nhất không dễ dàng.

Do đó, nên chia thành nhiều phòng nhỏ, các phòng cùng nhóm ngành, cùng tổ hợp xét tuyển sẽ dễ dàng thảo luận và đưa ra điểm chuẩn chính xác”.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thuỷ Lợi cũng cho rằng, năm nay các nhóm gồm nhiều trường tham gia nên cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chạy điểm cho nhanh. 

Quy định chốt điểm chuẩn vào các trường và các ngành phải thực hiện chặt chẽ, các trường đã ký chốt điểm chuẩn rồi thì cứ thực hiện, chỉ cần thay đổi nhỏ cũng làm khó cho các trường khác” - ông Thụ nói.

Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, năm nay số lượng trường đông hơn năm ngoái nhưng số lượng thí sinh đăng ký thì chỉ nhiều hơn gấp đôi hoặc gấp 3 năm ngoái vì vậy cơ sở hạ tầng hoàn toàn có thể đáp ứng được.

"Năm ngoái chúng tôi định chạy trên một server riêng nhưng cuối cùng chỉ chạy trên một chiếc máy tính xách tay và mỗi lần chạy chỉ vài chục giây là xong" - ông Sơn khẳng định.

Thùy Linh