Ngày 19/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục. Thông tin từ hội nghị này cho biết, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương thực hiện tuyển dụng, quản lí, sử dụng số biên chế được giao. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở hầu hết các địa phương, nhất là các môn tiếng Anh, Tin học, Âm học, Mĩ thuật. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.191 giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông.
Trước đó, ngày 18/8/2024, thông tin về điểm chuẩn của các ngành sư phạm trong cả nước được công bố, nhiều người bị “sốc” vì điểm quá cao so với những năm trước đây. Trước hết nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thực trạng nền kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19, vị trí của ngành giáo dục đào tạo cũng như nhà giáo đã được xã hội thực sự quan tâm.
Mặt khác, vì nhiều yếu tố khác nhau mà các địa phương chưa đăng kí chỉ tiêu với ngành giáo dục nên Bộ không có cơ sở phân bổ chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm. Số thí sinh đăng kí xét tuyển vào các ngành giáo dục và sư phạm năm nay tăng mạnh, nhưng chỉ tiêu xét tuyển từ 20-40 nên điểm trúng tuyển “vọt” cao. Nếu nhìn vào điểm cao của các ngành đào tạo giáo viên để nhận định “sư phạm lên ngôi” cũng chỉ đúng ½. Nửa còn lại chính là áp lực quá lớn cho các trường sư phạm.
Để có đội ngũ chất lượng, các trường sư phạm phải mất nhiều năm “gồng gánh” để đào tạo, thu hút nhân lực trước bối cảnh cạnh tranh nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, khi có nguồn lực mạnh thì chỉ tiêu “năm có năm không” và cũng chỉ có vài chục chỉ tiêu/ ngành, trong khi năng lực tự xác định có thể đến hàng trăm. Học phí sư phạm ở mức sàn, sinh viên sư phạm còn có sinh hoạt phí, nhưng chính sách cho giảng viên thì không… Rõ ràng vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn cho chính các cơ sở đào tạo giáo viên.
Một góc nhìn khác, cũng cùng môn Lịch sử nhưng với sư phạm Lịch sử và khoa học Lịch sử điểm đầu vào có nơi chênh nhau đến chục điểm. Trong khi, một số phụ huynh cũng xác định bỏ tiền cho con học cử nhân khoa học để sau này có cơ hội học thêm nghiệp vụ sư phạm để được đi dạy Lịch sử. Theo họ, nếu với chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào giao như hiện nay, chừng mấy năm nữa một số môn vẫn tiếp tục thiếu giáo viên và giải pháp ứng phó cũng phải dựa vào nguồn cử nhân khoa học có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Ngày 12/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Có thể nói sau 10 thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đào tạo cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại đã được Bộ Chính trị chỉ ra hết sức xác đáng đồng thời các nhiệm vụ trọng tâm được kết luận cũng hết sức căn bản.
Tuy nhiên, để triển khai Kết luận này một cách căn cơ và để công cuộc đổi mới “căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” thành công, có lẽ vẫn cần phải bắt nguồn từ gốc. Điều đó có nghĩa là, để thành công phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ giáo viên là căn bản. Để có được chất lượng giáo viên thì trước hết là phải tập trung đầu tư vào “máy cái” (tức là các trường sư phạm). Bởi vì đây chính là đơn vị thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, một là đào tạo mới đội ngũ giáo viên, hai là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có.
Theo đó, có 4 vấn đề đáng được quan tâm để triển khai Kết luận 91 lần này:
Thứ nhất, trường sư phạm cần phải có đội ngũ giảng viên chất lượng để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng. Điều đó rất cần ngân sách đặt hàng nghiên cứu về khoa học giáo dục. Giảng viên sư phạm phải tập trung đầu tư nghiên cứu về khoa học giáo dục có chất lượng để đào tạo sinh viên, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực cho các bên liên quan.
Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên dành kinh phí để đào tạo giảng viên sư phạm đạt trình độ cao với điều kiện cam kết cống hiến trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Có chính sách với nhà giáo dạy mần non, phổ thông thì cũng phải có chính sách đặc thù với giảng viên sư phạm. Để giảng viên sư phạm vừa là nhà giáo tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vừa là chuyên gia giáo dục để tư vấn cho ngành giáo dục và xã hội.
Thứ hai, trường sư phạm cần phải được đầu tư cơ sở vật chất tổt nhất, với không gian học tập, nghiên cứu phù hợp; có cơ sở thực hành, thực tập hiện đại… Các trường sư phạm cũng cần được đầu tư các cơ sở thực hành sư phạm chất lượng cao như bệnh viện trong trường y; hệ thống thông tin của trường sư phạm cần phải được kết nối với các trường phổ thông, nhất là hệ thống thư viện. Ngân sách đầu tư cho giáo dục cần được tăng tịnh tiến với tăng trưởng nền kinh tế và các trường sư phạm cần phải chăm lo đầu tư theo đó.
Thứ ba, “đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng” cần phải được hiện thực. Qua kết quả tuyển sinh sư phạm, có lẽ chính sách 116 đã được phát huy tác dụng, nhưng cũng cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Đồng thời cần hơn và sẽ bền vững hơn vẫn là chính sách tiền lương cho giáo viên chứ không chỉ tập trung ở khuyến khích người học. Mặt khác, đối với các ngành khoa học cơ bản - lĩnh vực không kém phần quan trọng; song hành, hỗ trợ giảng viên đại học cũng như sẵn sàng cung ứng nguồn lực chất lượng cho giáo viên phổ thông khi cần thiết – cũng cần phải có chính sách thu hút người học.
Thư tư, xây dựng Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, cần thúc đẩy để sớm có văn bản luật chất lượng, làm hành lang pháp lí để bảo vệ, quản lí, trọng dụng… nhà giáo, góp phần hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Một trong những nội dung quan trọng cần nhất quán thực hiện, đó là “giấy phép hành nghề”. Cần lưu ý, đây là một loại giấy phép để bảo vệ các nhà giáo chân chính, kiểm soát tình trạng “nhốn nháo” mang danh giáo dục len lỏi trong các ngõ ngách của xã hội.
Tuy nhiên để “giấy phép” này không bị “thị trường hóa” thì cũng cần phải quản lí, kiểm soát. Có lẽ tiếp cận vấn đề này đừng lẫn lộn giữa giấy phép hành nghề với chứng chỉ nghiệp vụ như một số ý kiến đăng đàn bày tỏ boăn khoăn. Tốt nhất nên triển khai như “giấy phép hành nghề y” hiện nay là phù hợp với điều kiện của chúng ta. Để nhà giáo được cấp phép hành nghề có trách nhiệm với nghề nghiệp, phải luôn tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và liên tục hành nghề… để làm giáo dục đúng nghĩa.
Đọc những thông tin về giáo dục gần trăm năm trở lại đây, chưa có thời nào các học giả không lo lắng, băn khoăn về giáo dục hiện thời. Nhưng cũng xem xét thật kĩ lại những mảnh ghép của giáo dục cũng có thể nhận thấy dù còn nhiều thứ chưa như mong đợi, nhưng “bức tranh” tổng thể ngày càng hiện rõ hơn và tươi đẹp hơn so với quá khứ.
Nếu cứ mãi chê trách, phàn nàn về ngành giáo dục với những điều chưa được, mà không chung cùng hợp lực, cùng nhau làm giáo dục, thì cũng khó có thể tự nhiên có một nền giáo dục tốt đẹp. Giáo dục là quá trình tiến hóa, cần kiên quyết sáng tạo, kiên trì thực hiện trên tinh thần kiên định mục tiêu hướng đến “chân – thiện – mĩ”, do vậy cần quyết tâm chính trị của toàn hệ thống để Kết luận 91 sớm đi vào cuộc sống.