Kẻ thù nguy hiểm nhất là sự cám dỗ

20/05/2012 23:22
Đặng Thị Hương
(GDVN) - Sự nguy hiểm của nghề báo đôi khi nằm trong chính lòng tham và sự thiếu kiên trinh với nghề của nhiều người.

Những năm gần đây, trong những đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng, các ngành học thuộc khoa học xã hội luôn rơi vào tình trạng “ế ẩm” thí sinh. Tuy nhiên, khoa báo chí hay báo chí và truyền thông là một trong những ngoại lệ. Theo chân nghiệp viết lách, rất nhiều bạn trẻ cho rằng đó là một nghề hot, được đi khắp nơi và hơn hết, trở nên giàu có.

Đặc trưng nghề nghiệp buộc nhà báo phải lăn xả khắp các hang cùng ngõ hẻm, họ là những người gần sự thật hơn bất kì ai. Với trách nhiệm xã hội của mình, đáng lẽ nhà báo phải đưa tin trung thực, khách quan muôn mặt cuộc sống đến độc giả.

Song, một số người, với lòng tham không đáy, đã bẻ cong ngòi bút, đưa tin phiến diện một chiều, nhằm trục lợi cá nhân. Họ đe dọa đối tượng phải trả tiền bằng không sẽ đăng bài bất lợi, bôi nhọ danh dự. Họ ra giá cho ngòi bút và nhân phẩm của chính mình. Vụ nhà báo Hà Phan, nguyên phó Tổng thư kí báo Tiền phong “hù dọa” Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ số tiền 200 triệu là một dẫn chứng đau lòng.

Nhà báo Hà Phan bị xét xử vì nhận hối lộ
Nhà báo Hà Phan bị xét xử vì nhận hối lộ

 
Mặt khác, khi nắm trong tay những chứng cứ bất lợi về một cá nhân và tổ chức nào đó, nhà báo rất dễ bị mua chuộc. Và thực tế, không ít người đã “nhắm mắt làm ngơ”, im lặng để cái ác, cái xấu hoành hoành trong xã hội. Điều đáng nói là không chỉ những nhà báo trẻ, thiếu kinh nghiệm sống hay những người có chất lượng cuộc sống thấp mới bị sập bẫy mà ngay cả những nhà báo dạn dày kinh nghiệm, có nhiều năm công tác trong nghề, cuộc sống khá giả cũng không thoát khỏi cạm bẫy tiền tài. Chắc nhiều người còn nhớ vụ nhà báo Trần Mai Hạnh bị tuyên phạt 10 năm tù vì nhận hối lộ 6.000 USD và chiếc đồng hồ trị giá 2.500 USD.

Ngoài ra, nỗi nguy hiểm của nghề báo còn là sự thiếu kiên trinh với nghề của nhiều người “bước vào cuộc chơi và… bỏ cuộc chơi”. Nghề báo nhiều vinh quang nhưng cũng đầy nghiệt ngã. Nhà báo “múa bút” trước trăm nghìn người, chỉ cần viết sai hay viết dở đều bị độc giả tẩy chay. Làng báo Việt đã từng chứng kiến sự “biến mất” của không ít nhà báo đã từng có tác phẩm gây được tiếng vang. Dường như chúng trở thành cái bóng quá lớn khiến họ không thể bước qua. Nhìn đâu họ cũng thấy toàn những đề tài cũ kĩ, nhỏ nhặt, chẳng đáng viết. Vì tuổi tác hay sức khỏe, họ hết hứng thú với những chuyến đi, không thể hoặc không có ý định làm mới chính mình, do đó, không bắt kịp với nhịp điệu cuộc sống.

Có thể nói: sự nguy hiểm đáng sợ nhất của nghề báo không phải xuất phát từ phía xã hội mà xuất phát từ chính những người trong cuộc. Để bám trụ kiên cường với nghề, trước hết, nhà báo phải biết giữ mình trước những cám dỗ vật chất tầm thường. Muốn vậy, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, mỗi nhà báo phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, tôi luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Phải biết hướng tới những giá trị chân thiện mĩ của cuộc đời. Có như vậy mới xứng đáng là những người mang “quyền lực thứ tư”.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Đặng Thị Hương