Các trường đại học địa phương ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù địa phương.
Bên cạnh những cơ hội mang lại, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay cũng tạo ra nhiều thách thức đi kèm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các trường đại học địa phương ở Việt Nam hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh toàn cầu hóa mang lại.
Một số người cho rằng, hiện nay, vị trí và vai trò của các trường đại học địa phương trong tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng và chính thức do đó cần phải có định nghĩa về “trường đại học địa phương” trong Luật Giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp |
Tuy nhiên trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không cần thiết phải đưa khái niệm “trường đại học địa phương” vào Luật Giáo dục đại học bởi điều này chỉ thể hiện phân cấp quản lý mà thôi".
Trong khi, Điều 69, Luật Giáo dục đại học 2018 đã nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục đại học tại địa phương; thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại băn khoăn về vai trò của Hội đồng trường ở các trường đại học địa phương liệu có được “thực quyền” khi mà Nhà trường đang chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh thì theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, từ năm 2015 trở lại đây, theo Bộ Luật dân sự 2015, khái niệm về các hình thức sở hữu đã có sự thay đổi rất lớn. Theo bộ luật này, trong lĩnh vực giáo dục đại học có thể sẽ có nhiều hình thức sở hữu trong đó có sở hữu toàn dân.
Sở hữu toàn dân bao gồm “đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời... và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý”. Rõ ràng với loại sở hữu này, cộng đồng xã hội (tức toàn dân) là chủ sở hữu, còn Nhà nước chỉ là “đại diện cho chủ sở hữu” để thực hiện quyền của chủ sở hữu.
Như vậy, tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập lâu nay thuộc sở hữu Nhà nước (trong đó có các cơ sở giáo dục đại học địa phương) nay phải chuyển sang sở hữu toàn dân lấy cộng đồng xã hội là chủ sở hữu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để thực hiện quyền của chủ sở hữu thì chủ sở hữu có thể trực tiếp nắm, cũng có thể ủy quyền cho một pháp nhân hoặc cá nhân nào đó làm đại diện.
Đối với các chủ thể giáo dục đại học công lập, chủ sở hữu (toàn dân) có thể chọn một cơ quan Nhà nước hoặc có thể chọn Hội đồng trường để đại diện cho mình như Điều 16 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục đại học 2018 quy định: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.
Chưa kể Luật Giáo dục đại học 2018 cho thấy, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học chỉ có được khi chủ sở hữu chấp nhận trao quyền đại diện cho Hội đồng trường, chứ không phải cho một “cơ quan chủ quản”nào khác. Và Hội đồng trường là “tổ chức thực quyền cao nhất trong một cơ sở giáo dục đại học”, như Nghị quyết 19-NQ/TW Ban chấp hành trung ương Khóa 12 đã khẳng định.
Mặt khác, Hội đồng trường lại đại diện cho chủ sở hữu nên thành phần của Hội đồng trường phải do chủ sở hữu lựa chọn. Về thành phần, thông thường Hội đồng trường có 2 nhóm thành viên: nhóm đại diện cho quyền lợi của chủ sở hữu và nhóm đại diện cho cộng đồng xã hội (để mở rộng dân chủ).
Chỉ trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu toàn dân thì 2 nhóm này mới nhập làm một. Vì các quyết định của Hội đồng trường tuân theo nguyên tắc đa số nên lẽ thường tình nhóm đại diện cho quyền lợi của chủ sở hữu phải chiếm đa số.
“Nếu trước đây, trường đại học địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, khi đó Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ là cơ quan ban hành cơ chế hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên khi Luật Giáo dục đại học 2018 có hiệu lực và đối sánh với Bộ Luật Dân sự 2015 thì Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước còn chủ sở hữu các trường đại phương chính là cộng đồng xã hội tại địa phương đó.
Và Hội đồng trường mới là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, do đó cơ quan đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng ở địa phương chính là Hội đồng nhân dân, vì vậy Hội đồng nhân dân đóng vai trò chủ chốt trong thành phần của Hội đồng trường. Theo đó Hội đồng nhân dân sẽ ra các Nghị quyết, còn Ủy ban nhân dân là cơ quan thực hiện các Nghị quyết đó”, chuyên gia này nêu quan điểm.