Học Hệ thống giao thông thông minh, ra trường lương tốt, cơ hội thăng tiến nhanh

16/03/2024 06:58
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học ngành Hệ thống giao thông thông minh sau khi ra trường có thể làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, công ty tư nhân, công ty nước ngoài.

Ngành Hệ thống giao thông thông thông minh là một ngành học đặc thù, được đào tạo duy nhất ở Trường Đại học Giao thông vận tải tính đến thời điểm hiện tại.

Năm 2022, Trường Đại học Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Hệ thống giao thông thông thông minh (Mã ngành: 7520219).

Giải mã “cơn khát” nhân lực ngành Hệ thống giao thông thông minh

Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Thành - Trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Chính phủ đã xác định rõ phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba trụ cột chính để phát triển nền kinh tế quốc gia.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm Metro đã được xác định thực hiện trong giai đoạn 2025-2035. Với kế hoạch khối lượng công việc như vậy, trong thời gian tới, đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực xã hội lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn nữa, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải mới có Quyết định số 65/QĐ-BGTVT Ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, Bộ phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia như tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm;...

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu này là minh chứng rõ nét cho thấy hành động quyết liệt của nước ta trong lĩnh vực hệ thống giao thông.

2392aa7c3888d6d68f99.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Thành - Trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Nhận thấy nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, năm 2022, Trường Đại học Giao thông vận tải quyết định mở ngành Hệ thống giao thông thông minh dựa trên nền tảng Hệ thống tín hiệu thông tin đã được đào tạo từ năm 1968 - một trong những bộ môn chuyên ngành truyền thống của trường.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết nối vạn vật; nhà trường triển khai đổi lại tên ngành cho phù hợp, xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo ngành học bắt kịp với xu hướng của hệ thống giao thông thông minh, hiện đại.

“Nhìn chung, hệ thống giao thông vận tải phục vụ cho xã hội hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần so với thực tế, trong khi nhu cầu này luôn tăng lên một cách nhanh chóng. Sứ mạng của cơ sở đào tạo đại học là cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra dịch vụ và giá trị cho con người.

Song, trên thực tế, nhiều học sinh, sinh viên đa phần lựa chọn ngành học theo xu hướng như công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, truyền thông, marketing,... Vì vậy, những ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải chưa dành được nhiều sự quan tâm, trong khi thực trạng số lượng lao động đang bị thiếu hụt”, thầy Tiến Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ về mục tiêu đào tạo ngành học này, Tiến sĩ Trịnh Thị Hương - Trưởng Bộ môn Điều khiển và Tự động hoá giao thông, Khoa Điện - Điện tử phụ trách ngành Hệ thống giao thông thông minh của Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay: Về mục tiêu chung, nhà trường định hướng đào tạo người học có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực phát triển các phần mềm ứng dụng thị giác máy, xử lý các thuật toán điều khiển thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế, tích hợp, lập trình, vận hành, bảo dưỡng hệ thống giao thông thông minh và các ứng dụng của công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải.

Từ đó, người học có khả năng tự học để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.

Về mục tiêu cụ thể, sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư Hệ thống giao thông thông minh sẽ nắm được kiến thức chuyên sâu nghề nghiệp trong các lĩnh vực điện - điện tử, điều khiển tự động, công nghệ thông tin, kỹ thuật đường bộ, đường sắt, các tiêu chuẩn và ứng dụng lập trình máy tính, học máy, xử lý ảnh giao thông, xử lý ngôn ngữ, cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, hệ thống IoT, mạng truyền thông và lập trình PLC,…

Ngoài ra, người học sẽ có kỹ năng tự nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh thích ứng với môi trường làm việc liên ngành, quốc tế.

Thời đại công nghiệp 4.0 liên tục đổi mới và cải tiến, đòi hỏi khả năng tự nghiên cứu khoa học và triển khai các ứng dụng kỹ thuật ở trình độ cao hơn.

Đồng thời, nhà trường còn đào tạo khả năng hình thành ý tưởng, phân tích mô tả, đề xuất giải pháp tối ưu, thiết kế lại, thiết kế mới, triển khai, vận hành và đánh giá các ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

“Nếu ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá giảng dạy trọng tâm về công nghệ thông tin và xử lý dữ liệu, thì ngành Hệ thống giao thông thông minh mở rộng thêm hệ thống kiến thức về kỹ thuật, kết cấu nền đường, công trình, cơ sở hạ tầng và con người tham gia giao thông,...”, Tiến sĩ Trịnh Thị Hương nêu thông tin.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, vị trí việc làm hấp dẫn

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Trịnh Thị Hương cho biết, người học ngành Hệ thống giao thông thông minh sau khi ra trường có thể làm việc ở nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, công ty tư nhân và nước ngoài,...

Cụ thể, những nơi làm việc có thể kể đến như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các công ty quản lý vận hành Đường sắt đô thị, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Tổng Cục Đường bộ, Cục Đường sắt, các Ban Quản lý dự án, Viện Nghiên cứu, Trung tâm Khoa học Công nghệ, các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực Điều khiển - Tự động hoá trong công nghiệp và giao thông vận tải,...

IMG_6746.JPG
Tiến sĩ Trịnh Thị Hương - Trưởng Bộ môn Điều khiển và Tự động hoá giao thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, về vị trí công việc, đầu ra của người học tốt nghiệp ngành này cũng rất đa dạng.

Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành kỹ sư thiết kế, phát triển, vận hành, khai thác, bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống giao thông thông minh cho đường cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Lào Cai, hầm đèo Hải Vân, đèo Cả, hầm Thủ thiêm,…; Kỹ sư thiết kế và vận hành, khai thác ứng dụng của trung tâm quản lý điều hành giao thông tại các địa phương, địa bàn, ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy; Kỹ sư tham gia quản lý, tư vấn về hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông tại cơ quan quản lý nhà nước;

Cùng với đó, các em có thể làm Kinh doanh bán hàng, tư vấn kỹ thuật và cung cấp dịch vụ trong các công ty thương mại và kỹ thuật về tư vấn, thiết kế, lắp đặt hệ thống giao thông; trở thành cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống giao thông thông minh;

Sau khi tốt nghiệp, các em cũng có thể tự khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực hệ thống giao thông thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải.

Ngoài ra, nếu người học có khả năng học tập, muốn nâng cao trình độ sau khi ra trường, thì cũng có thể tiếp tục theo học ở trình độ bậc cao hơn ở cả trong nước và quốc tế.

Phó Giáo sư Bùi Tiến Thành cho biết, tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi cơ quan, tổ chức và khả năng đáp ứng công việc của mỗi người khác nhau; tuy nhiên mức thu nhập trung bình của ngành này dao động khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, tốc độ thăng tiến trong quá trình làm việc khá nhanh.

Ngành Hệ thống giao thông thông minh đào tạo về các mảng lĩnh vực rộng, nên tiềm năng đầu ra công việc cũng rất lớn.

Người học ngành này có khả năng nghiên cứu, phát triển về các lĩnh vực cụ thể như: pha tuyến đèn giao thông, “làn sóng xanh” cho giao thông, lắp đặt trạm thu phí, quản lý phần mềm đỗ xe tự động, phân luồng giao thông đô thị, phát triển bản đồ giao thông số,...

Vì vậy, ngành học này đào tạo lực lượng lao động có nền tảng then chốt, cốt yếu xây dựng nên một hệ thống giao thông thông minh, hiện đại, linh hoạt, kết nối cơ sở dữ liệu dồi dào.

Từ đó, chúng ta định hướng được đúng đắn chủ trương, chính sách về giao thông vận tải. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

tải xuống.jpeg
Hội nghị tổng kết nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Website nhà trường.

Tạo điều kiện cho người học nghiên cứu, thực hành

Theo Phó Giáo sư Bùi Tiến Thành, chương trình học liệu ngành Hệ thống giao thông thông minh xây dựng cho người học từ những kiến thức nền tảng cơ bản, sang các môn cơ sở ngành (như Lý thuyết dòng xe, Lý thuyết tổ chức giao thông, Quản lý giao thông,...), cho đến chuyên ngành (như Làn sóng xanh, Kiểm soát giao thông,...).

Trường Đại học Giao thông vận tải thành lập nhiều trung tâm đào tạo trực tuyến nhằm thực hiện các bài giảng trực tuyến để người học có thể tham khảo, tìm hiểu thêm. Đối với một số môn học, trường có nền tảng e-learning theo dạng “blended learning” hỗ trợ cung cấp kiến thức đắc lực cho giảng viên và sinh viên.

Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình sinh viên và kỹ sư tham gia nghiên cứu, thực hành, mô phỏng máy tính.

Về liên kết hợp tác, trường có thế mạnh truyền thống trong việc làm cầu nối cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đến với các tổ chức, doanh nghiệp, công ty có nhu cầu “đặt hàng”.

Trong quá trình nghiên cứu và học tập tại trường, sinh viên/ kỹ sư sẽ được giới thiệu, tư vấn, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp. Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức các buổi sự kiện, ngày hội việc làm hằng năm để định hướng công việc, phát huy kỹ năng thực hành và quảng bá công tác truyền thông cho người học.

Em Nguyễn Thị Khánh Ly - Sinh viên khóa 64, ngành Hệ thống giao thông thông minh, Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ: “Em quyết định lựa chọn theo đuổi ngành học này bởi vì nhận thấy bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang phát triển nhanh chóng về công nghệ.

Hệ thống giao thông cũng là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm và đẩy mạnh đầu tư. Qua tìm hiểu, tham khảo qua các kênh hướng nghiệp, em lựa chọn theo ngành Hệ thống giao thông thông minh này".

e5cfc9cf-a95f-4e99-8677-7873cbd98799.jpeg
Nguyễn Thị Khánh Ly - Sinh viên khóa 64, ngành Hệ thống giao thông thông minh, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Trong quá trình học tập và rèn luyện của mình, theo Khánh Ly, điểm thuận lợi là được các thầy cô giảng viên hướng dẫn tận tình. Nhiều học phần được giảng dạy rất gần gũi với thực tế. Sinh viên cũng được nắm bắt nội dung kiến thức cụ thể qua liên hệ thực tiễn nên người học dễ tiếp thu hơn.

Ngoài ra, Khánh Ly cũng chia sẻ, để học tốt ngành Hệ thống giao thông thông minh, người học cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn về khoa học tự nhiên, công nghệ phần mềm, công nghệ thông tin, công nghệ giao thông,... phục vụ cho công việc trong tương lai.

Lưu Diễm