Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi là Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước

16/06/2024 06:28
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -GS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi là tân ủy viên HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, đồng thời là Chủ tịch HĐGS ngành Thủy lợi.

Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước đã ký Quyết định số 05/QĐ-HĐGSNN về việc bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029.

Theo danh sách có 16/28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 là thành viên mới so với nhiệm kỳ 2018-2023.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ là 1 trong 16 tân ủy viên tham gia vào Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ mới, đồng thời thầy Thụ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi.

Hiện nay Giáo sư Trịnh Minh Thụ là Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi.

Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã xuất bản 10 cuốn sách

Theo bản lý lịch khoa học tự kê khai (ngày 12/4/2024) trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho thấy, Giáo sư Trịnh Minh Thụ sinh năm 1964. Thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2005, tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore.

Năm 2014, tại Trường Đại học Thủy lợi, thầy Thụ được bổ nhiệm chức danh giáo sư, ngành Thủy lợi, chuyên ngành Địa kỹ thuật.

Giáo sư Trịnh Minh Thụ tham gia Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở - Trường Đại học Thủy lợi từ năm 2010 đến nay.

Từ năm 2017 đến nay, thầy Thụ là thành viên Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi.

thaythu.jpg
Giáo sư Trịnh Minh Thụ là Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi từ năm 2018 đến nay. Ảnh: website Trường Đại học Thủy lợi

Trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã xuất bản 10 cuốn sách, trong đó có 8 sách chuyên khảo và 2 giáo trình.

Từ năm 1995 - 2011, Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã thực hiện 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó, bao gồm các đề tài từ cấp cơ sở, cấp Bộ đến cấp nhà nước.

Một số đề tài Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã thực hiện như:

Đề tài cấp Bộ “Xử lý nền công trình thủy lợi bằng hệ cọc đóng Bê tông cốt thép ở vùng đồng bằng Bắc Bộ”, hoàn thành năm 1995. Giáo sư Trịnh Minh Thụ với trách nhiệm là người tham gia đề tài.

Đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ thiên tai hạn hán ở các tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận), hoàn thành năm 2000. Giáo sư Trịnh Minh Thụ với trách nhiệm là người chủ nhiệm đề tài.

Đề tài gần nhất (hoàn thành năm 2011) là đề tài cấp nhà nước (KC08-03/06-10) “Nghiên cứu đánh giá và dự báo chi tiết hiện tượng trượt - lở và xây dựng các giải pháp phòng chống cho thị trấn Cốc Pài huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang”; Chủ nhiệm đề tài nhánh “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng chống trượt tổng hợp làm cơ sở khoa học cho lập dự án đầu tư phát triển bền vững”.

Trong hoạt động công bố khoa học, tân Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Trịnh Minh Thụ đã xuất bản 67 bài báo khoa học, trong đó có 38 bài báo bằng tiếng Việt và 29 bài báo bằng tiếng Anh.

Tính thời gian 5 năm gần đây, thầy Thụ có 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học trong nước, 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Cụ thể:

Năm 2019: Có 1 bài báo khoa học (tạp chí quốc tế)

Năm 2020: Có 1 bài báo khoa học (tạp chí quốc tế)

Năm 2021: Có 3 bài báo khoa học (trong đó có 2 bài báo trong nước, 1 bài báo quốc tế).

Năm 2022: Có 1 bài báo khoa học (tạp chí quốc tế)

Năm 2023: Có 1 bài báo khoa học (tạp chí trong nước)

thaythu1.JPG
Danh mục một số bài báo khoa học bằng tiếng Việt (tạp chí khoa học trong nước) được Giáo sư Trịnh Minh Thụ công bố trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình
thaythu2.JPG
Danh mục một số bài báo khoa học quốc tế được Giáo sư Trịnh Minh Thụ công bố trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình

Tính cả quá trình từ năm 1999 đến 2023, Giáo sư Trịnh Minh Thụ có 76 công trình khoa học đã công bố (bao gồm các sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình, sách,...).

Trong đó, nổi bật là sáng chế "Neo gia cố các tấm lát mái bảo vệ đê biển" của Giáo sư Trịnh Minh Thụ được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 10096 theo Quyết định số 9903/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (tháng 2/2012).

thaythu3.JPG
Một số công trình khoa học do Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã thực hiện. Ảnh chụp màn hình

Đã hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trịnh Minh Thụ cũng tích cực tham gia hoạt động hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Theo thông tin tại bản lý lịch khoa học, Giáo sư Trịnh Minh Thụ đã hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh. Tính thời gian trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước (nhiệm kỳ 2024-2029), thầy Thụ đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh thành công bảo vệ luận án tiến sĩ. Cụ thể:

1. Hướng dẫn nghiên cứu sinh Nguyễn Mai Chi với đề tài “Nghiên cứu giải pháp neo xoắn để gia cường ổn định cho cấu kiện bảo vệ mái kênh công trình thủy lợi”, tại Trường Đại học Thủy lợi. Đề tài được bảo vệ thành công năm 2022, trong đó Giáo sư Trịnh Minh Thụ tham gia với vai trò là người hướng dẫn chính.

2. Hướng dẫn nghiên cứu sinh Ngô Bình Giang với đề tài “Nghiên cứu ứng xử của nền đường đầu cầu trên nền đất yếu gia cường trụ xi măng đất kết hợp lưới địa kỹ thuật”. Đề tài được bảo vệ thành công năm 2024 (Chờ cấp bằng tiến sĩ), trong đó Giáo sư Trịnh Minh Thụ tham gia với vai trò là người hướng dẫn chính.

Được biết, hiện nay Giáo sư Trịnh Minh Thụ cũng đang đảm nhận vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) nhiệm kỳ 2023-2027.

Chi tiết bản kê khai lý lịch khoa học của Giáo sư Trịnh Minh Thụ, xem TẠI ĐÂY.

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029 tiếp tục không có lãnh đạo chuyên trách

Mùa xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 đã được khởi động. Thông tin từ Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm nay cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập với tổng số ứng viên đăng ký là 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên giáo sư, 940 ứng viên phó giáo sư.

Theo Khoản 1, Điều 13, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm: Chủ tịch; một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; một Phó Chủ tịch phụ trách các nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; một Phó Chủ tịch phụ trách nhóm ngành khoa học sức khỏe; một Phó Chủ tịch phụ trách các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao và các Ủy viên.

Ngày 11/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 300/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, lãnh đạo Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ mới có 4 người, gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước. Các Phó Chủ tịch lần lượt phụ trách các nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nhóm ngành khoa học sức khỏe; nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục - thể thao.

Như vậy, trải qua 5 năm nhiệm kỳ 2018-2023, và đến nay là nhiệm kỳ 2024-2029, Hội đồng Giáo sư nhà nước vẫn chưa có vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (Điều 17, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg) quy định:

1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng.

2. Trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.

3. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh; có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư.

5. Đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.

6. Có sức khỏe, thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Minh Chi